Bài 13. LÀNG (Trích)
A. YÊU CẦU
HS cảm nhận được:
- Lòng yêu nước, tinh thần kháng chiến của người nông dân trong thời kì chống thực dân Pháp được thể hiện một cách chân thực, sâu sắc và cảm động qua nhân vật ông Hai.
- Tác giả thành công trong việc xây dựng tình huống truyện, nghệ thuật miêu tả tâm lí và ngôn ngữ nhân vật.
B. GỢI Ý TRẢ LỜI CÂU HỎI, BÀI TẬP
I - Phần bài học
Câu hỏi 1. Truyện ngắn Làng đã xây dựng được một tình huống truyện làm bộc lộ sâu sắc tình yêu làng quê và lòng yêu nước ở nhân vật ông Hai. Đó là tình huống nào?
Gợi ý
Ông Hai trong truyện rất yêu quý và tự hào về cái làng Chợ Dầu của mình. Phải tản cư xa làng, lúc nào ông cũng nhớ về nó. Nói chuyện với ai ông cũng khoe làng mình. Khi nghe tin làng mình lập tề theo giặc, ông đã phải đau xót, tủi hổ. Tình huống này đã khiến nhân vật bộc lộ tình yêu làng quê và lòng yêu nước mãnh liệt, thiết tha của mình.
Câu hỏi 2. Thuật lại diễn biến tâm trạng và hành động của nhân vật ông Hai từ lúc nghe tin làng mình theo giặc đến kết thúc truyện.
Vì sao ông Hai lại thấy đau đớn, tủi hổ khi nghe tin làng mình theo giặc? Tâm trạng ấy của nhân vật đã được biểu hiện như thế nào?
Gợi ý
- Diễn biến tâm trạng và hành động của ông Hai:
+ Ông Hai vui vẻ, “Ruột gan ông lão cứ múa cả lên”, “bao nhiêu ý nghĩ vui thích chen chúc trong đầu óc” trước những tin chiến thắng nghe được ở phòng thông tin.
+ Khi nghe có giặc khủng bố ở Chợ Dầu, ông “lắp bắp hỏi: ... ta giết được bao nhiêu thằng?". Khi biết tin làng theo Tây, “cổ ông lão nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rần rần”, “Ông lão lặng đi, tưởng như đến không thở được”. Ông không tin chuyện làng ông theo giặc.
+ Khi nghe những chứng cứ không thể không tin, ông lão “cười nhạt một tiếng”, “vờ đứng lãng ra chỗ khác”. Ông Hai cảm thấy xấu hổ, “cúi gằm mặt xuống mà đi". Ông suy sụp, “nằm vật ra giường”, “nằm rũ ra ở trên đường”.
+ Ông bán tín bán nghi, cảm thấy bực bội, giận dữ vô cớ với bà Hai.
+ Suốt mấy ngày, ông luôn chột dạ, tủi hổ.
+ Khi ông Hai biết làng mình theo Tây chỉ là tin “láo hết”, “sai sự mục đích cả” thì ông cảm thấy mừng vui, thậm chí dự định sẽ mổ lợn ăn mừng.
- Ông Hai đau đớn, tủi hổ khi nghe tin làng mình theo giặc vì ông rất yêu làng, yêu nước.
Bài tập 3. Em hãy đọc lại đoạn ông Hai trò chuyện với đứa con út (“Ông lão ôm thằng con út lên lòng... cũng vơi đi được đôi phần”). Vì sao ông Hai lại trò chuyện như thế với đứa con nhỏ? Qua những lời trò chuyện ấy, em cảm nhận được điều gì về tấm lòng của ông Hai với làng quê, đất nước, với cuộc kháng chiến? Tình yêu làng quê và lòng yêu nước ở ông Hai có quan hệ như thế nào?
Gợi ý
- Đoạn ông Hai trò chuyện với đứa con út thực ra là một đoạn độc thoại cảm động. Đây là cách ông Hai thổ lộ tấm lòng thuỷ chung của mình đối với kháng chiến, với cụ Hồ; là cách ông bộc lộ tình yêu sâu nặng đối với cái làng Chợ Dầu của ông.
- Trong nội tâm nhân vật ông Hai xảy ra xung đột giữa một bên là tình yêu làng quê và một bên là lòng yêu nước, tinh thần kháng chiến. Ông Hai đã đặt lòng yêu nước và tinh thần chiến đấu lên trên tình yêu làng quê.
Câu hỏi 4. Nhận xét về nghệ thuật miêu tả tâm lí và ngôn ngữ nhân vật ông Hai của tác giả.
Gợi ý
- Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật được thể hiện qua tình huống, cách miêu tả hành động, lời nói cụ thể, đặc biệt đi sâu miêu tả nỗi day dứt, ám ảnh của ông Hai khi nghe tin làng mình theo Tây.
- Ngôn ngữ truyện mang đậm tính khẩu ngữ, gần gũi với đời sống.
II - Phần luyện tập
Bài tập 1. Chọn phân tích một đoạn miêu tả tâm lí nhân vật ông Hai trong truyện. Trong đoạn văn ấy, tác giả đã sử dụng những biện pháp nào để miêu tả tâm lí nhân vật?
Gợi ý
- Em có thể chọn một trong những đoạn sau:
+ Đoạn miêu tả tâm lí nhân vật ông Hai khi nghe tin chiến thắng từ phòng thông tin.
+ Đoạn miêu tả tâm lí nhân vật ông Hai khi có tin làng ông theo Tây.
+ Đoạn miêu tả cảnh trò chuyện giữa ông Hai và thằng út.
- Tác giả đã miêu tả tâm lí nhân vật thông qua ngôn ngữ, cử chỉ, hành động của nhân vật.
Bài tập 2. Em có nhớ truyện ngắn hay bài thơ nào cũng viết về tình cảm quê hương, đất nước? Hãy nêu nét riêng của truyện Làng so với những tác phẩm ấy.
Gợi ý
Em có thể tự liệt kê các tác phẩm thơ, truyện ngắn em nhớ viết về tình cảm với quê hương, đất nước. Lưu ý: truyện Làng cũng nói về tình yêu quê hương, đất nước nhưng ở đây có sự xung đột giữa hai tình cảm này trong nội tâm nhân vật và nhân vật đã đặt tình yêu đất nước cao hơn tình yêu quê hương.