Bài 21. CHÓ SÓI VÀ CỪU TRONG THƠ NGỤ NGÔN CỦA LA PHÔNG-TEN (Trích)

A. YÊU CẦU

Qua bài đọc, các em hiểu được một bài nghị luận văn chương. Trong bài nghị luận này, tác giả Hi-pô-lít Ten đã dùng biện pháp so sánh hình tượng con cừu và con sói trong thơ ngụ ngôn của La Phông-ten với những dòng viết về hai con vật ấy để nêu bật đặc trưng của sáng tác nghệ thuật.

B. GỢI Ý TRẢ LỜI CÂU HỎI, BÀI TẬP

I - Phần bài học

Câu hỏi 1. Xác định bố cục hai phần của bài nghị luận văn chương này và đặt tiêu đề cho từng phần. Đối chiếu các phần ấy để tìm ra biện pháp lập luận giống nhau và cách triển khai khác nhau không lặp lại.

Gợi ý

Bài nghị luận văn chương này gồm hai đoạn: hình tượng con cừu trong thơ La Phông-ten (từ đầu đến "tốt bụng như thế”) và hình tượng chó sói trong thơ La Phông-ten (phần còn lại).

- Trong cả hai đoạn, nhằm làm nổi bật các hình tượng con cừu và con chó sói dưới ngòi bút nghệ thuật của nhà thơ ngụ ngôn, tác giả đều lập luận bằng cách dẫn ra những dòng viết về hai con vật ấy của nhà khoa học Buy-phông để so sánh.

Trong cả hai đoạn, tác giả đều triển khai mạch nghị luận theo trật tự ba phần: dưới ngòi bút của La Phông-ten, dưới ngòi bút của Buy-phông, dưới ngòi bút của La Phông-ten.

- Nhưng ở đoạn đầu, khi bàn về con cừu, tác giả thay bước thứ nhất bằng trích đoạn thơ ngụ ngôn của La Phông-ten, nói khác đi, tác giả nhờ La Phông-ten tham gia vào mạch nghị luận của ông. Vì vậy, bài văn nghị luận trở nên sinh động hơn.

Câu hỏi 2. Nhà khoa học Buy-phông nhận xét về loài cừu, loài chó sói căn cứ vào đâu và có đúng không? Tại sao ông không nói đến "sự thân thương" của loài cừu và "nỗi bất hạnh" của loài chó sói?

Gợi ý

Hai con vật dưới ngòi bút của nhà khoa học.

Buy-phông viết về loài cừu và loài chó sói dưới cái nhìn của một nhà khoa học. Ông nêu lên những đặc tính cơ bản của chúng một cách chân thực. Ông không nhắc đến "sự thân thương" của loài cừu, cũng không nhắc đến "nỗi bất hạnh" của loài chó sói vì đấy không phải là đặc điểm cơ bản của chúng.

Câu hỏi 3. Để xây dựng hình tượng con cừu trong bài Chó sói và cừu non, nhà thơ La Phông-ten lựa chọn khía cạnh chân thực nào của loài vật này, đồng thời có những sáng tạo gì?

Gợi ý

- Hình tượng con cừu trong bài Chó sói và cừu non là một con cừu cụ thể. Nhà thơ lựa chọn một chú cừu non bé bỏng và đặt chú cừu non ấy trong một hoàn cảnh đặc biệt, đối mặt với chó sói bên dòng suối. Trong hoàn cảnh ấy, tính chất hiền lành, nhút nhát - một đặc điểm tiêu biểu về tính nết của loài cừu được bộc lộ.

- Với đặc trưng của thể loại thơ ngụ ngôn, La Phông-ten đã nhân cách hoá cừu, miêu tả chó sói và cừu như những con người cụ thể. Chúng cũng suy nghĩ, nói năng và hành động như con người.

Câu hỏi 4. Chó sói có mặt trong nhiều bài thơ ngụ ngôn của La Phông-ten. Chứng minh rằng hình tượng chó sói trong bài cụ thể Chó sói và cừu non không hoàn toàn đúng như nhận xét của Ten, mà chỉ phần nào có thể xem là đáng cười (hài kịch của sự ngu ngốc), còn chủ yếu lại là đáng ghét (bi kịch của sự độc ác).

Gợi ý

Trong thơ ngụ ngôn của La Phông-ten, nhiều bài có nhân vật chó sói: Chó sói và chó nhà, Chó sói và cò, Chó sói trở thành gã chăn cừu,... Khi xây dựng hình tượng chó sói, La Phông-ten không tuỳ tiện mà dựa trên đặc tính vốn có của loài sói. Đó là đặc tính săn mồi, ăn tươi nuốt sống những con vật yếu đuối hơn nó. Nhận định của H. Ten về hình tượng chó sói là đúng vì ông bao quát tất cả những bài ấy, chứ không phải chỉ bài Chó sói và cừu non. Con sói mà La Phông-ten miêu tả ở bài Chó sói và cừu non là một con sói cụ thể trong hoàn cảnh cụ thể. Chó sói có cái đáng cười, vì nó ngu ngốc, chẳng kiếm ra được cái gì ăn nên mới "đói meo", "gầy giơ xương" (hài kịch của sự ngu ngốc), nhưng chủ yếu ở đây nó là một con vật đáng ghét, gian xảo, hống hách, bắt nạt kẻ yếu (bi kịch của sự độc ác).