I. Đọc kĩ bài:

- Đọc nhiều lần bài văn, nhớ kĩ nhân vật chính và các hình ảnh, chi tiết nổi bật.

- Đọc diễn cảm, thay đổi giọng đọc linh hoạt cho phù hợp với nội dung mỗi đoạn và lời của từng nhân vật.

- Chú ý các từ ngữ khó phát âm: thuần phục, sư tử, Ha-li-ma, dễ mến, gắt gỏng, làm thế nào, giúp đỡ, lông bờm, khiếp đảm, no nê, A-la, che chở, lén nhổ, lẳng lặng,...

II. Tóm tắt nội dung:

Đề cao trí thông minh, lòng kiên nhẫn và tính nết dịu dàng đã làm nên sức mạnh của người phụ nữ để bảo vệ hạnh phúc gia đình.

III. Gợi ý trả lời câu hỏi:

1. Ha-li-ma đến gặp vị giáo sĩ để làm gì? Vị giáo sĩ ra điều kiện thế nào? Vì sao nghe điều kiện của vị giáo sĩ, Ha-li-ma sợ toát mồ hôi, vừa đi vừa khóc?

- Nàng muốn vị giáo sĩ cho nàng lời khuyên: làm cách nào để chồng nàng hết cau có, gắt gỏng, gia đình trở lại hạnh phúc như trước.

- Giáo sĩ bảo nếu nàng đem được ba sợi lông bờm của một con sư tử sống về, cụ sẽ nói cho nàng biết bí quyết.

- Vì điều kiện mà vị giáo sĩ nêu ra rất khó thực hiện. Bởi vì đến gần sư tử đã khó, nhổ được ba sợi lông bờm của sư tử lại càng khó vì sư tử thấy người đến sẽ vồ ăn thịt ngay.

2. Ha-li-ma nghĩ ra cách gì để làm thân với sư tử?

Tối đến, nàng ôm một con cừu non vào rừng. Khi sư tử thấy nàng, gầm lên và nhảy bổ tới thì nàng ném con cừu xuống đất cho nó ăn thịt. Tối nào cũng được ăn món thịt cừu non ngon lành, sư tử dần đổi tính. Nó quen dần với Ha-li ma, có hôm còn nằm yên cho nàng chải bộ lông bờm sau gáy.

3. Ha-li-ma đã lấy ba sợi lông bờm của sư tử như thế nào?

Một tối, khi sư tử đã no nê, ngoan ngoãn nằm bên chân Ha-li-ma, nàng bèn cầu khấn thánh A-la che chở rồi lén nhổ ba sợi lông bờm của sư tử. Con vật giật mình, chồm dậy. Bắt gặp ánh mắt dịu hiền của nàng, sư tử cụp mắt xuống, rồi lẳng lặng bỏ đi.

4. Vì sao khi gặp ánh mắt của Ha-li-ma, con sư tử đang giận dữ bỗng “cụp mắt xuống, rồi lẳng lặng bỏ đi”?

- Vì ánh mắt dịu hiền của Ha-li-ma làm cho sư tử mềm lòng, không thể tức giận.

- Vì sư tử yêu mến Ha-li-ma nên bỏ qua khi biết nàng dám nhổ lông bờm của nó...

5. Theo vị giáo sĩ, điều gì làm nên sức mạnh của người phụ nữ?

Điều làm nên sức mạnh của người phụ nữ chính là trí thông minh, lòng kiên nhẫn và sự dịu dàng.

IV. Thực hành - Luyện tập:

1/ Đọc nhiều lần bài văn.

2/ Em kể lại nội dung bài Thuần phục sư tử theo lời của Ha-li-ma.

* Tham khảo bài viết dưới đây:

Tôi lấy chồng đã được hai năm. Trước khi cưới, anh ấy là một người dễ mến, lúc nào cũng vui vẻ. Vậy mà giờ đây, lúc nào anh ta cũng cau có, gắt gỏng. Tôi buồn lắm, đành tìm đến vị giáo sĩ già trong vùng, nhờ giúp đỡ.

Vị giáo sĩ râu tóc bạc phơ nhìn vào mắt tôi hồi lâu, rồi bảo: “Nếu con đem được ba sợi lông bờm của một con sư tử sống về đây, ta sẽ nói cho con bí quyết”.

Nghe vậy, tôi sợ toát mồ hôi. Trên đường trở về, tôi vừa đi vừa khóc và nghĩ rằng đến gần sư tử đã khó, huống hồ nhổ ba sợi lông bờm của nó lại càng không thể được vì sư tử thấy người sẽ vồ để ăn thịt ngay.

Nhưng mong muốn có được hạnh phúc đã giúp tôi tìm ra cách làm quen với chúa sơn lâm. Tối đến, tôi ôm một con cừu non và đi vào rừng. Khi thấy tôi, sư tử gầm lên một tiếng rồi nhảy bổ tới. Tôi liền ném con cừu xuống đất cho sư tử ăn.

Tối nào cũng được ăn món thịt cừu non ngon lành do tôi mang đến nên chúa sơn lâm dần dần đổi tính. Nó đã quen với tôi, có hôm còn ngoan ngoãn nằm cho tôi chải bộ lông bờm sau gáy.

Một hôm, sau khi sư tử đã no nê và nằm bên chân tôi hiền lành giống như một con mèo, tôi thầm cầu khấn thánh A-la che chở rồi lén nhổ ba sợi lông bờm của nó. Con vật giật mình, chồm dậy. Nhưng bắt gặp ánh mắt dịu hiền của tôi, nó cụp mắt xuống, rồi lẳng lặng bỏ đi.

Tôi chạy ngay tới nhà vị giáo sĩ. Ngài mỉm cười nói: “Chỉ trong ít ngày, bằng trí thông minh, lòng kiên nhẫn và tính nết dịu dàng, con đã thuần phục được một con sư tử hung dữ. Lẽ nào con không làm mềm lòng nổi một người đàn ông vốn yếu đuối hơn sư tử rất nhiều? Con đã nắm được bí quyết rồi đấy”.

Tôi hiểu được ý của vị giáo sĩ già nên vui vẻ, thong thả bước về nhà.