ĐỀ BÀI: Kể lại một câu chuyện đã được nghe hay đã đọc về việc gia đình, nhà trường và xã hội chăm sóc, giáo dục trẻ em hoặc trẻ em thực hiện bổn phận với gia đình, nhà trường và xã hội.

* Gợi ý:

1. Nội dung:

- Gia đình, nhà trường và xã hội chăm sóc, giáo dục trẻ em, ví dụ: Người mẹ hiền (Tiếng Việt 2, tập một), Chiếc rễ đa tròn (Tiếng việt 2, tập hai), Lớp học trên đường (Tiếng Việt 5, tập hai).

- Trẻ em thực hiện bổn phận với gia đình, nhà trường và xã hội, ví dụ: Ở lại với chiến khu (Tiếng Việt 3, tập hai), Trận bóng dưới lòng đường (Tiếng Việt 3, tập một)

2. Tìm câu chuyện ở đâu?

- Câu chuyện em nghe người thân kể.

- Truyện đọc xưa và nay. Chú ý các truyện Không gia đình của Héc-to Ma-lô, Những tấm lòng cao cả của A-mi-xi, Tốt-tô-chan - Cô bé ngồi bên cửa sổ của Ku-rô-y-a-na-gi.

3. Cách kể chuyện:

- Giới thiệu câu chuyện (Tên câu chuyện là gì, em đọc ở cuốn sách nào hoặc nghe ai kể, câu chuyện nói về ai hoặc về việc gì?).

- Kể toàn bộ câu chuyện, chú ý tập trung vào những tình tiết đáp ứng yêu cầu của đề bài.

- Nêu những cảm xúc hoặc suy nghĩ của em về câu chuyện.

4. Thảo luận:

- Cùng các bạn trong lớp bình chọn câu chuyện hay nhất.

- Cùng các bạn thảo luận về ý nghĩa của câu chuyện hay nhất.

* Tham khảo các truyện dưới đây:

1. Có công mài sắt, có ngày nên kim.

Ngày xửa ngày xưa, ở một làng nọ, có cậu bé làm việc gì cũng mau chán. Học bài, chỉ đọc được vài dòng là cậu quăng sách. Tập viết, cậu chỉ nắn nót được vài chữ đầu, sau đó phóng tay nguệch ngoạc cho mau xong. Vì thế nên chữ cậu xấu như gà bới.

Một hôm, cậu trốn học đi chơi. Chợt cậu nhìn thấy một bà cụ đang mải miết mài một thỏi sắt vào tảng đá bên đường. Tò mò, cậu dừng lại xem và hỏi:

- Bà ơi! Bà làm gì thế?

Bà cụ ngước lên trả lời:

- À, bà mài thỏi sắt này cho nhỏ lại thành một chiếc kim để vá quần áo.

Cậu bé ngạc nhiên:

- Thỏi sắt to thế này, làm sao bà mài thành kim được?

Bà cụ chậm rãi ôn tồn đáp:

- Thế mà được đấy cháu ạ! Bà sẽ mài nó ngày này qua ngày khác. Mài mãi, mỗi ngày một tí, cuối cùng nó sẽ nhỏ lại bằng cây kim. Giống như cháu đi học, mỗi ngày học một ít, tất sẽ có ngày cháu thành tài.

Cậu bé nghe bà cụ nói, ngẫm nghĩ thấy phải. Hiểu ra, từ đó cậu chăm chỉ học hành.

2. Mẩu giấy vụn.

Hôm nay, tổ em trực nhật làm vệ sinh rất kĩ, bàn ghế kê ngay ngắn, nền lớp quét dọn sạch sẽ. Thế nhưng chẳng biết bạn nào vô ý vứt một mẩu giấy ngay giữa lối đi.

Cô giáo bước vào, mỉm cười khen lớp hôm nay sạch đẹp, sáng sủa. Rồi cô hỏi có ai nhìn thấy mẩu giấy kia không? Chúng em đồng thanh đáp: “Có ạ!”. Cô lại bảo: “Nào! Các em hãy lắng nghe và cho cô biết mẩu giấy đang nói gì nhé!”.

Cả lớp im lặng. Sau đó, tiếng xì xào bàn tán nổi lên. Một bạn nam giơ tay xin nói: “Thưa cô! Mẩu giấy thì làm sao mà nói được ạ?”. Nhiều bạn khác hưởng ứng: “Thưa cô! Đúng thế đấy ạ!”.

Bỗng từ giữa lớp, một bạn gái đi lên. Bạn ấy cúi xuống nhặt mẩu giấy bỏ vào sọt rác đặt trong góc lớp. Xong xuôi, bạn ấy khoanh tay, lễ phép thưa: “Thưa cô! Em nghe thấy mẩu giấy bảo rằng: Hãy bỏ tôi vào sọt rác!”. Cô giáo cười thật tươi, khen bạn ấy thông minh. Cả lớp tặng bạn gái thông minh, dí dỏm một tràng vỗ tay giòn giã.

3. Người mẹ hiền.

Một hôm, vào giờ ra chơi, Minh thì thầm với Nam vẻ bí mật: “Ngoài phố có gánh xiếc hay lắm! Chúng mình trốn học đi xem đi!”. Nghe nói đến xiếc, Nam thích lắm vì từ bé đến giờ, cậu có biết xiếc là gì đâu! Hai cậu tò mò háo hức muốn đi ngay những cổng trường khoá rồi, trốn ra sao được? Minh láu lỉnh nói: “Lo gì chuyện vặt ấy. Tớ biết có một lỗ tường thủng, chúng mình có thể chui qua”.

Hết giờ ra chơi, hai bạn đã ở bên bức tường. Minh chui ra trước. Nam lấy tay đẩy Minh và nói nhỏ: “Cố lên, gần ra rồi!”.

Nam đang cố lách ra thì bác bảo vệ vừa tới. Bác nắm chặt hai chân Nam và hỏi: “Cậu nào đây? Trốn học hả?”. Nam vùng vẫy, bác càng nắm chặt cổ chân. Sợ quá, Nam khóc toáng lên. Bỗng có tiếng cô giáo: “Xin bác nhẹ tay kẻo em đau. Em này là học sinh lớp tôi”. Cô nhẹ nhàng kéo Nam lùi lại và đỡ Nam ngồi dậy, phủi đất cát lấm lem trên người Nam rồi đưa Nam về lớp.

Về đến lớp, vừa đau vừa xấu hổ, Nam bật khóc. Cô giáo xoa đầu Nam và gọi Minh đang thập thò ở cửa lớp vào, nghiêm giọng hỏi: “Từ nay, các em có trốn học đi chơi nữa không?”. Hai bạn cùng đáp: “Thưa cô, không ạ! Chúng em xin lỗi cô!”. Cô giáo mỉm cười, bảo hai bạn về chỗ, rồi tiếp tục giảng bài.

4. Ai ngoan sẽ được thưởng.

Một hôm, Bác Hồ đến thăm trại thiếu nhi. Chúng em sung sướng ùa ra đón Bác. Bác giản dị trong bộ quần áo ka-li bạc màu, chân đi đôi dép cao su đã cũ. Nụ cười rạng rỡ trên gương mặt hiền từ. Đôi mắt ánh lên vẻ tinh nhanh, hóm hỉnh. Ngắm làn da hồng hào và chòm râu bạc trắng của Bác Hồ, em thấy Bác giống như một Tiên ông trong cổ tích.

Bác đi giữa đoàn thiếu nhi, hai tay dắt hai bạn nhỏ nhất. Bác cùng các cô giáo và chúng em đi thăm phòng ngủ, phòng ăn, nhà bếp và nơi tắm rửa... Trở lại phòng họp, Bác ngồi giữa, chúng em quây quần bên Bác. Bác ân cần hỏi chúng em từ chuyện học hành đến chuyện ăn uống, vui chơi. Biết chúng em được ăn no, mặc ấm, được học hành đầy đủ, Bác Hồ vui lắm. Trước khi chia kẹo, Bác hỏi: “Các cháu có thích kẹo không?”. Chúng em đồng thanh đáp: “Có ạ!”. Bỗng dưng, một bạn giơ tay xin nói: “Thưa Bác, ai ngoan thì được kẹo, ai không ngoan thì không được ạ!”. Bác cười: “Thế các cháu có đồng ý không?”. “Đồng ý ạ!”. Rồi chúng em đứng thành vòng tròn vây quanh Bác. Bác lần lượt chia kẹo cho từng bạn.

Trong khi các bạn hớn hở như vậy thì em buồn lắm. Bác đưa kẹo cho em, em không dám nhận, chỉ lí nhí thưa: “Thưa Bác, hôm nay cháu không vâng lời cô. Cháu chưa ngoan nên không được ăn kẹo của Bác ạ!”. Bác mỉm cười trìu mến: “Cháu biết nhận lỗi, thế là ngoan lắm! Cháu vẫn được phần kẹo như các bạn khác”. Em mừng rỡ đưa tay nhận lấy chiếc kẹo Bác Hồ cho. Lần được gặp Bác Hồ đã thành một kỉ niệm sâu sắc, mãi mãi em không thể nào quên.

5. Chiếc rễ đa tròn.

Buổi sáng hôm ấy, như thường lệ, sau khi tập thể dục, Bác Hồ đi dạo trong vườn. Đến gần cây đa, Bác chợt nhìn thấy một chiếc rễ đa nhỏ và dài ngoằn ngoèo nằm trên mặt đất. Chắc là trận gió đêm qua đã làm nó rơi xuống. Bác đứng tần ngần một lúc rồi quay sang bảo tôi: “Chú cuốn chiếc rễ này lại, rồi trồng cho nó mọc tiếp nhé!”. Hiểu ý Bác, tôi vội lấy chiếc cuốc nhỏ, xới đất cho tơi rồi vùi chiếc rễ đa xuống.

Nhưng Bác lại bảo: “Chú nên làm như thế này này!”. Bác hướng dẫn tôi cuộn chiếc rễ đa thành hình tròn rồi cột chặt vào hai cái cọc, sau đó mới vùi hai đầu rễ xuống đất. Tôi thắc mắc: “Thưa Bác, làm thế để làm gì ạ?”. Bác cười, vẻ bí mật: “Rồi chú sẽ biết!”.

Nhiều năm sau, chiếc rễ đã thành cây đa con có vòng lá tròn, cong cong như chiếc cổng chào. Vào thăm vườn Bác, các em thiếu nhi rất thích trò chơi chui qua chui lại vòng lá ấy. Lúc đó, tôi mới hiểu vì sao hồi trước Bác lại bảo tôi trồng chiếc rễ đa thành hình tròn như vậy. Quả là Bác rất yêu thương và luôn nghĩ đến các cháu nhi đồng. Cũng vì thế mà các cháu vô cùng quý mến và kính phục Bác Hồ.

+ Trẻ em thực hiện bổn phận với gia đình, nhà trường và xã hội:

* Tham khảo các truyện dưới đây:

1. Sự tích cây vú sữa.

Ngày xửa ngày xưa, ở một làng nọ, có hai mẹ con sống với nhau dưới một mái nhà đơn sơ giữa vườn cây um tùm. Người mẹ làm lụng vất vả quanh năm để kiếm gạo nuôi con. Trong khi đó, cậu bé được nuông chiều nên chỉ ham chơi bời lêu lổng. Một lần bị mẹ mắng, cậu ta hờn dỗi, vùng vằng bỏ đi. Cậu la cà khắp nơi, chẳng nghĩ gì đến người mẹ đang mỏi mắt chờ con.

Ít lâu sau, đã chán cảnh sống lang thang đói rét, lại bị đám trẻ lớn hơn ức hiếp, đánh đập nên cậu bé tìm đường trở về.

Vừa về đến nhà, cậu mừng rỡ khi thấy cảnh vật vẫn như xưa. Cậu cất tiếng gọi: “Mẹ ơi! Con đã về đây!”. Không có tiếng trả lời. Cậu tìm khắp trong nhà, ngoài ngõ mà chẳng thấy mẹ đâu. Gọi khản cả tiếng, tủi thân quá, cậu ôm lấy một gốc cây xanh mà khóc. Kì lạ thay! Cây xanh bỗng run rẩy. Từ các cành lá, những bông hoa bé tí trổ ra, nở trắng như mây, rụng xuống tóc, xuống vai cậu bé. Hoa tàn, quả xuất hiện và lớn rất nhanh, da căng mịn, xanh óng ánh. Rồi quả chín. Một quả rơi vào lòng cậu bé. Môi cậu vừa chạm vào thì một dòng sữa trắng trào ra, ngọt thơm như sữa mẹ.

Cậu bé ngước nhìn lên tán lá. Rì rào. Rì rào. Gió thổi, vòm lá lao xao, thủ thỉ như lời của mẹ. Trăm ngàn chiếc lá mặt trên xanh bóng, mặt dưới đỏ hoe như mắt mẹ khóc chờ con. Cậu bé xúc động, gục đầu vào thân cây mà thổn thức, nghẹn ngào. Cậu ân hận vô cùng. Giá như mẹ sống lại, cậu sẽ quỳ xuống chân mẹ mà xin tha thứ và hứa với mẹ rằng cậu sẽ không bao giờ mắc phải lỗi lầm như thế nữa. Cây như hiểu lòng cậu nên xoà cành ôm cậu, giống như tay mẹ âu yếm vỗ về.

2. Ở lại với chiến khu.

Trung đoàn trưởng bước vào lán của đội thiếu niên làm nhiệm vụ liên lạc cho trung đoàn. Ông nhìn cả đội với ánh mắt trìu mến, dịu dàng. Ngồi yên lặng một lúc, ông nhẹ nhàng lên tiếng:

- Các em ạ, hoàn cảnh chiến khu lúc này rất khó khăn. Kháng chiến còn dài, chắc chắn sẽ còn gian khổ, thiếu thốn nhiều hơn nữa. Các em còn nhỏ quá, khó lòng chịu nổi. Nếu em nào muốn trở về với gia đình thì trung đoàn sẽ cho về.

Các em thấy thế nào?

Trước ý kiến đột ngột của người chỉ huy, toàn đội lặng đi vì sửng sốt. Tự nhiên, một nỗi xúc động dâng trào khiến ai cũng thấy cổ họng mình nghẹn lại. Tôi bước đến gần đống lửa, xin được nói lên ý kiến của mình:

- Xin cấp trên cho em ở lại. Em thà chết trên chiến khu còn hơn về thành phố sống chung với lũ giặc Tây cướp nước và tụi Việt gian bán nước!

Cả đội nhao nhao hưởng ứng:

- Đúng đấy ạ, chúng em xin ở lại!

Bạn Mừng nước mắt vòng quanh, năn nỉ:

- Thưa Trung đoàn trưởng! Chúng em còn nhỏ, chưa làm được nhiều việc thì trung đoàn cho chúng em ăn ít cũng được. Đừng bắt chúng em phải về nhà, tội chúng em lắm!

Nghe những lời van xin ngây thơ mà tha thiết muốn được chiến đấu, hi sinh cho Tổ quốc của các chiến sĩ nhỏ, trung đoàn trưởng xúc động rơi nước mắt. Ông ôm chặt bạn Mừng vào lòng và nói:

- Nếu các em quyết tâm ở lại, tôi sẽ báo cáo với Ban chỉ huy.

Một bạn trong đội không ghìm được niềm vui, liền cất tiếng hát. Cả đội đồng thanh hát vang bài ca quen thuộc của bộ đội ta:

Đoàn Vệ quốc quân một lần ra đi

Nào có mong chi đâu ngày trở về

Ra đi, ra đi bảo tồn sông núi

Ra đi, ra đi, thà chết không lui...

Tiếng hát sôi nổi bay lượn trên mặt suối, tràn qua lớp lớp cây rừng, bùng lên như ngọn lửa rực rỡ giữa đêm rừng lạnh giá, làm cho lòng người chỉ huy ấm áp hẳn lên. Ông nở nụ cười rất tươi, nhìn toàn đội thiếu nhi liên lạc với ánh mắt yêu thương và tin tưởng.

3. Cô giáo tí hon.

Má đi vắng, mấy chị em tôi rủ nhau chơi trò chơi lớp học. Tôi vuốt mái tóc rồi kẹp gọn lại, thả ống quần xuống cho ngay ngắn và lấy cái nón của má đội lên đầu. Nhớ dáng đi của cô giáo, tôi cũng bắt chước theo, cố giữ vẻ khoan thai, thong thả. Khi tôi bước vào lớp, mấy đứa em cũng làm y hệt đám học trò, đứng cả dậy, khúc khích cười chào tôi: “Chúng em chào cô ạ!”.

Tôi treo nón lên cột nhà, bẻ nhánh trâm bầu làm thước. Mấy đứa em ngồi trên chõng, chăm chú nhìn. Tôi đưa mắt qua đám “học trò” một lượt, tay nhịp nhịp nhánh trâm bầu lên tấm bảng rồi đánh vần rõ ràng từng chữ. Mấy đứa em ríu rít đánh vần theo. Cảnh lớp học thật buồn cười. Thằng Hiển ngọng líu, nói không kịp hai chị. Cái Anh hai má núng nính, ngồi gọn tròn như củ khoai, láu táu hay giành đọc trước. Cái Thanh lớn hơn nên học hành nghiêm túc nhất. Nó mở to đôi mắt hiền dịu nhìn lên bảng, vừa đánh vần, vừa mân mê mớ tóc mai.

4. Người lính dũng cảm.

Hôm qua, đám con trai lớp em chơi trò đánh trận giả trong vườn trường. Vì em bé nhất nên các bạn gọi em là chú lính nhỏ. Mục tiêu tấn công là chiếc máy bay trực thăng (tức con chuồn chuồn ngô) đậu trên cành nhãn, cách chỗ chúng em nấp không xa. Sau mấy loạt đạn (bằng đất sét vo tròn nhỏ như viên bi ve) bắn cấp tập mà vẫn không hạ được máy bay, viên tướng hạ lệnh:

- Vượt rào thép gai, bắt sống lấy nó!

Hàng rào là những cây nứa tép dựng xiên theo hình ô quả trám. Em nhìn viên thủ lĩnh, ngập ngừng hỏi:

- Chui vào à?

Thủ lĩnh vừa nghe xong liền quắc mắt quát lớn:

- Chỉ những thằng hèn mới chui!

Cả tốp hăng hái leo lên hàng rào. Em cúi người chui qua lỗ hổng ở dưới nhưng mới qua được một nửa thì hàng rào đổ ập xuống. Tướng sĩ ngã đè lên luống hoa mười giờ, còn hàng rào nữa thì đè lên người em.

Con chuồn chuồn giật mình cất cánh. Quân tướng hoảng sợ lao ra khỏi vườn. Sáng nay, vừa bước vào lớp, thầy giáo đã nghiêm giọng hỏi:

- Hôm qua, em nào phá đổ hàng rào, làm giập hoa trong vườn trường?

Thầy nhìn lướt qua một lượt và tập trung vào các học trò nam, chờ ai đó can đảm nhận lỗi. Em sợ run người, định đứng lên thú nhận tất cả thì một cú véo thật đau vào sườn nhắc em phải ngồi im.

Thầy giáo lắc đầu, vẻ buồn bã:

- Thầy mong em nào phạm lỗi sẽ sửa lại hàng rào và bồn hoa.

Thấy vậy, em ân hận lắm, thầm trách mình và các bạn là thiếu trung thực, không dám nhận lỗi.

Tan học, học sinh ùa ra khỏi lớp. Em đứng đợi viên tướng ở cửa rồi nói khẽ: “Ra vườn đi!”.

Viên tướng khoát tay phản đối: “Về thôi!”. Em nhìn thẳng vào mắt viên tướng:

- Nhưng như vậy là hèn!

Dứt lời, em quả quyết bước về phía vườn trường và nghĩ bụng mình sẽ dựng lại hàng rào, vuốt lại đám hoa mười giờ bị ngã rạp. Nếu các bạn không nhận lỗi, mình sẽ nhận. Mình không thể là một kẻ dối trá và hèn nhát.

Lúc đầu, viên tướng và đám lính cứ đứng ngây ra, sau không ai bảo ai, tất cả bước theo em về phía vườn trường.

5. Trận bóng dưới lòng đường.

Đám trẻ chúng tôi mải mê đá bóng ngay trên mặt đường. Như những con thoi, chúng tôi thoăn thoắt chuyền bóng cho nhau, chẳng để ý gì đến người và xe cộ. Một bạn dốc bóng rất nhanh về phía khung thành đối phương. Cậu ta cắm đầu chạy. Tiếng còi bấm inh ỏi và tiếng phanh xe kin kít. Như sực tỉnh, cậu ta đứng sững ngay trước mũi xe, mặt tái mét. Bực mình, bác lái xe quát ầm lên. Chúng tôi sợ hãi bỏ chạy tán loạn.

Bác lái xe gắn máy đi rồi, chúng tôi hết sợ, lại hò nhau tiếp tục ùa xuống lòng đường. Biết được chỗ yếu của đối phương, tôi quyết định chơi bóng bổng. Còn cách khung thành chừng năm mét, tôi có chân sút rất mạnh. Quả bóng bay vút lên nhưng lại chệch về phía vỉa hè và đập vào mặt một cụ già đang đi bộ. Cụ lảo đảo ôm lấy đầu. Một bác đứng tuổi vội đỡ lấy cụ rồi quay sang quát lớn:

- Chỗ này là chỗ chơi bóng à? Mấy đứa có biết đã gây ra chuyện gì không?

Hoảng quá, chúng tôi bỏ chạy. Nấp sau một gốc cây, tôi len lén nhìn sang xem sự thể thế nào. Bác vừa xuýt xoa vừa lau vết máu trên mặt ông cụ. Một chiếc xích lô ghé tới. Bác dìu ông cụ lên xe và bực bội càu nhàu:

- Lũ trẻ thật là quá quắt! Ai lại đi đá bóng dưới lòng đường như thế chứ!

Tôi sợ run cả người và chợt thấy cái lưng còng của ông cụ sao giống lưng ông nội tôi thế! Tôi vừa chạy theo xích lô vừa mếu máo

- Cụ ơi...! Cháu xin lỗi cụ! Cháu hứa sẽ không bao giờ đá bóng dưới lòng đường nữa! Cụ tha lỗi cho cháu nhé, cụ ơi!

6. Chị em tôi.

Tôi vốn ham chơi hơn ham học nên thường nói dối ba để được đi chơi. Một hôm, tôi dắt chiếc xe đạp ra cửa rồi lễ phép chào ba:

- Thưa ba, con đi học nhóm ạ!

Ba tôi mỉm cười, ân cần bảo:

- Ừ! Nhớ học xong, về nhà ngay con nhé!

Thế là tôi vù đến rạp chiếu bóng. Mấy cô bạn thân đã chờ sẵn ở đó. Chúng tôi mua vé vào xem phim Chúa tể rừng xanh.

Đang mải mê theo dõi thì chợt có ai đó lướt ngang qua, quệt nhẹ vào vai tôi. Tôi ngước nhìn và nhận ra đó chính là em gái mình. Rõ ràng lúc nãy nó xin phép ba đến trường tập văn nghệ cơ mà? Hừ! Con bé này ghê thật! Bực mình, tôi bỏ về trước sự ngạc nhiên của đám bạn.
Tôi về đến nhà được một lúc thì em tôi cũng về. Không kìm được tức giận, tôi liền mắng nó là dám nói dối ba. Tưởng nó sợ, ai dè nó thủng thẳng đáp:

- Em đi tập văn nghệ.

- Mày tập văn nghệ ở rạp chiếu bóng à? Tôi hét lên.

Nó vẫn giả bộ ngây thơ:

- Ủa? Sao chị biết? Sáng nay, chị đi học nhóm cơ mà?

Tôi sững sờ, đứng chết trên, chờ đợi cơn giận dữ của ba. Nhưng ba tôi chỉ buồn rầu bảo:

- Các con ráng bảo ban nhau mà học hành cho nên người.

Từ đó, tôi tự hứa với mình là không bao giờ nói dối nữa. Tôi bỏ hẳn những trò chơi vô bổ, cố gắng học hành chăm chỉ và kèm cặp thêm cho em. Kết quả học tập của chị em tôi khá lên trông thấy.

Thỉnh thoảng nhắc lại chuyện cũ, hai chị em lại phá lên cười. Em tôi quả là thông minh. Nó đã dùng mưu kế để đưa tôi vào bẫy một cách nhẹ nhàng, khiến tôi tỉnh ngộ. Đúng là: Đường đi hay tối, nói dối hay cùng, phải không các bạn.

7. Thưa chuyện với mẹ.

Sau trận ốm nặng kéo dài của thầy tôi, cảnh nhà tôi vốn đã nghèo khó giờ lại càng thêm nghèo khó. Một mình mẹ tôi phải lo toan vất vả, đầu tắt mặt tối kiếm tiền nuôi đàn con đông đúc. Tôi thương mẹ lắm!

Từ ngày nghỉ học, tôi đâm ra nhớ cái lò rèn đầu làng. Một hôm, tôi đánh bạo thưa với mẹ:

- Mẹ ơi! Mẹ nói với thầy cho phép con đi học nghề rèn.

Tôi biết là mẹ đã nghe rõ lời tôi nói nhưng mẹ vẫn hỏi lại:

- Con vừa bảo gì cơ?

Tôi nhắc lại:

- Con nhờ mẹ xin với thầy cho con đi học nghề thợ rèn ạ!

Mẹ ngạc nhiên hỏi:

- Ai xui dạy con thế?

Tôi cắt nghĩa cho mẹ hiểu:

- Thưa mẹ, đó là tự ý con muốn vậy chứ chẳng phải ai xui. Con thương mẹ vất vả nuôi các em, lại phải nuôi cả con nữa. Con muốn học lấy một nghề để kiếm sống.

Mẹ tôi lấy tay áo lau nước mắt. Chừng như hiểu ý tôi, mẹ cảm động xoa đầu tôi, ngậm ngùi bảo:

- Con muốn giúp mẹ như thế là tốt, nhưng chẳng biết thầy có chịu nghe không? Nhà ta mấy đời dòng dõi quan sang, nay chẳng may sa sút mới phải chịu thế này. Không lẽ thầy mẹ lại để con phải làm đầy tớ cho ông thợ rèn.

Nghe mẹ nói, tôi thấy nghèn nghẹn ở cổ. Tôi nắm lấy tay mẹ, tha thiết giãi bày:

- Mẹ ơi! Ở đời ai cũng phải có một nghề trong tay. Làm ruộng hay buôn bán; làm thầy hay làm thợ đều đáng trọng như nhau. Chỉ có những kẻ lười biếng, ăn bám và trộm cắp mới đáng coi thường.

Mẹ gật đầu khen:

- Nghĩ được như thế là con lớn rồi đấy! Từ từ mẹ sẽ lựa lời nói với thầy để thầy bằng lòng cho con đi học nghề thợ rèn.

Tôi vui lắm ! Bất giác, trước mắt tôi hiện ra hình ảnh ba người thợ rèn nhễ nhại mồ hôi mà vẫn vui vẻ làm việc bên chiếc bễ thổi phì phào, tiếng búa con, búa lớn theo nhau đập chí chát và những tàn lửa đỏ hồng bắn toé lên như đốt pháo bông.