Bài 32. BẮC SƠN (Trích hồi 4)

A. YÊU CẦU

- Nắm được nội dung và ý nghĩa của đoạn trích.

- Thấy được nghệ thuật viết kịch của Nguyễn Huy Tưởng.

- Hình thành những hiểu biết sơ lược về thể loại kịch nói.

B. GỢI Ý TRẢ LỜI CÂU HỎI, BÀI TẬP

I- Phần bài học

Câu hỏi 1. Thuật lại diễn biến sự việc và hành động trong các lớp kịch trích ở hồi 4.

Gợi ý

Đoạn trích trong SGK là hai lớp thuộc hồi bốn của vở kịch. Sự việc diễn ra chủ yếu ở gia đình Thơm - Ngọc. Xung đột và hành động kịch tập trung vào hai nhân vật Thơm và Ngọc. Trước cái chết của cha, Thơm dần nhận ra bộ mặt thật của Ngọc. Thơm vô cùng đau xót và ân hận. Thái và Cửu bị giặc truy bắt đã chạy nhầm vào nhà Thơm, được Thơm che giấu và cứu thoát.

Câu hỏi 2. Trong các lớp kịch này, tác giả đã xây dựng được một tình huống bất ngờ, gay cấn. Đó là tình huống nào? Tình huống ấy có tác dụng như thế nào trong việc thể hiện xung đột và phát triển hành động kịch?

Gợi ý

Xung đột kịch trong hồi bốn được bộc lộ qua một tình huống căng thẳng, bất ngờ: Thái, Cửu trong lúc lẩn trốn sự truy lùng của Ngọc và đồng bọn lại chạy vào đúng nhà Ngọc, lúc chỉ có Thơm ở nhà. Tình huống ấy buộc Thơm phải có sự lựa chọn dứt khoát: hoặc là che giấu Thái và Cửu, hoặc để cho chồng mình bắt hai cán bộ. Bằng việc che giấu cho hai người, Thơm đã đứng hẳn về phía cách mạng. Tình huống ấy là dịp để Thơm thấy rõ sự phản động của chồng.

Hai người cán bộ cách mạng xuất hiện ở lớp II đã đẩy mâu thuẫn kịch phát triển theo một hướng khác: lòng tin của những người cán bộ cách mạng đối với quần chúng nhân dân không chỉ liên quan đến tính mạng của bản thân họ mà còn liên quan đến sự thành bại của cách mạng.

Câu hỏi 3. Phân tích tâm trạng và hành động của nhân vật Thơm. (Chú ý: hoàn cảnh của nhân vật, tâm trạng và thái độ của Thơm với chồng, hành động của cô cứu Thái, Cửu).

Gợi ý

Thơm đau xót, ân hận khi nghĩ đến cái chết của cha và em trai; luôn bị dày vò, ám ảnh về tình cảnh thương tâm của người mẹ điên dại, bỏ nhà đi lang thang...

Khi Cửu và Thái mới xuất hiện, Thơm đã hoảng hốt, lo lắng. Ở cô lúc này, không có cuộc đấu tranh giữa cái sống và cái chết, cũng không có sự lựa chọn phải giao nộp hai cán bộ này hay che giấu họ. Cô không lo lắng, băn khoăn vì dám cả gan che giấu cán bộ. Thơm hoảng hốt là do quá bất ngờ, lo lắng, đắn đo vì không biết bảo vệ họ thế nào.

Tình huống bất ngờ, hoàn cảnh bức bách đã làm bật lên hành động cao đẹp của một quần chúng yêu nước. Cô đã nhanh trí đẩy họ vào buồng trong, nói to lên để hai người cán bộ biết để không đi lối sau vườn. Thơm chọn phương án táo bạo: đẩy hai người vào buồng trong. Bằng cách này khiến cho Ngọc không mảy may nghi ngờ.

Mâu thuẫn kịch đạt đến đỉnh cao. Thơm dám chống lại chồng, che giấu cán bộ cách mạng - những người mà chồng muốn lùng bắt để lĩnh thưởng, để lập công với kẻ thù. Ngọc hoàn toàn không biết những người cán bộ mà mình đang truy bắt lại ở ngay trong buồng của vợ chồng mình.

Kịch tính được đẩy lên một bước làm cho người xem hồi hộp đến nín thở. Ngọc muốn nấn ná ở lại quấn quýt với người vợ trẻ đẹp. Thơm lại sốt ruột muốn cho Ngọc ra khỏi nhà, sợ Ngọc sẽ phát hiện ra hai người cán bộ. Để Ngọc không nghi ngờ, Thơm phải ngọt ngào, ân hận về những lời nói với chồng trước đó. Thơm càng ngọt ngào, Ngọc càng muốn nấn ná ở lại. Ngọc càng nấn ná, Thơm càng lo lắng, càng muốn Ngọc ra khỏi nhà. Thơm phải khéo léo nói dựa theo những lời của chồng để chồng không nghi ngờ gì, nhưng lại phải tìm cách đẩy hắn đi thật nhanh. Diễn biến tâm lí của nhân vật Thơm khá phức tạp, chân thật và hấp dẫn.

Đặt nhân vật vào hoàn cảnh căng thẳng, gay cấn, tác giả đã làm bộc lộ đời sống nội tâm của Thơm.

Cuối cùng Thơm đã hành động dứt khoát, đứng hẳn về phía cách mạng. Rõ ràng, ngay cả khi cuộc đấu tranh cách mạng gặp khó khăn, bị kẻ thù đàn áp khốc liệt, cách mạng vẫn không thể bị tiêu diệt. Cách mạng vẫn sống trong lòng quần chúng, ngay cả với những người ở vị trí trung gian như Thơm.

Câu hỏi 4. Phân tích các nhân vật Ngọc, Thái, Cửu. Chú ý những điểm sau:

- Bằng những thủ pháp nào tác giả đã để cho nhân vật Ngọc bộc lộ bản chất của y và đó là bản chất gì?

- Những nét nổi rõ trong tính cách của Thái, của Cửu là gì?

Gợi ý

- Ngọc vốn chỉ là một anh nho lại, địa vị thấp kém trong bộ máy cai trị của thực dân, Ngọc nuôi tham vọng ngoi lên để thoả mãn lòng ham muốn địa vị, quyền lực và tiền tài.

Khi cuộc khởi nghĩa nổ ra, bộ máy cai trị của thực dân ở châu Bắc Sơn bị đánh đổ, Ngọc thù hận cách mạng. Y đã rắp tâm làm tay sai cho giặc, dẫn quân Pháp về đánh trường Vũ Lăng - căn cứ của lực lượng khởi nghĩa. Ở hồi 4, Ngọc đã thể hiện bản chất Việt gian của mình. Y ra sức truy lùng những người cách mạng đang lẩn trốn trong vùng, đặc biệt là Thái và Cửu.

Ngọc cố che giấu Thơm về bản chất Việt gian phản động của y nhưng dần dần Thơm đã nhận ra và chính vì thế đã thúc đẩy Thơm đứng về phía cách mạng.

Tác giả tập trung miêu tả những cái xấu, cái ác của nhân vật Ngọc, chú ý khắc hoạ tính cách của một loại người, nhất quán nhưng không đơn giản.

- Hai nhân vật Thái, Cửu: Trong tình thế nguy kịch, bị giặc truy đuổi, lại chạy nhầm vào chính nhà tên Ngọc, Thái vẫn bình tĩnh, sáng suốt, củng cố được lòng tin của Thơm vào những người cách mạng và thể hiện lòng tin vào bản chất của cô. Còn Cửu thì hăng hái nhưng nóng nảy, thiếu sự chín chắn. Anh đã nghi ngờ Thơm, còn định bắn cô. Mãi đến lúc cuối, khi đã được Thơm cứu thoát, Cửu mới hiểu và tin Thơm.

Tính cách khác biệt ấy giữa Thái và Cửu góp phần quan trọng thúc đẩy hành động kịch, lôi cuốn người đọc, người xem.

Câu hỏi 5. Nhận xét về nghệ thuật viết kịch của Nguyễn Huy Tưởng trong các lớp kịch này, chú ý các phương diện xây dựng tình huống, tổ chức đối thoại, biểu hiện tâm lí và tính cách nhân vật.

Gợi ý

Nguyễn Huy Tưởng đã thành công trong việc xây dựng tình huống, tổ chức đối thoại, biểu hiện tâm lí và tính cách nhân vật trong lớp kịch này.

- Trước hết là thể hiện xung đột kịch: Xung đột cơ bản của vở kịch đến hồi bốn đã bộc lộ gay gắt trong sự đối đầu của Ngọc với Thái, Cửu, trong hoàn cảnh cuộc khởi nghĩa bị đàn áp và Ngọc cùng đồng bọn đang truy lùng những người cách mạng. Đồng thời xung đột kịch cũng diễn ra trong nội tâm nhân vật Thơm, thúc đẩy diễn biến tâm trạng nhân vật để đi tới bước ngoặt quan trọng.

- Về xây dựng tình huống kịch: Tình huống gay cấn, bất ngờ, bộc lộ rõ xung đột và thúc đẩy hành động kịch phát triển.

- Về tổ chức đối thoại: Tác giả đã tổ chức được các đối thoại với những nhịp điệu, giọng điệu khác nhau, phù hợp với từng giai đoạn của hành động kịch (đối thoại giữa Thái, Cửu với Thơm ở lớp II có nhịp điệu căng thẳng, gấp gáp, giọng lo lắng, hồi hộp). Đối thoại đã bộc lộ nội tâm và tính cách nhân vật (đặc biệt ở lớp III).

- Về biểu hiện tâm lí và tính cách nhân vật: Tâm lí nhân vật diễn ra khá phức tạp, chân thật (nhân vật Thơm), tính cách nhân vật được thể hiện khá rõ nét và thống nhất trong lời nói, hành động (nhân vật Ngọc).

II - Phần luyện tập

Bài tập 1, 2 (SGK trang 167)

Em làm theo yêu cầu và gợi ý trong SGK.