ĐỀ BÀI: Hãy kể một việc làm tốt góp phần bảo vệ trật tự, an ninh nơi làng xóm, phố phường mà em biết hoặc được tham gia.
* Gợi ý:
+ Những việc làm thể hiện ý thức bảo vệ trật tự, an ninh:
- Tuần tra, bắt trộm, cướp.
- Giữ gìn trật tự giao thông.
- Bảo vệ cầu, đường.
- Dẫn cụ già và em nhỏ qua đường.
- Tổ chức tuyên truyền về bảo vệ trật tự, an ninh.
- Tổ chức tuyên truyền về giữ gìn an toàn giao thông.
- Thăm các đơn vị bộ đội, công an.
* Tham khảo một số đề dưới đây:
ĐỀ 1: Em hãy kể về một lần được cùng các anh chị đoàn viên thanh niên tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông.
I. DÀN Ý
1. Mở bài:
- Em tham gia vào dịp nào?
- Ở đâu?
2. Thân bài:
* Kể lại nội dung công việc:
- Điểm giao thông thường xảy ra ách tắc là do những nguyên nhân nào?
- Quang cảnh những lúc đó ra sao? Hậu quả?
- Đoàn thanh niên đã kết hợp với cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự như thế nào?
- Các em thiếu niên tham gia làm những việc gì?
- Kết quả.
3. Kết bài:
- Cảm nghĩ của em trước công việc đó.
- Nhiệm vụ của những công dân nhỏ là nâng cao ý thức tự giác chấp hành luật lệ giao thông để góp phần tạo nên nếp sống văn minh, hiện đại của thành phố.
II. BÀI LÀM
Sáng chủ nhật ngày 26 tháng 3, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh trường Tiểu học Lê Văn Tám, quận 1 đã tham gia giữ gìn trật tự giao thông cùng các chú cảnh sát và các anh chị Đoàn viên Chi đoàn phường 6, tại chốt ngã tư đường Võ Thị Sáu và đường Hai Bà Trưng.
Đây là hai con đường lớn trong nội thành nên lượng người và xe đi lại rất đông. Vào giờ cao điểm buổi trưa và buổi chiều, chỉ cần một sự cố nhỏ xảy ra là ách tắc kéo dài có khi cả tiếng đồng hồ, gây trở ngại rất lớn cho việc đi lại. Cái cảnh người và xe chen chúc trong làn khói bụi mù mịt, dưới ánh nắng trưa bỏng rát hay lúc xẩm tối đã trở nên quen thuộc hằng ngày.
Cách đây vài năm, thành phố đã sử dụng lực lượng thanh niên tình nguyện giúp cảnh sát giao thông giữ gìn trật tự nên hiện tượng kẹt xe, tắc đường đã giảm đi đáng kể. Người dân dần dần tự giác hơn trong việc chấp hành luật lệ. Tuy vậy, hiện tượng phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách ... vẫn còn và đã gây ra những tai nạn đáng tiếc.
Trường em tổ chức cho học sinh tham gia giữ gìn trật tự giao thông cũng là cách để chúng em tiếp cận với thực tế, từ đó tự rèn luyện ý thức của bản thân khi lưu thông trên đường phố. Lớp em được chia thành 4 tổ làm việc ở 4 địa điểm dọc đường Võ Thị Sáu. Mỗi tổ chia thành 2 nhóm đứng hai bên ngã tư. Chúng em được các chú công an và các anh chị thanh niên tình nguyện hướng dẫn cách phất cờ và thổi còi ra hiệu sao cho khớp với hệ thống đèn tín hiệu giao thông. Nhìn họ làm mẫu vài lần là chúng em đã bắt chước được ngay. Nhóm em gồm 5 bạn, bạn Đức là nhóm trưởng, được giao cho chiếc còi và chiếc băng đỏ có dòng chữ viết tắt TTGT (trật tự giao thông) đeo trên cánh tay. Đức thổi còi dõng dạc và dứt khoát, trông oai ra phết. Mấy đứa con gái chúng em lúc đầu bỡ ngỡ và e thẹn, sau cũng nhanh chóng hoà nhập vào không khí chung vừa nghiêm túc vừa vui vẻ. Các chú cảnh sát giao thông đứng ở vị trí của mình, không ngừng quan sát để kịp thời phát hiện và nhắc nhở những người phạm luật như vượt đèn đỏ, xe máy chở ba người hoặc những trường hợp chạy xe quá tốc độ cho phép... Tận mắt nhìn các chú làm việc mới thấy được sự vất vả, cực nhọc và càng thêm thông cảm với các chú.
Mỗi lần đèn đỏ bật lên, bạn Linh, bạn Nam lại nhanh tay phất cờ, yêu cầu mọi người dừng lại đúng vạch sơn quy định. Em còn nhớ là bạn Thanh đã dẫn một cụ già và một em bé qua đường an toàn. Cụ nắm chặt tay Thanh nói lời cảm ơn và khen Thanh biết giúp đỡ người già yếu. Bạn ấy cười thật tươi, đôi má hây hây đỏ trông thật đáng yêu!
Buổi sáng hôm ấy để lại ấn tượng khá sâu đậm trong tâm trí em. Đây cũng là dịp để chúng em nâng cao ý thức tự giác chấp hành luật lệ giao thông. Việc làm của chúng em tuy nhỏ nhưng ý nghĩa không nhỏ. Chúng em vui vì được góp phần vào phong trào giữ gìn trật tự giao thông, xây dựng nếp sống văn hoá phù hợp với cuộc sống mới hiện đại, văn minh của thành phố.
ĐỀ 2: Tuần qua, các chú công an đến trường em tổ chức tuyên truyền về phong trào bảo vệ trật tự an ninh. Em hãy kể lại buổi nói chuyện ấy.
I. DÀN Ý
1. Mở bài:
- Buổi tuyên truyền được tổ chức vào thứ mấy? Sáng hay chiều?
- Người nói là ai? Công tác ở đâu?
2. Thân bài:
* Kể lại nội dung buổi nói chuyện ấy.
- Tóm tắt vài nét về tình hình an ninh trật tự của xã hội hiện nay.
- Nhận xét về phong trào bảo vệ an ninh trật tự của địa phương.
- Nêu nhiệm vụ của công dân.
- Động viên, khuyến khích học sinh tham gia phong trào xây dựng trường học sạch đẹp, khu phố văn hoá, phường tiên tiến...
3. Kết bài:
- Buổi nói chuyện rất thú vị và bổ ích.
- Mỗi học sinh cần đóng góp sức mình vào phong trào giữ gìn trật tự an ninh của địa phương để xây dựng cuộc sống bình yên, tốt đẹp.
II. BÀI LÀM
Sáng thứ năm tuần qua, trường Tiểu học Kim Đồng phường 6, quận 10 tổ chức cho học sinh toàn trường nghe các chú công an tuyên truyền về phong trào bảo vệ an ninh trật tự xã hội.
Đúng 7 giờ, chúng em đã xếp hàng ngay ngắn theo từng lớp. Cô Hiệu trưởng trân trọng giới thiệu hai chú công an: chú Hà, thiếu tá, trưởng công an phường và chú Đức, đại úy, công an khu vực. Chúng em đón chào các chú bằng những tràng vỗ tay nồng nhiệt.
Các chú đáp lại bằng nụ cười rất dễ mến. Chú Hà sau mấy lời tự giới thiệu đã đi thẳng vào vấn đề cần trình bày. Chú nói rằng tình hình phát triển của đất nước ta trong những năm gần đây có những thành tựu rất đáng tự hào. Từ một nước nghèo, chậm phát triển, Việt Nam đã cố gắng vươn lên, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu lúa gạo, thủy hải sản và nhiều hàng hoá khác ra thị trường thế giới. Thu nhập bình quân đầu người tăng lên rõ rệt và tỉ lệ hộ đói nghèo giảm đi đáng kể. Cuộc sống của nhân dân khá lên từng ngày. Đó là nhờ đường lối lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, những vấn đề tiêu cực cũng đang nảy sinh khá phức tạp, nhất là tệ nạn trộm cướp, lừa đảo, nghiện ngập và thói ăn chơi, đua đòi lố lăng của không ít thanh thiếu niên hiện nay.
Chú Hà nhận xét tình hình an ninh trật tự của phường 6 được cấp trên đánh giá là tốt và được công nhận là địa bàn trong sạch vì tệ nạn buôn bán và sử dụng ma túy gần như đã giải quyết dứt điểm. Không còn cảnh con nghiện hút chích, vật vờ ở những nơi công cộng hoặc trong những con hẻm vắng, gây ra sự nhếch nhác khó coi và nỗi bất an cho mọi người. Phần lớn những con nghiện là thanh thiếu niên hư hỏng đã được đưa vào các trung tâm cai nghiện, vì vậy mà tình hình trộm cắp trong khu vực cũng giảm đi đáng kể.
Buổi nói chuyện thật lí thú và bổ ích. Chúng em được mở mang thêm hiểu biết về cuộc sống xung quanh. Chú Hà khẳng định là lứa tuổi học sinh Tiểu học tuy còn nhỏ nhưng vẫn có thể đóng góp cho phong trào an ninh trật tự bằng những việc làm bình thường hằng ngày như nghiêm chỉnh chấp hành nội quy trường lớp, chấp hành tốt luật lệ giao thông, tránh xa các thói hư tật xấu, đoàn kết với bạn bè, nhắc nhở nhau cùng làm việc tốt, xây dựng trường học sạch đẹp. Có như vậy cuộc sống mới ngày càng văn minh, hiện đại.
ĐỀ 3: Em đã giúp một bà cụ qua đường vào lúc đông người và nhiều xe cộ đi lại. Hãy kể lại sự việc đó.
I. DÀN Ý
1. Mở bài:
* Giới thiệu chung:
- Ngã tư đường Nguyễn Tri Phương và đường 3 tháng 2 rất đông người và xe cộ.
- Giờ cao điểm thường bị ùn tắc.
- Có lần, em đã giúp một bà cụ qua đường.
2. Thân bài:
* Kể lại sự việc đó:
- Em đi học về, đến ngã tư thì đèn đỏ bật lên.
- Một bà cụ chờ qua đường, vẻ mặt lo lắng.
- Em dắt tay bà cụ đi trên phần đường dành cho người đi bộ.
- Bà cụ cảm ơn em, khen em ngoan, biết giúp đỡ người già yếu.
3. Kết bài:
* Cảm nghĩ của em:
- Nhìn theo dáng đi chậm chạp của bà cụ, em rất thương.
- Làm được một việc tốt, dù nhỏ cũng thấy vui.
- Trong cuộc sống, nên quan tâm đến mọi người xung quanh.
II. BÀI LÀM
Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố lớn nhất và đông dân nhất nước. Vì vậy, hoạt động giao thông cũng rất phức tạp. Bình thường, các con đường tấp nập người và xe cộ giống như những dòng sông cuồn cuộn tuôn chảy ra biển lớn. Giờ cao điểm, nhiều nơi thường xảy ra ùn tắc giao thông. Vì thế nên việc đi lại khá vất vả, nhất là đối với người đi bộ. Ngày nào đi học, em cũng chứng kiến cảnh ấy ở ngã tư đường Nguyễn Tri Phương và đường 3 tháng 2 thuộc quận 10.
Trưa thứ sáu tuần trước, em về đến đây thì đèn đỏ bật lên. Mấy người vội vã băng qua phần đường dành cho người đi bộ. Có một bà cụ tay chống gậy, vẻ mặt lo lắng, chưa dám bước qua. Em đến bên bà, nhẹ nhàng nói: “Bà ơi, bà nắm lấy tay cháu, cháu sẽ dắt bà”. Bà cụ mừng rỡ: “Thế thì tốt quá! Cháu giúp bà nhé!”. Em bình tĩnh đưa bà cụ sang đến vỉa hè trước cửa Ủy ban Nhân dân Quận 10. Bà cụ bảo rằng bà vừa đến thăm đứa cháu nội bị ngã xe đạp, sai khớp chân phải nghỉ học ở nhà. Em đi cùng bà một quãng thì chia tay và không quên dặn bà đi cẩn thận. Bà cụ cười móm mém, xiết chặt tay em: “Bà cảm ơn cháu! Cháu ngoan lắm, biết giúp đỡ người già yếu! Bà sợ qua đường vì một lần đã bị cậu bé chạy xe đạp vượt đèn đỏ đụng phải. Gớm! Người ta bây giờ chạy xe cứ ào ào, gây ra bao nhiêu tai nạn. Vội gì mà vội khiếp thế cơ chứ? Hôm nay, may mà bà gặp được cháu! Thôi, cháu đi nhé!”.
Em nhìn theo mái tóc bạc và cái dáng còng còng, bước đi chậm chạp, run rẩy của bà cụ mà trong lòng trào lên tình cảm xót thương. Ôi, những người bà, người mẹ đáng kính, suốt đời chỉ biết lo cho con, cho cháu! Giúp bà cụ qua đường là một việc rất nhỏ nhưng em cũng thấy vui vui. Đúng như lời ông nội em thường nhắc nhở: “Hãy thương người như thể thương thân, cháu ạ! Đạo lí của dân tộc Việt Nam mình là như thế đấy!”.