Dưới đây là một câu chuyện em đã học từ lớp 3. Giả sử em là một chữ cái (hoặc một dấu câu) làm thư kí cuộc họp, em hãy viết biên bản cuộc họp ấy:

CUỘC HỌP CỦA CHỮ VIẾT

Vừa tan học, các chữ cái và dấu câu đã ngồi lại họp. Bác Chữ A dõng dạc mở đầu:

- Thưa các bạn! Hôm nay, chúng ta học để tìm cách giúp đỡ em Hoàng. Hoàng hoàn toàn không biết chấm câu. Có đoạn văn em viết thế này: “Chú lính bước vào đầu chú. Đội chiếc mũ sắt dưới chân. Đi đôi giày da trên trán lấm tấm mồ hôi”.

Có tiếng xì xào:

- Thế nghĩa là gì nhỉ?

- Nghĩa là thế này: “Chú lính bước vào. Đầu chú đội chiếc mũ sắt. Dưới chân đi đôi giày da. Trên trán lấm tấm mồ hôi”.

Tiếng cười rộ lên. Dấu Chấm nói:

- Theo tôi, tất cả là do cậu này chẳng bao giờ để ý đến dấu câu. Mỏi tay chỗ nào, cậu ta chấm chỗ ấy.

Cả mấy dấu câu đều lắc đầu:

- Ẩu thế nhỉ!

Bác Chữ A đề nghị:

- Từ nay, mỗi khi em Hoàng định chấm câu, anh Dấu Chấm cần yêu cầu Hoàng đọc lại câu văn một lần nữa đã. Được không nào?

Phỏng theo Trần Ninh Hồ

* Tham khảo mẫu biên bản dưới đây:

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

BIÊN BẢN BÀN VIỆC GIÚP ĐỠ BẠN

(Lớp 5C)

1. Thời gian, địa điểm:

- Thời gian: 8h ngày 15 tháng 2 năm 2009.

- Địa điểm: Tại lớp 5C trường Lê Văn Tám, quận 3 thành phố Hồ Chí Minh.

2. Thành viên tham dự: Các chữ cái và dấu câu.

3. Chủ toạ, thư kí.

- Chủ toạ: Bác Chữ A.

- Thư kí: Chữ C.

4. Nội dung cuộc họp:

- Bác chữ A phát biểu: Mục đích cuộc họp là tìm cách giúp đỡ Hoàng biết chấm câu.

- Tình hình hiện nay: Hoàng không biết chấm câu.

- Phân tích nguyên nhân: Khi viết, không bao giờ Hoàng để ý đến các dấu câu. Mỏi tay chỗ nào, Hoàng chấm chỗ ấy nên đã viết ra những câu văn rất ngô nghê, vô nghĩa.

- Cách giải quyết, phân công công việc: Từ nay, mỗi khi Hoàng định chấm câu, anh Dấu Chấm có nhiệm vụ nhắc nhở Hoàng đọc lại câu văn một lần nữa. Yêu cầu anh Dấu Chấm thực hiện nghiêm túc điều này.

- Cuộc họp kết thúc vào 10 giờ ngày 15 tháng 2 năm 2009.

Người lập biên bản kí

Chủ toạ kí

*Lưu ý:

1. Biên bản là văn bản ghi lại nội dung một cuộc họp hoặc một sự việc đã diễn ra để làm bằng chứng.

2. Nội dung biên bản thường gồm 3 phần:

a. Phần mở đầu ghi quốc hiệu, tiêu ngữ (hoặc tên tổ chức), tên biên bản.

b. Phần chính ghi thời gian, địa điểm, thành phần có mặt, nội dung sự việc.

c. Phần kết thúc ghi tên, chữ kí của những người có trách nhiệm.