Bài 16. CỐ HƯƠNG

A. YÊU CẦU

HS cảm nhận được:

- Thông qua việc thuật lại chuyến về quê lần cuối cùng của nhân vật “tôi”, những rung cảm của “tôi” trước sự thay đổi của làng quê, đặc biệt là của Nhuận Thổ, Lỗ Tấn đã phê phán xã hội phong kiến, đặt ra vấn đề con đường đi của nông dân và của toàn xã hội để mọi người suy ngẫm.

- Thấy được tác dụng của sự kết hợp nhiều phương thức biểu đạt trong việc thể hiện nội dung tư tưởng của tác phẩm, việc xây dựng tính cách nhân vật.

B. GỢI Ý TRẢ LỜI CÂU HỎI, BÀI TẬP

I- Phần bài học

Câu hỏi 1. Tìm bố cục của truyện. (Gợi ý: căn cứ vào trình tự thời gian chuyến về thăm quê của nhân vật “tôi”.).

Gợi ý

Truyện ngắn Cố hương chia bố cục thành ba phần:

- Phần 1 (từ đầu đến “đang làm ăn, sinh sống”): cuộc hành trình về quê.

- Phần 2 (từ “Tinh mơ sáng hôm sau” đến “sạch trơn như quét”): những ngày ở quê.

- Phần 3 (còn lại): sự ra đi và những suy ngẫm về hiện tại và tương lai.

Câu hỏi 2. Trong truyện, có mấy nhân vật chính? Nhân vật nào là nhân vật trung tâm? Vì sao?

Gợi ý

- Truyện có hai nhân vật chính: Nhuận Thổ và “tôi” (anh Tấn) - người bạn thời ấu thơ của Nhuận Thổ.

- Nhân vật tôi là nhân vật trung tâm vì mọi thay đổi của nhân vật Nhuận Thổ đều được miêu tả qua cái nhìn của nhân vật “tôi”.

Câu hỏi 3. Tác giả đã dùng những biện pháp nghệ thuật nào để làm nổi bật sự thay đổi ở nhân vật Nhuận Thổ? Ngoài sự thay đổi của Nhuận Thổ, tác giả còn miêu tả sự thay đổi nào khác của những con người và cảnh vật ở Cố hương? Tác giả đã biểu hiện tình cảm, thái độ như thế nào và đặt ra vấn đề gì qua sự miêu tả đó?

Gợi ý

- Tác giả đã dùng hai biện pháp nghệ thuật chính là hồi ức và so sánh đối chiếu để làm nổi bật sự thay đổi ở nhân vật Nhuận Thổ.

+ Khi còn nhỏ, Nhuận Thổ là một cậu bé lanh lợi, khoẻ mạnh: “khuôn mặt tròn trĩnh, nước da bánh mật, đầu đội mũ lông chiến bé tí tẹo, cổ đeo vòng bạc sáng loáng”, Nhuận Thổ biết nhiều thứ: bẫy chim, nhặt vỏ sò, canh dưa, đâm tra,...

+ Sau nhiều năm xa cách, bây giờ gặp lại “anh cao gấp hai trước, khuôn mặt tròn trĩnh, nước da bánh mật trước kia nay đổi thành vàng sậm, lại có thêm những nếp răn sâu hoắm. Cặp mắt giống hệt cặp mắt bố anh ngày trước, mi mắt viền đỏ húp mọng lên”, “đội một cái mũ lông chiên rách tươm, mặc một chiếc áo bông mỏng dính, người co ro cúm rúm”, bàn tay “vừa thô kệch vừa nặng nề, nứt nẻ như vỏ cây thông”.

- Ngoài sự thay đổi của Nhuận Thổ, tác giả còn nêu sự thay đổi của nhân vật khác như chị Hai Dương. Chị vốn là một người phụ nữ đẹp, nhưng bây giờ “lưỡng quyền nhô ra, môi mỏng dính, hai tay chống nạnh, không buộc thắt lưng, chân đứng chạng ra, giống hệt cái com-pa trong bộ đồ vẽ, có hai chân bé tí”. Chị trở nên chanh chua, mỉa mai, tranh thủ lấy được cái gì thì lấy. Tác giả còn miêu tả một số người đến hỏi mua đồ nhưng tiện tay cứ mang bừa đi.

- Cảnh vật cũng thay đổi: “Hình ảnh làng cũ trong kí ức tôi không giống hẳn như thế này. Làng cũ tôi đẹp hơn kia!”.

Câu hỏi 4. Đọc kĩ ba đoạn văn a, b, c (SGK) và trả lời câu hỏi.

Gợi ý

- Trong ba đoạn văn, đoạn (b) chủ yếu dùng phương thức miêu tả. Thông qua đó, tác giả muốn so sánh, làm nổi bật sự thay đổi của Nhuận Thổ so với trước đây và bây giờ.

- Đoạn (a) chủ yếu dùng phương thức tự sự. Ngoài tự sự ra, tác giả còn sử dụng phương thức biểu cảm. Hiệu quả của sự kết hợp này là tác giả đã làm nổi bật được sự gắn bó thân thiết giữa hai người bạn thời thơ ấu, đồng thời thể hiện được tình cảm của mình với Nhuận Thổ.

- Đoạn (c) chủ yếu dùng phương thức lập luận, thông qua đó tác giả muốn hướng tới việc phải tạo ra con đường mới, phải thay đổi nông thôn và thay đổi cả xã hội Trung Quốc để có một xã hội mới, không có sự cách bức, cũng không có sự huỷ hoại, làm cho con người mụ mị như xã hội phong kiến đương thời.

II - Phần luyện tập

Bài tập 1. Chọn một đoạn văn mà em thích nhất trong tác phẩm để học thuộc.

Gợi ý

Có thể chọn một trong ba đoạn ở bài tập 3 (Phần bài học).

Bài tập 2. Tìm những từ ngữ thích hợp trong tác phẩm điền theo bảng mẫu dưới đây:

Gợi ý

- Nhuận Thổ lúc còn nhỏ: Khuôn mặt tròn trĩnh, nước da bánh mật; bàn tay hồng hào, lanh lẹ, mập mạp, cứng rắn; không bẽn lẽn với “tôi”,...

- Nhuận Thổ lúc đứng tuổi: Cao gấp hai trước, nước da vàng sạm, nếp răn sâu hoắm, người co ro cúm rúm; tay cầm một bọc giấy và một tẩu thuốc lá dài, thô kệch, vụng về, nứt nẻ như vỏ cây thông; nét mặt hớn hở vừa thê lương; môi mấp máy không ra tiếng...