ĐỀ BÀI: Hãy kể lại một câu chuyện em đã được nghe hoặc được đọc về những người đã góp sức mình bảo vệ trật tự, an ninh.

* Gợi ý:

1. Các hoạt động bảo vệ trật tự, an ninh:

- Đảm bảo trật tự, an ninh trong phố phường, lối xóm.

- Đảm bảo trật tự giao thông trên các tuyến đường.

- Phòng cháy, chữa cháy (ví dụ: truyện Tiếng rao đêm - Tiếng Việt 5, tập hai).

- Bắt trộm, cướp; chống các hành vi phạm pháp, tệ nạn xã hội (ví dụ: truyện Người gác rừng tí hon - Tiếng Việt 5, tập một).

- Điều tra, xét xử các vụ án (ví dụ: hai truyện Ông Nguyễn Khoa Đăng, Phân xử tài tình - Tiếng Việt 5, tập hai).

- Hoạt động tình báo trong lòng địch (ví dụ: truyện Hộp thư mật - Tiếng Việt 5, tập hai).

2. Tìm câu chuyện ở đâu?

- Những câu chuyện em được nghe người thân kể.

- Báo, truyện đọc xưa và nay. Chú ý sách Truyện đọc lớp 5 và các truyện tình báo, truyện trinh thám (ví dụ: Ông cố vấn của Hữu Mai, Sơ-lốc Hôm của Cô-nan Đoi-lơ).

3. Kể chuyện:

- Mở đầu câu chuyện: Giới thiệu nhân vật, hoàn cảnh xảy ra câu chuyện.

- Diễn biến của câu chuyện: Kể rõ trình tự các việc xảy ra, hành động của nhân vật (chú ý nhấn mạnh những chi tiết liên quan đến nội dung bảo vệ trật tự, an ninh).

4. Trao đổi với các bạn về ý nghĩa của câu chuyện.

* Tham khảo một số để dưới đây:

ĐỀ 1: Kể lại câu chuyện về một anh công an khu vực mà em được chứng kiến hoặc nghe kể lại.

I. DÀN Ý

1. Mở bài:

* Giới thiệu chung:

- Tên của anh (hoặc chú) công an khu vực là gì? Độ bao nhiêu tuổi?

- Câu chuyện về anh xảy ra vào thời gian nào? Em được chứng kiến hay được nghe?

- Đó là chuyện gì?

2. Thân bài:

* Diễn biến câu chuyện:

- Bắt đầu ra sao? (Sự việc, con người, hoàn cảnh,...)

- Diễn biến như thế nào?

- Kết thúc như thế nào?

3. Kết bài:

* Cảm nghĩ của bản thân:

- Yêu mến, kính phục...

- Muốn noi gương...

II. BÀI LÀM

Chú công an khu vực nơi gia đình em sinh sống tên là Trần Đức Long, gần 40 tuổi, quê ở Tiền Giang. Bà con dân phố yêu mến và tin tưởng chú, coi chú như người nhà. Tính chú giản dị, chân thành. Việc gì có lợi cho dân là chú làm, chẳng ngại khó khăn. Nhiều năm liền, chú đạt danh hiệu cảnh sát khu vực giỏi.

Tuần trước, ở khu phố 3 có bà cụ Yên là mẹ liệt sĩ sống một mình chẳng may lâm bệnh nặng. Chú Long cùng hai anh dân phòng đưa bà cụ đi cấp cứu ở bệnh viện An Bình. Chú cùng bác Tư tổ trưởng dân phố vận động từng gia đình đóng góp tiền để lo thuốc men cho bà cụ. Ngày ngày, chú tranh thủ vào bệnh viện thăm nom, động viên để bà cụ mau khỏi bệnh. Chú Long luôn quan tâm chăm sóc các đối tượng, gia đình thuộc diện chính sách trong khu phố.

Ông bà nội và bố mẹ em khen chú Long có tấm lòng nhân ái, hiểu dân và thương dân. Chú đã cảm hoá, giáo dục một số thanh thiếu niên hư, đưa họ trở về cuộc sống lương thiện. Điển hình là anh Cường đã từng nghiện hút và tham gia cướp giật; sau khi mãn hạn tù đã được chú Long bảo lãnh xin cho việc làm ở xí nghiệp may xuất khẩu của phường.

Giờ đây, anh Cường đã có vợ con. Tuy bận rộn công việc gia đình nhưng anh Cường vẫn tích cực công tác. Đêm đêm, anh vẫn cùng đội dân phòng tuần tra, giữ gìn trật tự an ninh trong khu vực.

Khu phố 3 suốt mấy năm liền đều được công nhận là khu phố văn hoá. Em nghĩ rằng công lao đóng góp của chú Long công an khu vực là không nhỏ. Hình ảnh chú gắn liền với cuộc sống bình yên ở nơi đây.

ĐỀ 2: Kể lại một câu chuyện về tổ dân phòng đường phố em.

I. DÀN Ý

1. Mở bài:

- Gia đình em ở đâu?

- Câu chuyện mà em kể xảy ra trong hoàn cảnh nào?

2. Thân bài:

* Diễn biến câu chuyện:

- Vào khoảng gần 7 giờ sáng chủ nhật, một chị phụ nữ đang cho con ăn cơm tấm ở quán cơm trong hẻm; bất ngờ, một tên cướp chạy qua, giật đứt chiếc dây chuyền. Chị phụ nữ hoảng hốt la lớn.

- Mọi người sững sờ, không kịp đuổi theo kẻ gian. Hắn đã chạy ra gần tới đầu hẻm.

- Hắn đã bị các anh dân phòng bắt giữ và giải về trụ sở công an phường.

- Bà con tấm tắc khen các anh đã trấn áp được bọn tội phạm.

3. Kết bài:

- Nhờ các anh dân phòng thường xuyên tuần tra mà tình hình an ninh trật tự của phường khá tốt, bà con yên tâm làm ăn.

II. BÀI LÀM

Nơi gia đình em cư ngụ thuộc khu phố 1, phường 3, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh.

Đúng như cái tên gọi Bàn Cờ, các con hẻm ở đây nối thông ngang dọc với nhau rồi toả ra những đường lớn như Điện Biên Phủ, Nguyễn Đình Chiểu, Cao Thắng, Nguyễn Thiện Thuật... Việc đi lại của bà con khá thuận lợi nhưng cũng khó khăn khi truy đuổi kẻ gian.

Đội dân phòng phường em gồm hai chục anh thanh niên khoẻ mạnh, hăng hái. Hằng ngày, các anh chia nhau túc trực tại trụ sở Công an phường và Ban Chỉ huy quân sự phường để góp phần bảo vệ an ninh, trật tự cho các khu phố, ngõ hẻm, cư xá... Đêm đêm, các anh thay nhau đi tuần, vì thế nạn trộm cắp giảm hẳn.

Cách đây hơn một tháng, em được chứng kiến cảnh đội dân phòng bắt cướp. Lúc đó, chỉ mới khoảng gần bảy giờ. Tiệm cơm tấm trước cửa nhà em khá đông. Một phụ nữ độ ngoài ba mươi đang ngồi bón cơm cho đứa con trai khoảng năm, sáu tuổi. Bỗng một thanh niên chạy vút qua. Người phụ nữ bật dậy la lớn: “Cướp! Cướp! Nó giật mất dây chuyền của tôi rồi!”. Mọi người nhìn theo tay cô chỉ thì thấy kẻ gian đã tháo chạy ra tới gần ngã tư. Hắn chạy rất nhanh và mất hút vào hẻm nhỏ. Ai cũng nghĩ rằng thế là hắn thoát. Người phụ nữ mất của bật khóc tức tưởi. Đám đông xôn xao bàn tán.

Bất ngờ, tất cả ồ lên khi ba anh dân phòng trong bộ đồng phục màu xám gọn gàng đang áp giải tên cướp quay trở lại nơi hắn vừa gây án. Theo lời kể thì các anh bắt được hắn ngay ở đầu hẻm thông ra đường Điện Biên Phủ nhờ óc phán đoán và kinh nghiệm truy bắt kẻ gian.

Hắn đứng cúi gằm mặt, chẳng dám nhìn ai, hai cánh tay bị trói bằng chính chiếc áo sơ mi của hắn. Chú Lâm, công an phường đã xuống và nhận ra hắn là một con nghiện ở khu phố 4 mới trốn trại, tiếp tục gây án. Vài phút sau, hắn đã bị áp giải về trụ sở công an phường 3.

Nhờ sự tuần tra thường xuyên của đội dân phòng nên bà con trong khu phố an tâm làm ăn, sinh sống. Em rất cảm phục tinh thần làm việc của các anh trong đội dân phòng khu phố em. Các anh đã góp phần không nhỏ vào việc giữ gìn an ninh trật tự của địa phương.

ĐỀ 3: Làng xóm bình yên do có phong trào toàn dân giữ gìn an ninh trật tự. Em hãy kể lại phong trào đó ở quê em.

1. DÀN Ý

1. Mở bài:

- Làng em ở đâu?

- Phong trào toàn dân giữ gìn an ninh trật tự được thực hiện như thế nào?

2. Thân bài:

* Kể về phong trào đó ở địa phương em.

- Chính quyền địa phương thường xuyên nhắc nhở bà con trong làng nâng cao cảnh giác, phát hiện kẻ xấu, kẻ gian.

- Đội dân phòng của làng gồm các anh chị thanh niên khoẻ mạnh, hăng hái tham gia giữ gìn an ninh trật tự và đã lập được nhiều thành tích.

- Một số thanh niên càn quấy trong làng đã được Ban công an xã kết hợp với Mặt trận và Hội Cựu chiến binh giáo dục, tạo công ăn việc làm.

- Câu lạc bộ ông, bà, cháu giúp đỡ, cảm hoá các thiếu niên chưa ngoan, đưa dần vào nề nếp học tập, sinh hoạt nên đã tiến bộ.

- Nội dung cụ thể của phong trào giữ gìn an ninh trật tự được đội văn nghệ đưa vào các tiết mục biểu diễn phục vụ bà con trong làng cho nên bà con dễ tiếp thu...

3. Kết bài:

- Phong trào giữ gìn an ninh trật tự ở làng em được duy trì thường xuyên và đã thành nề nếp tốt.

- Tuổi nhỏ chúng em cũng góp phần bảo vệ an ninh trật tự và xây dựng quê hương ngày càng tươi đẹp.

II. BÀI LÀM

Làng em là làng Bình An, nằm ven con sông Đồng Nai ngày đêm mải miết tuôn chảy về biển lớn. Đúng như tên gọi, khung cảnh nơi đây yên ả, nên thơ. Bà con trong làng, trong xã yên ổn làm ăn là nhờ phong trào bảo vệ an ninh trật tự đã có từ nhiều năm nay.

Chính quyền địa phương thường xuyên nhắc nhở bà con tự nguyện tham gia phong trào bằng những câu khẩu hiệu giản dị và dễ hiểu: “Gia đình hoà thuận, làng xóm yên vui”, hoặc “Hãy nói không với ma tuý!”... Việc giữ gìn an ninh trật tự được thực hiện từ mỗi gia đình trở đi. Ông bà, cha mẹ dạy dỗ, khuyên nhủ cháu con giữ vững nếp sống cần cù, trong sạch, trên kính, dưới nhường và mối quan hệ xóm giềng tối lửa tắt đèn có nhau. Vì thế mà những xích mích đều được ban hoà giải của làng đứng ra dàn xếp êm xuôi.

Đội dân phòng gồm hai chục anh chị đoàn viên thanh niên chia nhau tuần tra thôn xóm, vận động bà con nâng cao cảnh giác, phát hiện kẻ xấu, kẻ gian. Trong vòng vài năm, đội đã lập được nhiều thành tích như bắt được bọn trộm đêm lấy cắp tài sản của những hộ dân sống ven bờ sông. Đặc biệt là các anh đã cùng công an xã tóm gọn cả người lẫn xe của lũ chuyên ăn trộm trâu bò.

Việc giáo dục một số thanh thiếu niên chưa ngoan cũng được mọi người quan tâm. Bác Trọng chủ tịch xã, chú Ban công an xã, bác Đức ở Hội Cựu chiến binh, bà Nhiệm thành viên Câu lạc bộ ông, bà, cháu, đã kết hợp cảm hoá và tạo công ăn việc làm cho hàng chục người, giúp họ từ bỏ thói hư tật xấu.

Mỗi năm, ít nhất hai lần làng em tổ chức Hội diễn văn nghệ. Nội dung tuyên truyền về an ninh, trật tự được thể hiện qua các tiết mục như kịch ngắn, tấu hài,... khiến cho bà con vừa thích thú vừa dễ hiểu. Ở trường, chúng em cũng được các thầy cô động viên tham gia phong trào giữ gìn an ninh trật tự để quê hương ngày càng tươi đẹp.