I. Đọc kĩ bài:

- Đọc nhiều lần bài văn, nhớ kĩ nhân vật chính và các hình ảnh, chi tiết nổi bật.

- Đọc đúng các tiếng phiên âm tên nước ngoài. Đọc diễn cảm bằng giọng điệu phù hợp với nội dung câu chuyện và lời của từng nhân vật: lời người kể nhẹ nhàng, tình cảm; lời cụ Vi-ta-li khi ôn tồn, khi nghiêm khắc, khi xúc động; lời Rê-mi dịu dàng, đầy cảm xúc...

- Chú ý các từ ngữ khó phát âm: Vi-ta-li, mảnh gỗ mỏng, miếng nhỏ, nghĩ rằng, Ca-pi, Rê-mi, sao nhãng, chữ gỗ, cảm động,...

II. Tóm tắt nội dung:

Truyện Lớp học trên đường kể chuyện về một cậu bé biết chữ nhờ khát khao học hỏi, nhờ sự chỉ bảo tận tình của cụ Vi-ta-li trên đường hai thầy trò diễn xiếc rong kiếm ăn. Qua đó, tác giả ca ngợi tấm lòng nhân từ, quan tâm đến việc giáo dục trẻ em của cụ Vi-ta-li, cùng khao khát và quyết tâm học tập của cậu bé nghèo Rê-mi.

III. Gợi ý trả lời câu hỏi:

1. Rê-mi học chữ trong hoàn cảnh như thế nào?

Rê-mi học chữ trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, thiếu thốn, trên đường hai thầy trò đi biểu diễn xiếc rong kiếm ăn.

2. Lớp học của Rê-mi có gì ngộ nghĩnh?

Lớp học đặc biệt ở chỗ: học trò là Rê-mi và chú chó Ca-pi; sách là những miếng gỗ mỏng khắc chữ được cắt từ mảnh gỗ dẹp nhặt trên đường; giấy viết là mặt đất, bút là những chiếc que dùng để vạch chữ trên đất, lớp học ở trên đường đi; thầy dạy là cụ già Vi-ta-li...

3. Kết quả học tập của Ca-pi và Rê-mi khác nhau thế nào?

- Chó Ca-pi không biết đọc, chỉ biết lấy ra những chữ mà thầy giáo đọc lên. Nhưng Ca-pi có trí nhớ tốt hơn Rê-mi, những cái gì đã ghi vào đầu thì nó không bao giờ quên.

- Rê-mi lúc đầu học hành tấn tới hơn chú chó Ca-pi, nhưng có lúc cậu quên mặt chữ, đọc sai, bị thầy chê. Từ đó, cậu quyết chí học. Kết quả, Rê-mi biết đọc chữ, chuyển sang học nhạc, trong khi chó Ca-pi chỉ biết “viết” tên mình bằng cách rút những chữ gỗ trong bảng chữ cái.

4. Tìm những chi tiết cho thấy Rê-mi là một cậu bé rất hiếu học.

- Lúc nào trong túi cũng đầy những miếng gỗ đẹp nên chẳng bao lâu Rê-mi đã thuộc tất cả các chữ cái.

- Sau khi nghe cụ Vi-ta-li nhận xét: “Ca-pi sẽ biết đọc trước Rê-mi” thì cậu không dám sao nhãng phút nào nên chỉ ít lâu sau đã đọc được.

- Khi thầy hỏi có thích học hát không, cậu bé đã trả lời: “Đấy là điều con thích nhất”...

5. Qua câu chuyện này, em có suy nghĩ gì về quyền học tập của trẻ em?

- Trẻ em cần được dạy dỗ, học hành.

- Người lớn cần quan tâm, chăm sóc trẻ em, tạo mọi điều kiện cho trẻ em được học tập.

- Để thực sự trở thành những chủ nhân tương lai của đất nước, trẻ em dù ở hoàn cảnh nào cũng phải chịu khó học hành.

IV. Thực hành - Luyện tập:

1/ Đọc nhiều lần bài văn.

2/ Kể lại nội dung bài văn Lớp học trên đường theo lời của em.

* Tham khảo bài viết dưới đây:

Cậu bé Rê-mi bị bắt cóc và vứt ra lề đường từ lúc mới lọt lòng. Sau đó, cậu được một gia đình nghèo nuôi nấng và gửi cho chủ một gánh xiếc rong là cụ Vi-ta-li.

Một hôm, cụ Vi-ta-li nhặt trên đường một mảnh gỗ mỏng, dính đầy cát bụi. Cụ cắt mảnh gỗ thành nhiều miếng nhỏ và bảo Rê-mi: “Ta sẽ khắc trên mỗi miếng gỗ một chữ cái. Đầu tiên, con sẽ học nhận mặt từng chữ, rồi sẽ ghép các chữ ấy lại thành tiếng”.

Từ hôm đó, một lớp học đặc biệt trên đường ra đời, gồm một thầy và hai trò. Thầy Vi-ta-li, trò Rê-mi và chú chó Ca-pi. Lúc nào trong túi Rê-mi cũng đầy những miếng gỗ đẹp. Không bao lâu, cậu đã thuộc tất cả các chữ cái. Nhưng biết đọc lại là một chuyện không dễ. Không phải ngày một ngày hai mà đọc được.

Khi dạy Rê-mi, thầy Vi-ta-li nghĩ rằng cùng lúc có thể dạy cả chú chó Ca-pi để làm xiếc. Dĩ nhiên, Ca-pi không đọc được những chữ cái vì nó không biết nói, nhưng nó biết lấy ra những chữ mà thầy Vi-ta-li đọc lên.

Buổi đầu, Rê-mi học tấn tới hơn Ca-pi nhiều. Nhưng nếu Rê-mi thông minh hơn thì chó Ca-pi cũng có trí nhớ tốt hơn Rê-mi. Cái gì đã vào đầu Ca-pi rồi thì nó không bao giờ quên.

Một hôm, Rê-mi đọc sai, thầy Vi-ta-li nói: “Ca-pi sẽ biết đọc trước Rê-mi”. Hình như con chó hiểu nên nó đắc chí vẫy vẫy cái đuôi.

Từ đó, Rê-mi không dám sao nhãng một phút nào. Ít lâu sau, Rê-mi đọc được, trong khi con Ca-pi đáng yêu chỉ biết “viết” tên nó bằng cách rút những chữ gỗ trong bảng chữ cái.

Một hôm, cụ Vi-ta-li hỏi Rê-mi: “Bây giờ con có muốn học nhạc không?”. Rê-mi trả lời: “Đấy là điều con thích nhất. Nghe thầy hát, có lúc con muốn cười, có lúc lại muốn khóc. Có lúc tự nhiên con nhớ đến mẹ con và tưởng như đang trông thấy mẹ con ở nhà”. Bằng một giọng cảm động, cụ Vi-ta-li bảo Rê-mi: “Con thật là một đứa trẻ có tâm hồn!”.

Trải bao thăng trầm, cuối cùng Rê-mi cũng tìm thấy gia đình và cậu được sống hạnh phúc bên những người ruột thịt.