ĐỀ BÀI: Hãy kể lại một câu chuyện em đã được nghe hoặc được đọc nói về truyền thống hiếu học hoặc truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam.

* Gợi ý:

1. Nội dung:

a) Ví dụ về truyện ca ngợi truyền thống hiếu học: Ông tổ nghề thêu (Tiếng Việt 3, tập hai), Văn hay chữ tốt (Tiếng Việt 4, tập một), Bông sen trong giếng ngọc (Truyện đọc lớp 4).

b) Ví dụ về truyện ca ngợi truyền thống đoàn kết: Câu chuyện bó đũa (Tiếng Việt 2, tập một), Đôi bạn (Tiếng Việt 3, tập một), Vì muôn dân (Tiếng Việt 5, tập hai).

2. Tìm câu chuyện ở đâu?

- Những câu chuyện em đã được nghe.

- Báo, truyện đọc xưa và nay. Chú ý truyện của Nhà xuất bản Kim Đồng, sách Truyện đọc lớp 5 của Nhà xuất bản Giáo dục.

3. Giới thiệu tên câu chuyện và kể lại nội dung câu chuyện đã nghe (hoặc đã đọc):

- Mở đầu câu chuyện thế nào?

- Diễn biến của câu chuyện ra sao? (Kể rõ trình tự các việc xảy ra, hành động của nhân vật; chú ý nhấn mạnh những chi tiết liên quan đến đức tính hiếu học hoặc tinh thần đoàn kết.)

4. Trao đổi với các bạn về ý nghĩa của câu chuyện.

a. Về truyền thống hiếu học:

* Tham khảo một số truyện dưới đây:

1. Truyện Ông tổ nghề thêu.

Trần Quốc Khái ham học từ nhỏ. Cậu bé nghèo tranh thủ học cả trong lúc đốn củi hoặc kéo vỏ tôm. Tối tối, nhà không có đèn, cậu bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng, lấy ánh sáng đọc sách đến khuya. Sau này đi thi, Trần Quốc Khái đỗ tiến sĩ, được cử làm một chức quan to trong triều đình nhà Lê.

Một lần, ông được cử đi sứ sang Trung Quốc. Nghe danh tiếng ông đã lâu, vua Trung Quốc muốn thử tài, bèn cho dựng một lầu cao, mời ông lên chơi rồi sai cất thang đi. Không còn lối xuống, ông đành ở lại. Trên lầu chỉ có hai pho tượng Phật, hai cái lọng, một bức trướng thêu ba chữ: “Phật tại tâm” và một vò nước.

Không có gì ăn, ông đói lắm. Ông lẩm nhẩm đọc mấy chữ thêu ở bức trướng rồi tủm tỉm cười, bẻ một ngón tay của bức tượng nếm thử, thấy vừa dẻo vừa ngọt. Thì ra hai bức tượng ấy được nặn bằng bột chè lam. Từ đó, ông cứ bẻ tượng mà ăn thay cơm, khát thì uống nước trong vò. Mấy ngày trôi qua, ông chú ý quan sát mọi thứ, nhớ nhập tâm cách thêu và cách làm lọng.

Học được rồi, ông tìm đường xuống. Chiều chiều, ông thường thấy đàn dơi chao qua chao lại bắt muỗi. Ông liền lấy hai chiếc lọng, cầm chắc trong tay rồi nhảy xuống đất. Vua Trung Quốc khen ông thông minh xuất chúng, đãi tiệc thật lớn tiễn ông về nước.

Ông đem những điều đã học lỏm được về nghề thêu và nghề làm lọng ở Trung Quốc dạy cho dân làng. Dần dần, hai nghề ấy lan rộng khắp nơi. Sau khi ông mất, nhân dân ở vùng Thường Tín lập đền thờ để ghi nhớ công ơn và tôn ông là ông tổ nghề thêu.

2. Truyện Ông trạng thả diều.

Nguyễn Hiền là con của một gia đình nông dân nghèo khó. Giống các bạn cùng trang lứa, Hiền rất thích thả diều. Lúc còn bé tí, Hiền đã biết làm lấy diều để chơi.

Năm Hiền lên sáu tuổi, cha cho theo học một thầy đồ trong làng. Thầy đồ kinh ngạc khi thấy cậu bé học đến đâu hiểu đến đó và có trí nhớ lạ thường. Có hôm, Hiền thuộc làu hai mươi trang sách mà vẫn còn thì giờ chơi diều.

Sau vì nhà túng thiếu quá, Hiền đành phải bỏ học. Ban ngày đi chăn trâu, dù mưa gió thế nào, Hiền cũng đứng ngoài lớp nghe giảng nhờ. Tối đến, đợi bạn học thuộc bài, cậu mới mượn vở về nhà học. Không có tiền mua đèn sách như các bạn nên sách của Hiền là lưng trâu, nền cát, bút là ngón tay hay mảnh gạch vỡ và đèn là vỏ trứng thả đom đóm vào trong. Bận làm, bận học như thế mà cánh diều của Hiền vẫn bay cao, tiếng sáo vẫn vi vút tầng mây. Mỗi lần có kì thi ở trường, cậu viết bài vào lá chuối khô rồi nhờ bạn xin thầy chấm hộ cho. Thầy khen bài của Hiền chữ tốt văn hay, vượt xa các học trò khác.

Thế rồi vua mở khoa thi. Cậu bé Hiền cũng ghi danh tham dự và đã đỗ Trạng nguyên lúc mới mười ba tuổi. Mọi người gọi cậu là Trạng nguyên trẻ nhất của nước Nam.

3. Truyện Văn hay chữ tốt.

Cao Bá Quát quê ở huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội. Thuở nhỏ đi học, chữ ông rất xấu nên nhiều bài văn dù viết hay vẫn bị thầy cho điểm kém.

Một hôm, có bà cụ hàng xóm sang khẩn khoản:

- Gia đình già có một việc oan uổng muốn kêu lên quan, nhờ cậu viết giúp cho lá đơn có được không?

Ông vui vẻ trả lời:

- Tưởng việc gì khó, chứ việc đó cháu xin sẵn lòng!

Lá đơn viết lí lẽ rõ ràng nên ông yên trí quan trên sẽ xét nỗi oan cho bà cụ. Nào ngờ, chữ ông xấu quá, quan đọc không được nên thét lính đuổi bà cụ ra khỏi huyện đường. Về nhà, bà cụ kể lại chuyện ấy khiến ông vô cùng ân hận. Ông hiểu ra rằng dù văn hay đến đâu mà chữ xấu thì cũng chẳng ích gì. Từ đó, ông dốc sức luyện viết chữ sao cho đẹp.

Sáng sáng, Cao Bá Quát cầm que vạch lên cột nhà, luyện cách viết nét “sổ thẳng” cho cứng cáp. Mỗi buổi tối, ông viết xong mười trang giấy mới chịu đi ngủ. Chữ viết đã tiến bộ, ông lại mượn những cuốn sách chữ viết đẹp làm mẫu để luyện nhiều kiểu chữ khác nhau.

Kiên trì luyện tập suốt mấy năm, chữ ông mỗi ngày một đẹp. Sau này, ông nổi danh khắp nước là người văn hay chữ tốt.

4. Truyện Vua tàu thuỷ Bạch Thái Bưởi.

Cậu bé Bưởi sinh ra trong một gia đình nghèo khó. Mồ côi cha từ nhỏ, ngày ngày Bưởi phải theo mẹ quẩy gánh hàng rong trên khắp các nẻo đường. Thấy Bưởi khôi ngô, nhà tư sản họ Bạch nhận làm con nuôi, đặt tên là Bạch Thái Bưởi và cho ăn học tử tế.

Năm 21 tuổi, Bạch Thái Bưởi làm thư kí cho một hãng buôn. Chẳng bao lâu, ông đứng ra kinh doanh độc lập, trải đủ mọi nghề: buôn gỗ, buôn ngô cầm đồ, lập nhà in, khai thác mỏ... và cố tìm ra hướng làm ăn mới.

Bạch Thái Bưởi mở công ty vận tải đường thuỷ lấy tên là Bạch Thái Bưởi vào lúc những con tàu chở khách của người Hoa đã độc chiếm các tuyến đường sông miền Bắc. Ông cho người đến tận các bến tàu diễn thuyết, hô hào. Trên mỗi chiếc tàu, ông dán dòng chữ: “Người ta thì đi tàu ta” và treo một cái ống để khách nào đồng tình với ông thì vui lòng bỏ tiền vào ống, tiếp sức cho chủ tàu. Khi đổ ống ra, tiền đồng rất nhiều, tiền hào, tiền xu thì vô kể. Khách đi tàu của ông ngày một đông. Nhiều chủ tàu người Hoa, người Pháp phải bán lại tàu cho Bạch Thái Bưởi. Rồi ông mua xưởng sửa chữa tàu, thuê kĩ sư giỏi trông nom. Lúc thịnh vượng nhất, công ti ông có tới ba mươi chiếc tàu lớn nhỏ mang những cái tên lịch sử: Hồng Bàng, Lạc Long, Trưng Trắc, Trưng Nhị,...

Chỉ trong mười năm, Bạch Thái Bưởi đã có trong tay một sản nghiệp đồ sộ. Ông được mọi người yêu mến, trân trọng gọi là: “Bậc anh hùng kinh tế - Vua tàu thuỷ”.

b. Về truyền thống đoàn kết:

* Tham khảo một số truyện dưới đây:

1. Truyện Câu chuyện bó đũa.

Ngày xưa, ở làng nọ, có một ông già sinh được hai người con. Lúc nhỏ, anh em hoà thuận, thương yêu nhau. Khi lớn lên, anh có vợ, em có chồng. Tuy mỗi người một nhà nhưng họ vẫn thường va chạm, cãi cọ với nhau chỉ vì những chuyện vặt vãnh. Thấy các con không hoà thuận, ông già tuy không nói ra nhưng trong bụng buồn lắm. Một hôm, ông đặt sẵn bó đũa và túi tiền trên bàn rồi gọi các con trai, gái, dâu, rể đến và nói:

- Trong các con, ai bẻ gãy được bó đũa này thì ta thưởng cho túi tiền.

Mấy người con lần lượt bẻ bó đũa. Ai cũng cố hết sức mà không sao bẻ được. Ông già cởi bó đũa ra, rồi thong thả bẻ gãy từng chiếc một cách dễ dàng. Thấy vậy, bốn người con cùng nói:

- Thưa cha, lấy từng chiếc ra mà bẻ thì có khó gì?

Nghe các con nói, ông lão tủm tỉm cười:

- Đúng! Các con nói đúng! Nếu chia lẻ ra thì từng chiếc đũa rất yếu, dễ dàng bị bẻ gãy; nhưng hợp lại thì bó đũa thật cứng cáp, khó mà bẻ được. Giống như con người ta, nếu chia rẽ, không biết thương yêu nhau thì sẽ suy yếu, còn đoàn kết sẽ tạo thành sức mạnh.

Nghe xong, bốn người con ai cũng thấm thía bài học của người cha vừa dạy và xin hứa sẽ không để xảy ra những chuyện bất hoà trong gia đình nữa.

2. Truyện Chuyện quả bầu.

Đất nước ta có tới 54 dân tộc anh em. Mỗi dân tộc có tiếng nói riêng, có cách ăn mặc riêng nhưng tất cả đều sinh ra từ một mẹ. Chuyện kể rằng:

Ngày xửa ngày xưa, có hai vợ chồng nọ đi rừng bắt được một con dúi. Họ vui mừng bảo nhau là tối nay sẽ được ăn thịt dúi nướng. Không ngờ, con dúi hiểu tiếng người. Nó van lạy xin tha, hứa sẽ nói cho họ một điều bí mật. Hai vợ chồng thương tình thả dúi ra. Dúi báo rằng trời sắp làm mưa to gió lớn, gây ngập lụt khắp nơi. Nó khuyên họ hãy lấy một khúc gỗ to, khoét rỗng, chuẩn bị thức ăn đủ bảy ngày bảy đêm, rồi chui vào đó, bịt kín miệng khúc gỗ bằng sáp ong, hết hạn bảy ngày hãy chui ra.

Hai vợ chồng bình tĩnh làm theo lời dúi dặn và bảo bà con trong bản làm theo nhưng chẳng ai tin. Công việc vừa xong thì trời tối mịt, sấm chớp đùng đùng, mây đen ùn ùn kéo đến. Gió thổi ào ào, mưa đổ sầm sập, gây ngập lụt khắp nơi, nhấn chìm muôn vật trong biển nước. Nhờ sống trong khúc gỗ nổi như thuyền mà hai vợ chồng thoát nạn. Sau bảy ngày, họ chui ra thì thấy cỏ cây vàng úa, mặt đất vắng tanh không một bóng người. Hai vợ chồng buồn bã, lầm lũi chặt cây, cắt lá, dựng túp lều ở tạm.

Ít lâu sau, người vợ có mang rồi sinh ra một quả bầu lớn. Thấy thế, người chồng buồn và lo lắm. Chị vợ đem quả bầu cất lên giàn bếp. Một hôm, hai vợ chồng đi làm nương về, thấy trong bếp có tiếng cười đùa vui vẻ. Lấy làm lạ, họ lắng tai nghe thì rõ ràng là những tiếng ấy phát ra từ quả bầu. Người vợ nhẹ nhàng nhấc quả bầu xuống rồi lấy que đốt thành cái dùi, dùi thủng quả bầu.

Hai vợ chồng vô cùng ngạc nhiên khi nhìn thấy từ lỗ thủng, những con người bé nhỏ nối nhau nhảy ra. Người Khơ-mú nhanh nhảu chui ra trước, dính muội thạn nên da hơi đen. Tiếp theo là người Thái, người Mường, người Dao, người Hmông, người Ê-đê, người Ba-na, người Kinh ... lần lượt ra theo. Đó chính là tổ tiên của các dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam ngày nay.