Đề bài
Chọn một trong các đề bài sau:
1. Kể một việc làm của những công dân nhỏ thể hiện ý thức bảo vệ các công trình công cộng, các di tích lịch sử - văn hóa.
2. Kể một việc làm thể hiện ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ.
3. Kể một việc làm thể hiện lòng biết ơn các thương binh, liệt sĩ.
* Gợi ý:
1. Tìm hiểu yêu cầu của các đề bài trên:
a) Để 1
+ Thế nào là Công trình công cộng và di tích lịch sử - văn hoá?
- Công trình công cộng là những nơi được xây dựng để mọi người dùng chung như cung văn hoá, viện bảo tàng, rạp hát, công viên,...
- Di tích lịch sử - văn hoá là những công trình hoặc những vật đời trước để lại, gắn với những sự kiện, những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử hoặc có ý nghĩa, giá trị cao về văn hoá.
+ Những việc làm thể hiện ý thức bảo vệ các công trình công cộng, các di tích lịch sử - văn hoá: giữ vệ sinh; không hái hoa; không leo trèo, nghịch ngợm; không viết, vẽ lên tường, phát hiện và ngăn chặn các hành vi phá hoại công trình,...
b) Đề 2
- Luật Giao thông đường bộ gồm các quy định mà mỗi người dân phải tuân theo khi đi lại trên đường để bảo đảm an toàn, tránh xảy ra tai nạn.
- Các việc làm thể hiện ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ: đi bộ trên vỉa hè; không chạy nhảy, nô đùa dưới lòng đường; đi xe ở bên phải đường, không đi xe hàng ba, hàng bốn trên đường, không vượt đèn đỏ; đấu tranh, ngăn chặn các hiện tượng vi phạm Luật Giao thông đường bộ.
c) Đề 3
- Liệt sĩ và thương binh là những người đã dũng cảm hi sinh tính mạng hoặc một phần thân thể để bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc và cuộc sống của nhân dân.
- Các việc làm thể hiện lòng biết ơn thương binh, liệt sĩ: chăm sóc mộ liệt sĩ, thăm nom giúp đỡ các gia đình liệt sĩ neo đơn, giúp đỡ các cô, chú thương binh gặp khó khăn,...
2. Nhớ lại câu chuyện, nhớ lại sự việc mà em đã chứng kiến hoặc tham gia.
3. Kể chuyện trong tổ, trong lớp:
- Giới thiệu câu chuyện.
- Kể diễn biến của câu chuyện.
- Bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc của bản thân về câu chuyện đó.
4. Trao đổi, thảo luận về nội dung, ý nghĩa của câu chuyện.
* Tham khảo các bài viết dưới đây:
ĐỀ 1: Kể một việc làm thể hiện ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ.
I. DÀN Ý
1. Mở bài:
- Việc làm đó là gì?
- Xảy ra trong hoàn cảnh nào? Bao giờ ?
2. Thân bài:
* Kể lại diễn biến sự việc đó. (Ví dụ: Không đi xe đạp hàng ba trên đường phố.)
- Giờ tan học buổi trưa, học sinh từ các cổng trường ùa ra rất đông, hoà vào dòng người xuôi ngược...
- Một nhóm học sinh nam đi xe đạp dàn thành hàng ngang.
- Mẹ em đón em đi học về, cùng chạy xe trên quãng đường đó. Mẹ đã nhắc nhở các anh học sinh nên chấp hành luật lệ giao thông.
- Ba anh vui vẻ xin lỗi và nghe theo lời mẹ em.
3. Kết bài:
- Biết tiếp thu ý kiến đúng đắn của người khác để sửa chữa sai lầm là việc nên làm.
- Dù nhỏ, mỗi học sinh cũng nên nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ giao thông để góp phần giữ gìn trật tự, an toàn và xây dựng nếp sống văn minh.
II. BÀI LÀM
Trưa hôm qua, mẹ đến trường đón em như thường lệ. Giờ cao điểm, đường phố đông nghịt người và xe qua lại. Học sinh từ các cổng trường ùa ra nên lại càng đông. Tiếng động cơ ồn ã, tiếng còi xe lanh lảnh hoà cùng tiếng người tạo nên âm thanh náo nhiệt vốn là nét đặc trưng của một thành phố lớn nhất nước.
Xuôi đường Điện Biên Phủ, mẹ em thong thả chạy xe. Nhà em chỉ cách Trường Tiểu học Nguyễn Sơn Hà độ gần cây số. Ngồi sau lưng mẹ, em vui mừng khoe điểm 10 môn Toán mà em vừa đạt được trong buổi học sáng nay. Đến gần ngã tư, bất chợt ba chiếc xe đạp dàn hàng ngang vượt lên trước mặt. Ba anh học sinh mặc đồng phục áo sơ mi trắng ngắn tay, quần tây xanh vừa chạy xe rất nhanh vừa cười đùa ầm ĩ, mặc cho người đi đường tỏ ra khó chịu.
Mẹ em bực dọc nói: “Không biết mấy cậu này là học sinh trường nào mà chạy xe ẩu thế?!”. Rồi mẹ nhấn nhẹ ga, đuổi kịp họ. Mẹ em ôn tồn khuyên: “Các cháu ơi ! Đừng chạy xe dàn hàng ngang như thế, nguy hiểm lắm! Coi chừng xảy ra tai nạn!”. Anh ngoài cùng quay sang nhìn rồi bất ngờ thốt lên: “Ôi! Bác Liên! Bác đi đón em Lan ạ!”. Thì ra đó là anh Thái, con bác Thịnh cùng tổ dân phố với nhà em. Mẹ em bật cười, trách khéo: “Gớm! Các cháu đạp xe nhanh gần bằng xe máy! Cẩn thận kẻo va quệt vào người khác. Các cháu đã vi phạm luật giao thông đấy, biết không?”.
Anh Thái cười, lúng túng đáp: “Dạ, biết ạ! Cháu cảm ơn bác!” rồi đạp chậm lại. Hai anh kia cũng làm theo.
Em thấy lời nhắc nhở của mẹ em dù nhỏ nhưng rất có ý nghĩa. Lứa tuổi học sinh cũng phải chấp hành nghiêm túc luật lệ giao thông để góp phần giữ gìn an toàn giao thông và xây dựng nếp sống văn minh của thành phố.
ĐỀ 2: Kể một việc làm thể hiện lòng biết ơn đối với các thương binh, liệt sĩ.
I. DÀN Ý
1. Mở bài:
- Trường em (hoặc địa phương em) có phong trào đền ơn đáp nghĩa các gia đình thương binh, liệt sĩ.
- Lớp em (hoặc bản thân em) có tham gia.
- Sự việc cụ thể (thăm hỏi, giúp đỡ, tặng quà...)
2. Thân bài:
* Kể về sự việc đó: (Ví dụ: Giúp đỡ một bà mẹ của liệt sĩ ở địa phương.)
- Sự việc đó xảy ra trong hoàn cảnh nào? Ở đâu? Đối tượng là ai?
- Nội dung cụ thể của sự việc là gì?
- Kết quả ra sao?
3. Kết bài:
- Ý nghĩa của việc làm.
- Cảm nghĩ của em trước việc làm đó?
II. BÀI LÀM
Phường 3, quận 3 nơi gia đình em ở có phong trào đền ơn đáp nghĩa phát triển mạnh từ mấy năm nay. Nhiều cơ quan, xí nghiệp đứng ra xây nhà tình nghĩa cho các gia đình thương binh, liệt sĩ và chăm sóc các bà mẹ Việt Nam anh hùng. Trường Tiểu học Nguyễn Sơn Hà cũng tham gia tích cực vào phong trào đó.
Cô Thanh chủ nhiệm lớp 5A của chúng em đã đứng ra nhận giúp đỡ bà cụ Thiện, mẹ của liệt sĩ Nguyễn Văn Đức, hi sinh trong chiến dịch biên giới Tây - Nam.
Bà cụ Thiện có hai người con. Chị con gái lớn lấy chồng xa, không có điều kiện chăm sóc mẹ già. Anh con trai út là liệt sĩ Đức. Cô Thanh là hàng xóm cùng tổ dân phố nên rất hiểu tình cảnh khó khăn của bà cụ, nhất là những lúc cơ nhỡ, ốm đau. Lớp em có 4 tổ, mỗi tổ đến thăm bà cụ một tuần một lần.
Sáng chủ nhật tuần trước, cô Thanh cùng các bạn tổ 1 mang thuốc bổ, đường, sữa và trái cây đến thăm vì bà cụ Thiện mệt đã mấy ngày. Các bạn gái quét dọn nhà cửa, các bạn trai bày trái cây, cắm bình hoa mới trên bàn thờ liệt sĩ. Cô Thanh đốt nhang rồi dìu bà cụ đứng lên. Bà cụ Thiện lầm rầm khấn nguyện trước di ảnh người con thân yêu. Hai hàng nước mắt lăn dài trên đôi má nhăn nheo. Chúng em lặng đi vì xúc động.
Bà cụ ngồi trên chiếc võng dù của anh Đức để lại, kể cho chúng em nghe về người con thiếu thảo đã mãi mãi ra đi ở tuổi hai mươi. Tốt nghiệp trường chuyên Lê Hồng Phong, anh không thi vào đại học mà tình nguyện nhập ngũ. Trong một trận chiến đấu ác liệt bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, anh Đức đã dũng cảm hi sinh. Bà cụ Thiện vẫn còn giữ những kỉ vật thời học sinh của anh. Bà cho chúng em xem chiếc cặp da cũ kĩ đựng sách vở, bút thước và cuốn sổ lưu niệm năm lớp 12 mà trong đó, trang đầu tiên anh Đức chép bài hát Tự nguyện bằng nét chữ nắn nót: “Nếu là chim tôi sẽ là loài bồ câu trắng. Nếu là hoa tôi sẽ là một đóa hướng dương. Nếu là mây tôi sẽ là một vầng mây ấm. Nếu là người tôi xin chết cho quê hương...”.
Qua giọng kể nghẹn ngào của người mẹ già, chúng em hình dung được phần nào về anh Đức, một người con hiếu thảo, giỏi giang, trung thực và sôi nổi, rất đáng yêu.
Việc giúp đỡ gia đình liệt sĩ của chúng em tuy làm chưa được bao nhiêu, nhưng em cảm thấy đó là việc tốt, góp phần vào phong trào chung của cả nước, thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.