I. Đọc kĩ bài:
- Đọc nhiều lần bài văn, nhớ kĩ nhân vật chính và các hình ảnh, chi tiết nổi bật.
- Đọc với giọng thong thả, rõ ràng, thể hiện được diễn biến của câu chuyện với những chi tiết khá bất ngờ, thú vị.
- Chú ý các từ ngữ khó phát âm: thái sư, Trần Thủ Độ, lập, nhà Trần, Linh Từ Quốc Mẫu, câu đương, ngọn ngành, nể, chuyên quyền, xã tắc, xằng, trẫm,...
II. Tóm tắt nội dung:
Trần Thủ Độ là chú ruột của vua, có công lập nên nhà Trần. Tuy đứng đầu trăm quan nhưng ông vẫn chấp hành triệt để kỉ cương luật pháp của nhà nước: không ban chức bừa bãi, không để người thân lộng hành, lắng nghe ý kiến của mọi người. Ông là tấm gương mẫu mực cho những người làm quan đời sau noi theo.
III. Gợi ý trả lời câu hỏi:
1. Khi có người muốn xin chức câu đương, Trần Thủ Độ đã làm gì?
Ông yêu cầu người đó phải chặt một ngón chân để phân biệt với các câu đương khác.
2. Trước việc làm của người quân hiệu, Trần Thủ Độ xử lí ra sao?
Việc làm của người quân hiệu là giữ đúng phép nước nên Trần Thủ Độ đã khen ngợi và lấy vàng, lụa thưởng cho.
3. Khi biết có viên quan tâu với vua rằng mình chuyên quyền, Trần Thủ Độ nói thế nào?
Ông công nhận với vua rằng: Quả có chuyện như vậy. Xin Bệ hạ quở trách thần và ban thưởng cho người nói thật.
4. Những lời nói và việc làm của Trần Thủ Độ cho thấy ông là người như thế nào?
Ông là người chính trực, biết lắng nghe ý kiến của người khác, kể cả những người thù ghét ông. Ông lắng nghe để sửa mình được tốt hơn.
IV. Thực hành - Luyện tập:
1/ Đọc nhiều lần bài văn.
2/ Kể lại bài Thái sư Trần Thủ Độ theo lời của em.
* Tham khảo bài viết dưới đây:
Thái sư Trần Thủ Độ là chú ruột của vua Trần và là người có công lớn lập nên nhà Trần. Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông, ông đã cùng vua quan lãnh đạo toàn dân đánh giặc, lập nên những chiến thắng lẫy lừng, lưu danh muôn thuở.
Tuy đứng đầu trăm quan nhưng không vì thế mà ông tự cho mình vượt qua phép nước. Có lần vợ ông là bà Linh Từ Quốc Mẫu muốn xin riêng cho một người trong họ làm chức câu đương (một chức nhỏ ở xã, chuyên việc bắt bớ, áp giải kẻ có tội), Trần Thủ Độ nghiêm giọng bảo anh ta:
- Người được phu nhân xin cho làm chức câu đương, không thể giống như những câu đương khác. Vì vậy, phải chặt một ngón chân để phân biệt.
Cách xử sự này của ông ngầm ý răn đe những kẻ có ý định lo lót, mua quan bán tước, làm rối loạn kỉ cương, phép nước. Nghe ông nói, người đàn ông kia hoảng sợ, kêu van mãi, ông mới tha cho.
Lần khác, vợ ông ngồi kiệu đi qua chỗ thềm cấm trong cung vua nên bị một người quân hiệu ngăn lại. Về nhà, bà ấm ức khóc và nói với ông rằng mình đường đường là phu nhân của quan Thái sư mà bị kẻ dưới khinh nhờn. Trần Thủ Độ cho gọi người lính kia đến. Anh ta nghĩ là mình phải tội chết nên sợ hãi. Sau khi nghe anh ta kể rõ đầu đuôi câu chuyện, Thái sư khen anh ta biết giữ nghiêm phép nước rồi lấy vàng, lụa thưởng cho.
Vì có công lớn với triều đình nên Thái sư Trần Thủ Độ được vua rất nể phục và kính trọng. Có một viên quan ứa nước mắt tâu với vua rằng Thái sư chuyên quyền, lấn át cả vua, xã tắc nay mai không biết sẽ ra sao. Vua đem viên quan đến gặp Trần Thủ Độ và nói:
- Kẻ này dám tâu xằng với trẫm là Thượng phụ chuyên quyền, nguy cho xã tắc.
Trần Thủ Độ im lặng suy ngẫm một lát rồi đáp:
- Tâu bệ hạ! Quả là có chuyện như vậy. Xin bệ hạ cứ quở trách thần và ban thưởng cho người dám nói thật!
Thái độ thẳng thắn, trung thực của ông khiến nhà vua cảm động và càng thêm tin tưởng.