I. Nhận xét:
1. Tìm các vế câu trong mỗi câu ghép dưới đây:
a) Súng kíp của ta mới bắn một phát thì súng của họ đã bắn được năm, sáu mươi phát. Quan ta lạy súng thần công bốn lạy rồi mới bắn, trong khi ấy đại bác của họ đã bắn được hai mươi viên.
Theo Hà Văn Cầu - Vũ Đình Phòng
Đoạn này có 2 câu ghép, mỗi câu gồm 2 vế:
- Câu 1: Súng kíp của ta mới bắn một phát (vế 1) / thì súng của họ đã bắn được năm, sáu mươi phát. (vế 2)
- Câu 2: Quan ta lạy súng thần công bốn lạy rồi mới bắn, (vế 1) / trong khi ấy đại bác của họ đã bắn được hai mươi viên. (vế 2).
b) Cảnh tượng xung quanh tôi đang có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học.
Thanh Tịnh
Câu này có 2 vế: Cảnh tượng xung quanh tôi đang có sự thay đổi lớn: (vế 1)/ hôm nay tôi đi học (vế 2).
c) Kia là những mái nhà đứng sau luỹ tre; đây là mái đình cong cong; kia nữa là sân phơi.
Đỗ Chu
Câu này có 3 vế: Kia là những mái nhà đứng sau luỹ tre (vế 1)/ đây là mái đình cong cong (vế 2) / kia nữa là sân phơi. (vế 3).
2. Ranh giới giữa các vế câu được đánh dấu bằng những từ hoặc những dấu câu nào?
- Câu 1: Từ thì đánh dấu ranh giới giữa 2 vế câu.
- Câu 2: Dấu phẩy đánh dấu ranh giới giữa 2 vế câu.
- Dấu hai chấm đánh dấu ranh giới giữa 2 vế câu.
- Các dấu chấm phẩy đánh dấu ranh giới giữa 3 vế câu.
3. Các vế câu ghép được nối với nhau bằng những cách nào?
Có hai cách nối các vế câu trong câu ghép:
- Nối bằng những từ có tác dụng nối.
- Nối trực tiếp (không dùng từ nối). Trong trường hợp này, giữa các vế câu cần có dấu phẩy, dấu chấm phẩy hoặc dấu hai chấm.
II. Luyện tập:
Câu 1. Trong những câu dưới đây, câu nào là câu ghép? Các vế câu ghép được nối với nhau bằng cách nào.
a) Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước.
Hồ Chí Minh
- Đoạn a có 1 câu ghép, với 4 vế câu: Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng (2 trạng ngữ), thì tinh thần ấy lại sôi nổi, (vế 1) / nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, (vế 2) / nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, (vế 3)/ nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước (vế 4).
- Bốn vế câu trong câu ghép trên được nối với nhau trực tiếp, giữa các vế câu có dấu phẩy. Từ thì trong câu trên dùng để nối phần trạng ngữ với các vế câu.
b) Anh bắt lấy thỏi thép hồng như bắt lấy một con cá sống. Dưới những nhát búa hăm hở của anh, con cá lửa ấy vùng vẫy, quằn quại, giãy lên đành đạch. Nó nghiến răng ken két, nó cưỡng lại anh, nó không chịu khuất phục.
Theo Nguyên Ngọc
- Đoạn b có 1 câu ghép với 3 vế câu: Nó nghiến răng ken két, (vế 1) / nó cưỡng lại anh, (vế 2) / nó không chịu khuất phục (vế 3).
- Ba vế câu nối với nhau trực tiếp, giữa các vế câu có dấu phẩy.
c) Tôi ngắt một chiếc lá sòi đỏ thắm thả xuống dòng nước. Một chú nhái bén tí xíu như đã phục sẵn từ bao giờ nhảy phóc lên ngồi chễm chệ trên đó. Chiếc lá thoáng tròng trành, chú nhái bén loay hoay cố giữ thăng bằng rồi chiếc thuyền đỏ thắm lặng lẽ xuôi dòng.
Trần Hoài Dương
- Đoạn c có một câu ghép với 3 vế câu: Chiếc lá thoáng tròng trành, (vế 1) chú nhái bén loay hoay cố giữ thăng bằng (vế 2) rồi chiếc thuyền đỏ thắm lặng lẽ xuôi dòng (vế 3).
- Vế 1 và 2 nối nhau trực tiếp, giữa chúng có dấu phẩy. Vế 2 nối với vế 3 bằng quan hệ từ rồi.
Câu 2. Viết một đoạn văn từ 3 đến 5 câu tả ngoại hình một người bạn của em, trong đoạn văn có ít nhất một câu ghép. Cho biết các vế câu trong câu ghép được nối với nhau bằng cách nào.
* Tham khảo đoạn văn dưới đây:
Tuấn Anh năm nay mười tuổi, vóc dáng mảnh dẻ, nước da trắng hồng, môi đỏ như mội con gái. Mái tóc hơi quăn, mềm mại xoã xuống vầng trán rộng. Đôi mắt đen sáng ánh lên vẻ thông minh, trung thực. Cách ăn mặc của bạn ấy rất gọn gàng, sạch sẽ. Chiếc sơ mi trắng ngắn tay bỏ trong quần, thắt lưng ngay ngắn, chững chạc như người lớn.
Câu 1 là câu ghép có 1 chủ ngữ, 4 vị ngữ, mỗi vị ngữ là một vế câu. Các vế ngăn cách với nhau bằng dấu phẩy.