Bài 9. LỤC VÂN TIÊN GẶP NẠN (trích Truyện Lục Vân Tiên)
A. YÊU CẦU
Hiểu được nội dung đoạn trích: Hai nhân vật Lục Vân Tiên và Trịnh Hâm là đại diện cho sự đối lập giữa thiện và ác, giữa nhân cách cao cả và những toan tính thấp hèn. Qua đoạn trích, tác giả muốn gửi gắm niềm tin vào những gì tốt đẹp ở đời.
Đoạn thơ giàu cảm xúc, khoáng đạt, ngôn ngữ bình dị, dân dã.
B. GỢI Ý TRẢ LỜI CÂU HỎI, BÀI TẬP
I- Phần bài học
Câu hỏi 1. Tìm chủ đề của đoạn trích.
Gợi ý
Chủ đề của đoạn trích Lục Vân Tiên gặp nạn: Tác giả phê phán cái ác, đề cao và ca ngợi cái thiện, thể hiện niềm tin vào những điều tốt đẹp ở đời.
Câu hỏi 2. Hãy phân tích tâm địa độc ác của Trịnh Hâm qua hành động hãm hại bạn mình là Lục Vân Tiên. Em có nhận xét gì về giá trị nghệ thuật của đoạn thơ tự sự này?
Gợi ý
- Tâm địa độc ác của Trịnh Hâm: Trịnh Hâm là kẻ ganh ghét, đố kị với bạn, đồng thời cũng rất tàn ác và nham hiểm. Lục Vân Tiên bị mù, tiền bạc hết, trong cơn hoạn nạn rất cần được giúp đỡ, Trịnh Hâm đã không giúp đỡ bạn mà trái lại còn đang tâm hãm hại một con người tội nghiệp như thế. Hắn giả nhân giả nghĩa, đẩy Vân Tiên ngã xuống sông, nhưng lại giả bộ xót thương bạn.
- Hành động hãm hại bạn mình của Trịnh Hâm được miêu tả trong một đoạn thơ tự sự đặc sắc, ngắn gọn, rõ ràng. Chỉ trong tám dòng thơ nhưng đủ để giúp người đọc, người nghe hình dung cụ thể các tình tiết, diễn biến của sự kiện. Tác giả đã sắp xếp các tình tiết một cách hợp lí, mạch lạc: hai câu đầu miêu tả hoàn cảnh, hai câu tiếp miêu tả hành động độc ác của Trịnh Hâm, hai câu tiếp theo miêu tả cử chỉ giả dối của Trịnh Hâm, hai câu cuối đoạn này là nói về nỗi xót thương của mọi người đối với Vân Tiên.
Câu hỏi 3. Đối lập với cái ác, cái thiện được biểu hiện như thế nào qua đoạn trích?
(Gợi ý phân tích:
- Cảnh ông Ngư và gia đình cứu vớt Vân Tiên.
- Lời nói của ông Ngư đối với chàng.
- Cuộc sống lao động của ông Ngư.)
Đoạn thơ nói lên thái độ, tình cảm của tác giả đối với nhân dân lao động như thế nào?
Gợi ý
Trong đoạn trích, nếu Trịnh Hâm là đại diện cho cái ác thì ông Ngư và gia đình lại đại diện cho cái thiện. Cái thiện trong đoạn trích được thể hiện qua:
- Ông Ngư và cả gia đình cứu sống Vân Tiên. Thấy người bị nạn, ông Ngư lập tức “vớt ngay lên bờ”, sau đó thì cứu chữa hết sức tận tình chu đáo:
Hối con vầy lửa một giờ,
Ông hơ bụng dạ, mụ hơ mặt mày.
Sau đó, ông Ngư chân thành mời Vân Tiên ở lại mà không ngại tốn kém.
- Qua lời nói của ông Ngư với Vân Tiên, ta thấy được tấm lòng vị tha, tinh thần trọng nghĩa khinh tài của ông Ngư. Đó là những con người tốt bụng, nghĩa hiệp, làm ơn mà không mong chờ sự báo đáp.
Ngư rằng: “Lòng lão chẳng mơ,
Dốc lòng nhơn nghĩa há chờ trả ơn?
... Kinh luân đã sẵn trong tay,
Thung dung dưới thế vui say trong trời.
- Ông Ngư là một con người yêu lao động, yêu cuộc sống. Cuộc sống lao động của ông trong sạch, không màng danh lợi, khinh ghét thói đời đen bạc tráo trở.
- Tác giả gửi gắm khát vọng và niềm tin vào cái thiện, vào bản chất tốt đẹp của con người lao động bình thường qua đoạn trích này.
Câu hỏi 4. Hãy chọn những câu mà em cho là hay nhất trong đoạn thơ rồi trình bày cảm nhận của em về cảm xúc của tác giả và ngôn ngữ miêu tả, biểu cảm trong những câu thơ ấy.
Gợi ý
- Em đọc lại đoạn trích, tìm những câu thơ mà em cho là biểu hiện rõ nhất về tấm lòng nhân hậu, bao dung, về tinh thần trọng nghĩa khinh tài của ông Ngư và gia đình ông.
Em cũng có thể liên hệ với những nhân vật khác trong các tác phẩm đã học hoặc ngoài đời có những phẩm chất như ông Ngư.
- Trình bày cảm nhận của em về cảm xúc của tác giả (ca ngợi, trân trọng), về nghệ thuật miêu tả và khả năng biểu cảm của câu thơ được chọn.
II - Phần luyện tập
Trong Truyện Lục Vân Tiên còn có những nhân vật nào có thể xếp vào cùng một loại với ông Ngư ở đoạn trích này? Họ có những đặc điểm chung gì? Tác giả muốn gửi gắm ý tưởng nào thông qua các nhân vật đó?
Gợi ý:
Trong Truyện Lục Vân Tiên còn có những nhân vật như Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga,... có những phẩm chất giống với nhân vật ông Ngư. Họ đều là những con người có nhân, có nghĩa, có tấm lòng vị tha cao cả.
- Qua những nhân vật này, Nguyễn Đình Chiểu muốn thể hiện tấm lòng ưu ái của mình đối với những người lao động bình thường, thể hiện niềm tin vào những điều tốt đẹp ở đời.