I. Đọc kĩ bài:

- Đọc nhiều lần bài thơ, nhớ kĩ các hình ảnh, chi tiết nổi bật.

- Đọc diễn cảm bằng giọng đọc nhẹ nhàng, tha thiết.

- Chú ý các từ ngữ khó phát âm: then khóa, mênh mông, nỗi, cần mẫn, phù sa, bãi bồi, xa xôi, nước lợ, nông sâu, đẻ trứng, rảo, lưỡi sóng, lấp loá, biển rộng, trôi xuống,...

II. Tóm tắt nội dung:

Bài thơ ca ngợi vẻ đẹp của một vùng cửa sông bằng những hình ảnh gợi tả; lời thơ giản dị nhưng giàu ý nghĩa, lay động lòng người. Qua hình ảnh cửa sông, tác giả ca ngợi tình cảm thuỷ chung, thiết tha gắn bó với cội nguồn của con người Việt Nam.

III. Gợi ý trả lời câu hỏi:

1. Trong khổ thơ đầu, tác giả dùng những từ ngữ nào để nói về nơi sông chảy ra biển? Cách giới thiệu ấy có gì hay?

Để nói về nơi sông chảy ra biển, trong khổ thơ đầu, tác giả dùng những từ ngữ: Là cửa, nhưng không then khóa / Cũng không khép lại bao giờ. Cách nói đó rất đặc biệt - cửa sông cũng là một cái cửa nhưng khác mọi cái cửa bình thường - không có then, có khoá. Bằng cách đó, tác giả làm người đọc hiểu ngay thế nào là cửa sông, cảm thấy cửa sông rất thân quen. Biện pháp độc đáo đó gọi là chơi chữ: Tác giả dựa vào cái tên “cửa sông” để chơi chữ.

2. Theo bài thơ, cửa sông là địa điểm đặc biệt như thế nào?

Là nơi dòng sông gửi phù sa lại để bồi đắp bãi bồi; nơi nước ngọt chảy vào biển rộng; nơi biển cả tìm về với đất liền; nơi nước ngọt của những con sông và nước mặn của biển cả hoà lẫn vào nhau; nơi cá tôm tụ hội; nơi những chiếc thuyền câu lấp loá đêm trăng; nơi những con tàu kéo còi giã từ mặt đất; nơi tiễn đưa người ra khơi...

3. Phép nhân hoá ở khổ thơ cuối giúp tác giả nói lên điều gì về “tấm lòng” của cửa sông đối với cội nguồn?

- Những hình ảnh nhân hoá được sử dụng trong khổ thơ: Dù giáp mặt cùng biển rộng, Cửa sông chẳng dứt cội nguồn. Lá xanh mỗi lần trôi xuống, Bỗng ... nhớ một vùng núi non...

- Phép nhân hoá giúp tác giả nói được “tấm lòng” của cửa sông là không bao giờ quên cội nguồn.

IV. Thực hành - Luyện tập:

1/ Học thuộc lòng bài thơ.

2/ Chuyển nội dung bài thơ Cửa sông thành một bài văn tả cảnh.

* Tham khảo bài viết dưới đây:

Cũng gọi là cửa nhưng không có then khoá và không khép bao giờ, ấy là cửa sông, nơi những con sông đổ ra biển lớn, mênh mông một vùng sông nước, mở ra bao nỗi đợi chờ và hi vọng.

Cửa sông là nơi những dòng sông mải miết, cần mẫn tải phù sa từ thượng nguồn về, qua bao năm bồi đắp thành bãi bồi màu mỡ, xanh ngắt một màu xanh cây lá. Cửa sông là nơi dòng nước ngọt hân hoan ùa ra đại dương sau một hành trình xa xôi, dằng dặc hàng trăm, hàng ngàn cây số.

Cửa sông là nơi biển cả tìm về với đất liền bằng những con sóng thương nhớ đến bạc đầu. Chất muối mặn mòi hoà cùng vị ngọt, tạo thành vùng nước lợ với bạt ngàn rừng sú, rừng vẹt, nơi sinh sôi nảy nở của nhiều loài cá tôm, nhất là cá đối và tôm rảo. Đêm đêm, ánh đèn từ những chiếc thuyền câu toả sáng lấp loá mặt nước, cần câu uốn cong lưỡi sóng trong tiếng reo vui.

Cửa sông là nơi những con tàu cất lên tiếng còi âm vang từ giã đất liền để bắt đầu chuyến hải hành đến những bến bờ xa lạ ở muôn phương. Trên trời, mây trắng lãng đãng trôi, giống như những phong thư chất chứa yêu thương, lưu luyến gửi người đi biển.

Cửa sông là nơi dòng sông giáp mặt cùng biển rộng. Tuy vậy, cửa sông không bao giờ quên cội, quên nguồn. Mỗi lần thấy lá xanh trôi xuống, cửa sông lại cồn cào nỗi nhớ về một vùng núi non xa tắp, nơi khởi đầu của mọi dòng sông.