I. Nhận xét:
1. Tìm câu ghép trong hai đoạn văn sau và cho biết các vế câu được nối với nhau bằng những từ nào:
Bốn mùa Hạ Long mang trên mình một màu xanh đằm thắm: xanh biếc của biển, xanh lam của núi, xanh lục của trời. Màu xanh ấy như trường cửu, lúc nào cũng bát ngát, cũng trẻ trung, cũng phơi phới.
Tuy bốn mùa là vậy, nhưng mỗi mùa Hạ Long lại có những nét riêng biệt, hấp dẫn lòng người. Mùa xuân của Hạ Long là mùa sương và cá mực. Mùa hè của Hạ Long là mùa gió nồm nam và cá ngừ, cá vược. Mùa thu của Hạ Long là mùa trăng biển và tôm he...
Thi Sảnh
- Câu ghép:
Tuy bốn mùa là vậy, nhưng mỗi mùa Hạ Long lại có những nét riêng biệt, hấp dẫn lòng người.
Câu ghép này do 2 vế câu tạo thành.
- Vế 1 nêu lên một sự kiện: Tuy bốn mùa là vậy,
- Vế 2 nêu lên một sự kiện không thống nhất với sự kiện nêu ở vế trước: nhưng mỗi mùa Hạ Long lại có những nét riêng biệt, hấp dẫn lòng người.
- Các vế câu được nối với nhau bằng cặp quan hệ từ tương phản: Tuy ... nhưng ...
2. Tìm thêm những câu ghép có quan hệ tương phản.
Mặc dù trời mưa to nhưng bạn Lan vẫn đến trường đúng giờ.
3. Thế nào là câu ghép thể hiện quan hệ tương phản?
Để thể hiện mối quan hệ tương phản giữa hai vế trong câu ghép, ta có thể nối chúng bằng:
- Một quan hệ từ: tuy, dù, mặc dù, nhưng,...
- Hoặc một cặp quan hệ từ: tuy... nhưng...; mặc dù... nhưng...; dù... nhưng...
II. Luyện tập:
Câu 1. Phân tích cấu tạo của các câu ghép sau:
a) Mặc dù giặc Tây hung tàn nhưng chúng không thể ngăn cản các cháu học tập, vui tươi, đoàn kết, tiến bộ.
Hồ Chí Minh
Mặc dù giặc Tây (CN)/ hung tàn (VN)>< nhưng chúng (CN)/ không thể ngăn cản các cháu học tập, vui tươi, đoàn kết, tiến bộ. (VN)
b) Tuy rét vẫn kéo dài, mùa xuân đã đến bên bờ sông Lương.
Nguyễn Đình Thi
Tuy rét (CN)/ vẫn kéo dài, (VN) > < mùa xuân (CN) / đã đến bên bờ sông Lương.(VN)
Câu 2. Thêm một vế câu vào chỗ trống để tạo thành câu ghép chỉ quan hệ tương phản:
a) Tuy hạn hán kéo dài...
- Tuy hạn hán kéo dài nhưng cái giếng đá ong dưới chân đồi vẫn đầy nước.
- Tuy hạn hán kéo dài nhưng rẫy cà-phê nhà em vẫn xanh tốt nhờ đủ nước tưới.
b) ... nhưng các cô vẫn miệt mài trên đồng ruộng.
- Mặc dù mặt trời đã đứng bóng nhưng các cô vẫn miệt mài trên đồng ruộng.
- Tuy trời đã xẩm tối nhưng các cô vẫn miệt mài trên đồng ruộng.
Câu 3. Tìm chủ ngữ, vị ngữ của mỗi vế câu ghép trong mẩu chuyện vui sau:
CHỦ NGỮ Ở ĐÂU?
Cô giáo viết lên bảng một câu ghép:
“Mặc dù tên cướp rất hung hăng, gian xảo nhưng cuối cùng hắn vẫn phải đưa hai tay vào còng số 8”.
Rồi cô hỏi:
- Em nào cho cô biết chủ ngữ của câu trên ở đâu?
Hùng nhanh nhảu:
- Thưa cô, chủ ngữ đang ở trong nhà giam ạ.
Cấu tạo của câu ghép như sau:
Mặc dù tên cướp (CN)/ rất hung hăng, gian xảo (VN) nhưng cuối cùng hắn (CN) / vẫn phải đưa hai tay vào còng số 8.(VN)