Bài 2. ĐẤU TRANH CHO MỘT THẾ GIỚI HOÀ BÌNH

A. YÊU CẦU

- Hiểu được vấn đề nhà văn đặt ra trong bài nghị luận xã hội này là hiểm hoạ hạt nhân đang đe doạ toàn cầu. Tác giả kêu gọi thế giới nỗ lực hành động ngăn chặn nguy cơ đó, đấu tranh cho một thế giới hoà bình.

- Thấy được bài nghị luận đã đưa ra những chứng cứ cụ thể, xác thực, cách so sánh rõ ràng, lập luận chặt chẽ, giàu sức thuyết phục.

B. GỢI Ý TRẢ LỜI CÂU HỎI, BÀI TẬP

I - Phần bài học

Câu hỏi 1. Hãy nêu luận điểm và hệ thống luận cứ của văn bản.

Gợi ý

Mác-két nêu ra hai luận điểm cơ bản, mỗi luận điểm đều có một hệ thống luận cứ:

- Nguy cơ chiến tranh hạt nhân đe doạ sự sống trên trái đất và những tổn phí từ chương trình hạt nhân.

+ Sức mạnh huỷ diệt của vũ khí hạt nhân.

+ Chi phí cho chương trình hạt nhân gấp nhiều lần so với chương trình nhân đạo như giải quyết vấn đề cấp bách cho 500 triệu trẻ em nghèo khổ nhất thế giới, xoá nạn mù chữ, tiếp tế thực phẩm, chăm sóc y tế,...

- Nhiệm vụ cấp bách của nhân loại là phải ngăn chặn nguy cơ này, đấu tranh cho một thế giới hoà bình.

+ Kêu gọi xây dựng một thế giới không có vũ khí hạt nhân.

+ Có các biện pháp đề phòng khi xảy ra chiến tranh hạt nhân.

+ Lên án những kẻ vì tham vọng chính trị mà sản xuất vũ khí hạt nhân.

Câu hỏi 2. Trong đoạn đầu văn bản, nguy cơ chiến tranh hạt nhân đe doạ loài người và toàn bộ sự sống trên trái đất đã được tác giả chỉ ra rất cụ thể bằng cách lập luận như thế nào?

Gợi ý

Nguy cơ chiến tranh hạt nhân đe doạ loài người và sự sống trên thế giới được tác giả chỉ ra bằng cách nêu rõ những con số và sự lập luận chặt chẽ:

+ Số lượng: Hơn 50 000 đầu đạn hạt nhân được bố trí khắp hành tinh. Số đầu đạn đó có sức công phá đến mức bình quân mỗi người dân đang ngồi trên một thùng 4 tấn thuốc nổ, có khả năng huỷ diệt 12 lần mọi dấu vết của sự sống trên trái đất và tiêu diệt tất cả các hành tinh đang xoay quanh mặt trời, phá huỷ thế thăng bằng của hệ mặt trời. Sức tác động của đoạn văn trước hết bằng những con số này.

+ Mối nguy cơ được so sánh với thanh gươm Đa-mô-clét trong thần thoại Hi Lạp làm tăng sức thuyết phục.

Câu hỏi 3. Sự tốn kém và tính chất vô lí của cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân đã được tác giả chỉ ra bằng những chứng cứ nào?

Gợi ý

Sự tốn kém và tính chất vô lí của cuộc chạy đua vũ trang đã được tác giả chỉ ra bằng sự so sánh tỉ lệ chênh lệch giữa chi phí nâng cao đời sống nhân loại quá thấp và chi phí cho chiến tranh quá cao. Chứng cứ là những con số cụ thể:

- Cứu trợ 500 triệu trẻ em nghèo khổ chỉ tốn 100 tỉ đô la. Đó là khoản tiền không thể có được. Nhưng nó cũng chỉ gần bằng chi phí cho 100 máy bay ném bom chiến lược B.1B của Mĩ và cho dưới 7000 tên lửa vượt đại châu.

- Bảo vệ cho hơn 1 tỉ người khỏi bệnh sốt rét và cứu hơn 14 triệu trẻ em Châu Phi cũng chỉ cần số tiền bằng 10 chiếc tàu sân bay mang vũ khí hạt nhân của Mĩ.

- Giải quyết việc thiếu dinh dưỡng cho gần 575 triệu người chỉ cần số tiền chi cho 149 tên lửa MX là đủ; chỉ cần 27 tên lửa MX là đủ trả tiền nông cụ cần thiết cho các nước nghèo để họ có được thực phẩm trong bốn năm tới.

- Chỉ hai chiếc tàu ngầm mang vũ khí hạt nhân là đủ tiền xoá nạn mù chữ cho toàn thế giới.

Những điều nghịch lí trên mà tác giả chỉ ra có giá trị tố cáo, kết tội những kẻ có tham vọng chiến tranh

Câu hỏi 4. Vì sao có thể nói: Chiến tranh hạt nhân "không những đi ngược lại lí trí con người mà còn đi ngược lại cả lí trí tự nhiên nữa"? Em có suy nghĩ gì trước lời cảnh báo của nhà văn Mác-két về nguy cơ huỷ diệt sự sống và nền văn minh trên trái đất một khi chiến tranh hạt nhân nổ ra?

Gợi ý

Chiến tranh hạt nhân đi ngược lại lí trí của con người bởi vì con người thông minh đã làm cuộc sống ngày càng tốt đẹp, hạnh phúc hơn. Con người đã làm nên cuộc sống tốt đẹp trên hành tinh. Nếu chiến tranh hạt nhân xảy ra, nó sẽ thiêu huỷ toàn bộ thành quả mà loài người đã dày công lao động, sáng tạo mới có được. Nó cũng đi ngược lại lí trí của tự nhiên, bởi vì nó huỷ diệt tự nhiên, đưa quá trình tiến hoá của tự nhiên trở lại điểm xuất phát.

(Ý thứ hai của câu hỏi, em có thể nêu suy nghĩ, tình cảm của mình trước những vấn đề mà nhà văn nêu ra)

Câu hỏi 5*. Theo em, vì sao văn bản này lại được đặt tên là "Đấu tranh cho một thế giới hoà bình?"

Gợi ý

Trình bày về hiểm hoạ chiến tranh hạt nhân chiếm dung lượng chủ yếu của văn bản trên. Tác giả đã nêu ra những tốn kém ghê gớm và vô ích, đã cản trở những công việc thiết thực cải thiện đời sống của những người nghèo khổ trên trái đất. Tuy nhiên, mục đích của bài viết là phản đối cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân, kêu gọi nhân loại cần nỗ lực đấu tranh cho một thế giới hoà bình. Do đó, tên văn bản “Đấu tranh cho một thế giới hoà bình” là để thể hiện mục đích này của người viết.

II - Phần luyện tập

Phát biểu cảm nghĩ của em sau khi đọc văn bản "Đấu tranh cho một thế giới hoà bình" của nhà văn G.G. Mác-két.

Gợi ý

Cần tham khảo thêm các tài liệu nói về nguy cơ của chiến tranh hạt nhân để có thêm chứng cứ khi phát biểu cảm nghĩ của mình.