Câu 1. Có người cho rằng: những phẩm chất quan trọng nhất của nam giới là dũng cảm, cao thượng, năng nổ, thích ứng được với mọi hoàn cảnh; còn ở phụ nữ, quan trọng nhất là dịu dàng, khoan dung, cần mẫn và biết quan tâm đến mọi người.
a) Em có đồng ý như vậy không?
Đồng ý
b) Em thích phẩm chất nào nhất:
- Ở một bạn nam?
- Ở một bạn nữ ?
Tuỳ theo cảm nhận của từng em, thông qua thực tế mà lựa chọn. Ví dụ: nam chọn cao thượng, nữ chọn dịu dàng.
c) Hãy giải thích nghĩa của từ ngữ chỉ phẩm chất mà em vừa chọn.
- Dũng cảm: Can đảm, không sợ gian khổ, hi sinh, dám đương đầu với sức chống đối, với nguy hiểm để làm những việc nên làm.
- Cao thượng: Có tư cách đạo đức hơn người, không ích kỉ, đố kị, nhỏ nhen, trọng nghĩa khinh tài.
- Năng nổ: Có tinh thần hăng hái và chủ động tham gia mọi công việc chung.
- Dịu dàng: Tính nết hiền hậu, nói năng nhỏ nhẹ.
- Khoan dung: Rộng lòng tha thứ cho người mắc lỗi.
- Cần mẫn: Siêng năng và lanh lợi.
Câu 2. Đọc lại truyện Một vụ đắm tàu. Theo em, Giu-li-ét-ta và Ma-ri-ô có chung những phẩm chất gì? Mỗi nhân vật có những phẩm chất gì tiêu biểu cho nữ tính và nam tính?
+ Phẩm chất chung của hai nhân vật:
Cả hai đều giàu tình cảm, biết quan tâm đến người khác:
- Ma-ri-ô nhường bạn xuống xuồng cứu nạn để bạn được sống.
- Giu-li-ét-ta lo lắng cho Ma-ri-ô, ân cần băng bó vết thương cho bạn khi bạn ngã, đau đớn khóc thương bạn trong giờ phút vĩnh biệt.
+ Phẩm chất riêng:
- Ma-ri-ô rất giàu nam tính: kín đáo (giấu nỗi bất hạnh của mình, không kể cho Giu-li-ét-ta biết); quyết đoán, mạnh mẽ, cao thượng (ý nghĩ vụt đến - hét to - ôm ngang lưng bạn thả xuống nước, nhường sự sống cho bạn, dù người trên xuồng muốn nhận Ma-ri-ô vì cậu nhỏ hơn).
- Giu-li-ét-ta dịu dàng, ân cần, đầy nữ tính khi băng bó vết thương cho Ma-ri-ô. Cô bé hoảng hốt chạy lại, quỳ xuống, lau máu trên trán bạn, dịu dàng gỡ chiếc khăn đỏ trên mái tóc để băng cho bạn.
Câu 3. Em hiểu mỗi thành ngữ, tục ngữ dưới đây thế nào? Em tán thành câu a hay câu b? Vì sao?
a) Trai mà chi, gái mà chi
Sinh con có nghĩa có nghì là hơn.
b) Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô.
(Một trai đã là có, mười gái cũng bằng không.)
c) Trai tài gái đảm.
d) Trai thanh gái lịch.
- Câu a: Con trai hay con gái đều quý, miễn là có tình nghĩa, hiếu thảo với cha mẹ.
- Câu b: Dù chỉ sinh được một con trai thì đã được coi là đã có con, nhưng dẫu sinh đến mười con gái vẫn bị coi như chưa có con (nối dõi).
- Câu c: Trai tài giỏi, gái đảm đang.
- Câu d: Trai thanh nhã, gái lịch sự.
+ Các câu c, d đồng nghĩa với nhau: Trai tài gái đảm, Trai thanh gái lịch: ca ngợi trai gái giỏi giang, thanh lịch.
+ Các câu a và b trái nghĩa với nhau: Câu a thể hiện một quan niệm đúng đắn: không coi thường con gái, coi con nào cũng quý, miễn là có tình nghĩa, hiếu thảo với mẹ cha. Câu b thể hiện quan niệm lạc hậu, sai trái: trọng nam khinh nữ.
+ Trong một gia đình, do quan niệm lạc hậu “trọng nam khinh nữ” nên con gái bị coi thường, con trai được chiều chuộng dễ sinh ra hư hỏng. Quan niệm này khiến cho nhiều cặp vợ chồng cố sinh con trai, làm cho dân số tăng nhanh, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.