I. Đọc kĩ bài:

- Đọc nhiều lần bài văn, nhớ kĩ các hình ảnh, chi tiết nổi bật.

- Đọc diễn cảm bằng giọng thong thả, tha thiết, nhấn mạnh ở những từ ngữ miêu tả vẻ đẹp uy nghiêm của đền Hùng, vẻ hùng vĩ của cảnh vật thiên nhiên vùng đất Tổ, thể hiện niềm tự hào và thành kính đối với đất Tổ - chiếc nôi của cội nguồn dân tộc.

- Chú ý các từ ngữ khó phát âm: chót vót, Nghĩa Lĩnh, màu sắc, dập dờn, xoè, uy nghiêm, hoành phi, xanh xanh, vòi vọi, Sơn Tinh, sừng sững, xa xa, Sóc Sơn, xâm lược, phù sa, giang sơn, lối cũ, toả hương, đền Giếng,...

II. Tóm tắt nội dung:

Bài văn tả phong cảnh đền Hùng, phong cảnh thiên nhiên vùng núi Nghĩa Lĩnh, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, nơi thờ các vua Hùng, tổ tiên chung của dân tộc Việt Nam.

Qua đó, tác giả ca ngợi vẻ đẹp tráng lệ của đền Hùng và khung cảnh núi sông hùng vĩ vùng đất Tổ; đồng thời bày tỏ niềm thành kính thiêng liêng của mỗi con người Việt Nam trước cội nguồn dân tộc.

III. Gợi ý trả lời câu hỏi:

1. Hãy kể những điều em biết về các vua Hùng?

- Các vua Hùng là những người đầu tiên lập ra nước Văn Lang, đóng đô ở thành Phong Châu, vùng Phú Thọ, cách nay khoảng 4000 năm.

- Theo truyền thuyết, Lạc Long Quân phong cho người con trai trưởng làm vua nước Văn Lang, xưng là Hùng Vương, đóng đô ở thành Phong Châu (từ ngã ba sông Bạch Hạc về tới các vùng đất quanh núi Nghĩa Lĩnh) gồm thành phố Việt Trì ngày nay và một phần đất thuộc các huyện Lâm Thao, Phù Ninh tỉnh Phú Thọ. Các triều đại Hùng Vương truyền được 18 đời, trị vì 2621 năm (từ năm Nhâm Tuất 2879 trước Công nguyên đến năm 258 trước Công nguyên).

2. Tìm những từ ngữ miêu tả cảnh đẹp của thiên nhiên nơi đền Hùng.

Trước đền, những khóm hải đường đâm bông rực đỏ, những cánh bướm nhiều màu sắc bay dập dờn...; rừng cây xanh xanh... Bên phải là đỉnh Ba Vì vòi vọi... Dãy Tam Đảo như bức tường xanh sừng sững chắn ngang bên trái đỡ lấy mây trời cuồn cuộn. Xa xa là núi Sóc Sơn... Trước mặt là Ngã Ba Hạc... Những cành hoa đại, những gốc thông già... giếng Ngọc trong xanh,...

3. Bài văn đã gợi cho em nhớ đến một số truyền thuyết về sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc. Hãy kể tên các truyền thuyết đó.

- Hình ảnh núi Ba Vì cao vòi vọi gợi nhớ truyền thuyết Sơn Tinh - Thuỷ Tinh - một truyền thuyết về sự nghiệp dựng nước của dân tộc.

- Núi Sóc Sơn gợi nhớ truyền thuyết Thánh Gióng - một truyền thuyết về sự nghiệp chống giặc ngoại xâm của dân tộc.

- Hình ảnh mốc đá thề gợi nhớ truyền thuyết An Dương Vương, một truyền thuyết về sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc.

- Hình ảnh giếng Ngọc gợi nhớ đến truyền thuyết Chử Đồng Tử và Tiên Dung - một truyền thuyết về sự nghiệp xây dựng đất nước của dân tộc.

- Hình ảnh đền Hạ gợi nhớ đến truyền thuyết Sự tích trăm trứng. Theo truyền thuyết, đây là nơi Lạc Long Quân đã đưa Âu Cơ từ động Lăng Xương (huyện Thanh Thuỷ) về và Âu Cơ đã sinh ra một cái bọc trăm trứng, nở thành 100 người con.

- Ngã Ba Hạc cũng gợi nhớ truyền thuyết Sơn Tinh - Thuỷ Tinh. Tương truyền, vua Hùng cho dựng lầu kén rể ở Tiên Cát (cửa sông Bạch Hạc), hai chàng Sơn Tinh và Thuỷ Tinh tranh tài, Sơn Tinh thắng cuộc.

- Đền Trung là nơi thờ Tổ Hùng Vương, nơi Hùng Vương thứ 6 sau khi đánh đuổi giặc Ân từ phương Bắc tràn xuống, muốn chọn người kế vị nên đã cho gọi 24 người con trai về núi Nghĩa Lĩnh, mở cuộc thi tìm lễ vật dâng cúng tổ tiên. Tại đây, Lang Liêu đã thắng cuộc. Bởi thế, đền Trung gợi nhớ đến truyền thuyết Sự tích bánh chưng, bánh giày.

4. Em hiểu câu ca dao sau như thế nào?

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba”.

- Câu ca dao ca ngợi truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam là thuỷ chung, luôn luôn nhớ về cội nguồn.

- Nhắc nhở mọi người rằng dù đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì cũng không được quên ngày giỗ Tổ, không được quên cội nguồn.
- Theo truyền thuyết, Hùng Vương thứ 6 đã “hoá” bên gốc cây kim giao trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh vào ngày mùng mười tháng 3 Âm lịch (năm 1632 trước Công nguyên). Từ đấy, người Việt đã lấy ngày này làm ngày giỗ Tổ.

- Câu ca dao trên còn có nội dung khuyên răn, nhắc nhở mọi người dân Việt hướng về cội nguồn, đoàn kết cùng nhau chia ngọt sẻ bùi trong chiến tranh cũng như trong hoà bình.

IV. Thực hành - Luyện tập:

1/ Đọc nhiều lần bài văn.

2/ Bài Phong cảnh đền Hùng gợi đến tên một số truyền thuyết. Em hãy tóm tắt nội dung các truyền thuyết ấy và nêu ý nghĩa của từng truyện.

* Tham khảo các bài viết dưới đây:

+ Sơn Tinh - Thuỷ Tinh

Hùng Vương thứ 18 có một nàng công chúa rất xinh đẹp tên là Mị Nương. Nhà vua muốn kén rể hiền. Có hai vị thần là Sơn Tinh (thần núi) và Thuỷ Tinh (thần nước) cùng đến cầu hôn. Nhà vua ra điều kiện ai đem đủ lễ vật tới trước sẽ được cưới Mị Nương. Sơn Tinh đến trước. Y hẹn, vua Hùng cho phép chàng rước Mị Nương về núi Tản Viên.

Thuỷ Tinh đến sau, không cưới được vợ liền nổi giận dâng nước đánh Sơn Tinh. Sau những ngày giao tranh quyết liệt, Thuỷ Tinh thua trận phải rút quân về.

Nhưng hằng năm, không quên hận cũ, Thuỷ Tinh vẫn dâng nước đánh Sơn Tinh để hòng chiếm lại Mị Nương.

* Ý nghĩa: Truyện phản ánh hiện thực đời sống của người Việt cổ. Nhân dân ta đã biết đắp đê ngăn nước lũ, bảo vệ mùa màng. Thể hiện khát vọng chế ngự và chiến thắng thiên tai qua hình tượng Sơn Tinh - chúa tể của núi Tản Viên - tượng trưng cho sức mạnh đoàn kết của con người trong cuộc sống lao động dựng xây đất nước.

+ Thánh Gióng

Ngày xưa, ở làng Gióng có một em bé sinh ra khác thường, đã ba tuổi mà không biết đi, biết nói. Giặc Ân xâm chiếm nước ta. Vua sai sứ giả đi tìm người tài cứu nước. Em bé đột nhiên biết nói. Em nhờ sứ giả về tâu với vua là hãy đúc ngựa sắt, roi sắt, nón sắt, em sẽ đánh tan quân giặc. Dân làng góp gạo nuôi em bé lớn nhanh như thổi. Sứ giả mang các thứ đến, Gióng vươn vai trở thành tráng sĩ có sức mạnh phi thường, cưỡi ngựa sắt, đội nón sắt, vung roi sắt, xông ra chiến trường tiêu diệt quân xâm lược. Giặc tan, Gióng cưỡi ngựa từ từ bay lên trời. Dân trong vùng biết ơn, lập đền thờ và suy tôn là Thánh Gióng.

* Ý nghĩa: Hình tượng Thánh Gióng với nhiều yếu tố thần kì là biểu tượng rực rỡ của ý thức và sức mạnh bảo vệ đất nước, đồng thời thể hiện quan niệm và ước mơ của nhân dân ta về người anh hùng cứu nước chống ngoại xâm

+ Sự tích trăm trứng

Lạc Long Quân là con trai của thần Long Nữ ở Đông Hải, có thân hình Rồng, sống được cả dưới nước và trên cạn, sức khoẻ vô địch, có nhiều phép lạ, thường dạy cho dân cách trồng trọt, chăn nuôi và cách ăn ở...

Âu Cơ là Tiên nữ, dòng họ Thần Nông, sống ở vùng núi cao phương Bắc. Nàng đẹp tuyệt trần, thích đi thăm đây đó...

Hai người gặp nhau ở vùng đất Lạc có nhiều hoa thơm cỏ lạ rồi kết thành chồng vợ, Âu Cơ có mang, ít lâu sau sinh ra cái bọc một trăm trứng, nở thành một trăm người con trai khôi ngô, tuấn tú...

Vì không thể sống lâu trên cạn nên Lạc Long Quân đành chia tay với Âu Cơ, trở về biển Đông, đem theo năm mươi người con. Còn lại năm mươi người ở với mẹ.

Người con trưởng của Lạc Long Quân và Âu Cơ được tôn làm vua, lấy hiệu là Hùng Vương, đóng đô ở đất Phong Châu (Phú Thọ ngày nay), đặt tên nước là Văn Lang.

* Ý nghĩa: Truyện Con Rồng, cháu Tiên thể hiện lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Khẳng định tất cả các dân tộc sống trên đất Việt đều là anh em ruột thịt cùng một mẹ sinh ra (đồng bào). Mỗi người dân Việt dù sống ở bất cứ nơi đâu cũng luôn ghi nhớ mình là con cháu của các vua Hùng, dòng giống Rồng Tiên.

+ An Dương Vương

Truyện kể về cha con An Dương Vương vì chủ quan, nhẹ dạ cả tin nên đã bị cha con Triệu Đà, Trọng Thuỷ lừa tráo mất lẫy nỏ thần, dẫn đến cảnh nước mất nhà tan.

An Dương Vương là ông vua kế tục các vua Hùng, đã tiến hành dời đô từ phía Bắc xuống phía Nam, từ thượng du về đồng bằng. Tức là từ Phú Thọ về Cổ Loa, Hà Nội, rồi xây thành dựng nước. Việc xây thành gặp nhiều khó khăn, thành cứ đắp lên lại đổ xuống, xây mãi không xong.

Sứ Thanh Giang tức Rùa Vàng giúp An Dương Vương diệt yêu quái (con gà trắng thành tinh) thì chỉ nửa tháng sau là thành xây xong. Rùa Vàng còn cho nhà vua chiếc móng để làm nỏ thần chống giặc.

Khi Triệu Đà mang quân sang xâm lược, vì An Dương Vương có nỏ thần trong tay nên quân Triệu Đà thua to.

Sau chiến thắng, An Dương Vương do không nhận ra âm mưu thâm độc của Triệu Đà nên đã bằng lòng gả Mị Châu cho con trai Triệu Đà là Trọng Thuỷ, lại còn cho ở rể trong thành. Trọng Thuỷ đã lập mưu đánh tráo nỏ thần.

Nghe tin báo Triệu Đà cất quân sang đánh Âu Lạc, An Dương Vương cậy có nỏ thần không phòng bị gì cả. Đến khi quân giặc tiến sát chân thành, An Dương Vương mới sai đem nỏ thần ra bắn thì thấy không hiệu nghiệm nữa. Cho đến lúc này, nhà vua vẫn chưa biết là nỏ thần đã bị đánh tráo. Trong cơn cùng quẫn, An Dương Vương chỉ còn cách cưỡi ngựa đem con gái chạy trốn khỏi thành.

Thần Kim Quy hiện lên bảo rằng: “Giặc ở đằng sau lưng nhà vua ấy!”. An Dương Vương tỉnh ngộ, bèn rút gươm chém đầu Mị Châu. Máu nàng chảy xuống biển. Một loài trai ăn phải, kết thành ngọc. Ngọc ấy được rửa bằng nước giếng nơi Trọng Thuỷ tự tử thì trở nên trong sáng vô cùng.

* Ý nghĩa: Thông qua thất bại đau đớn của An Dương Vương, sự tan vỡ của tình cha con, kết cục bi thảm của đôi lứa Mị Châu - Trọng Thuỷ, nhân dân ta đã biểu lộ tư tưởng phản kháng chiến tranh xâm lược và rút ra bài học giữ nước sâu sắc: không được chủ quan, tự mãn, ỷ lại vào vũ khí, phải luôn sáng suốt phân biệt rõ bạn thù, cảnh giác trước mọi âm mưu thâm độc của giặc.

+ Chử Đồng Tử

Ngày xửa ngày xưa, ở làng Chử Xá, Hưng Yên, có hai cha con Chử Đồng Tử nhà rất nghèo, quanh năm kiếm sống bằng nghề mò cua bắt cá. Có mỗi một cái khố, cha con thay nhau mặc. Lúc cha chết, chàng mặc chiếc khố ấy cho cha, còn mình thì lấy lá che thân.

Một hôm, chàng đang đánh dậm ngoài bãi sông thì thấy có một chiếc thuyền lớn từ xa đang từ từ tiến đến. Đó là chiếc thuyền của công chúa Tiên Dung, con vua Hùng. Nàng thích đi ngao du sơn thuỷ, thấy nơi đây phong cảnh hữu tình nên ra lệnh dừng thuyền.

Chử Đồng Tử vội vùi mình xuống cát. Công chúa Tiên Dung sai thị nữ quây màn cho nàng tắm. Không ngờ lại đúng chỗ Chử Đồng Tử đang ẩn nấp. Nước làm trôi cát, Chử Đồng Tử hoảng hốt quỳ lạy, xin tạ tội. Công chúa vô cùng ngạc nhiên và bối rối trước chàng trai trẻ trung, khoẻ mạnh. Cho là duyên trời định, nàng dắt tay Chử Đồng Tử lên thuyền, tuyên bố lấy chàng làm chồng trước mặt mọi người.

Sau đó hai vợ chồng nàng không trở về triều đình cùng vua cha mà đi khắp đó đây, dạy dân trồng trọt, cấy lúa. Chử Đồng Tử còn học thêm nghề thuốc để chữa bệnh cứu dân nghèo. Tiếng tăm họ vang xa khắp chốn.

Sau khi hóa về Trời, hai vợ chồng Tiên Dung - Chử Đồng Tử trở thành phúc thần, luôn phù hộ cho dân chiến thắng thiên tai, địch hoạ. Nhân dân ghi nhớ công ơn nên lập đền thờ hai bên bờ sông Hồng. Lễ hội Chử Đồng Tử được tổ chức sau Tết Nguyên Đán hằng năm với rất nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn khách thập phương.

* Ý nghĩa: Câu chuyện ca ngợi những người hiền tài đã hết lòng giúp dân biết cách làm ruộng, trồng trọt, chống thiên tai, xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc.