Câu 1. Lập dàn ý chi tiết cho một trong các đề bài sau:

a) Tả cô giáo (hoặc thầy giáo), đã từng dạy dỗ em và để lại cho em nhiều ấn tượng và tình cảm tốt đẹp.

b) Tả một người ở địa phương em sinh sống (chú công an phường, anh dân phòng, bác tổ trưởng dân phố, bà cụ bán hàng,...).

c) Tả một người em mới gặp một lần nhưng để lại cho em những ấn tượng sâu sắc.

* Tham khảo các dàn ý dưới đây:

ĐỀ 1: Tả cô giáo (hoặc thầy giáo) đã từng dạy dỗ em và để lại cho em nhiều ấn tượng và tình cảm tốt đẹp.

1. Mở bài:

* Giới thiệu chung:

- Trên chuyến xe về thăm quê, em gặp lại cô giáo dạy em năm lớp 4.

- Em nhớ lại kỉ niệm cũ về cô.

2. Thân bài:

* Kể về kỉ niệm gắn với (thầy) cô:

- Hồi còn ở quê, em đi học cùng với các bạn trong xóm.

- Lâm vẫn đi học cùng em hằng ngày.

- Hôm ấy, Lâm không đi học. Em định chiều sang nhà bạn ấy xem sao nhưng vì trời mưa rét nên ngại.

- Buổi tối em đến thăm Lâm, thấy cô giáo đang giảng bài cho bạn ấy.

- Việc làm của cô làm em xúc động.

3. Kết bài:

* Cảm nghĩ của em:

- Kỉ niệm về cô giáo còn in đậm trong tâm trí em.

- Em nhớ mãi ngôi trường làng đơn sơ nhưng ấm áp tình người.

ĐỀ 2: Tả một người ở địa phương em sinh sống (chú công an phường, anh dân phòng, bác tổ trưởng dân phố...).

1. Mở bài:

- Gia đình em thuộc tổ dân phố nào? Ở đâu?

- Tổ trưởng là ai?

2. Thân bài:

* Tả người tổ trưởng dân phố:

- Độ tuổi: Khoảng bao nhiêu tuổi? Nam, nữ?

- Hình dáng: Cao, thấp? Béo, gầy, trung bình? Có chi tiết nào đặc biệt?

- Nghề nghiệp: Làm gì? Còn đang công tác hay đã hưu trí?

- Tính nết: Sôi nổi, cởi mở hay điềm tĩnh, chín chắn? Quan hệ với bà con trong tổ dân phố ra sao? Có nhiệt tình quan tâm đến công việc chung hay không?

3. Kết bài:

- Cảm nghĩ của em về nhân vật đó như thế nào?

ĐỀ 3: Tả một người em mới gặp một lần nhưng để lại cho em những ấn tượng sâu sắc.

1. Mở bài:

- Người em gặp là ai? Ở đâu?

- Trong hoàn cảnh nào? (Trực tiếp hay gián tiếp?)

- Người đó để lại cho em ấn tượng về điều gì?

2. Thân bài:

* Tả nhân vật:

- Hình dáng: Cao, thấp? Béo, gầy? Trên thân thể hoặc gương mặt có chi tiết nào đáng chú ý nhất?

- Tính cách: Sôi nổi, cởi mở hay trầm tĩnh, chín chắn? (Thể hiện qua ngôn ngữ, cử chỉ, hành động...)

- Ấn tượng mà nhân vật này để lại cho em và mọi người từ đâu? (Hình thức, phẩm chất, tài năng, nghị lực...)

3. Kết bài:

- Cảm nghĩ của em về nhân vật ấy như thế nào? (Yêu mến, kính trọng, muốn học hỏi...)

Câu 2. Dựa theo dàn ý đã lập, trình bày miệng một đoạn văn trong bài văn (đoạn mở bài, đoạn kết bài, hoặc một đoạn của thân bài).

* Gợi ý 1. Tìm ý cho bài văn.

a) Mở bài:

- Người được em tả tên là gì, em quen hoặc biết từ khi nào?

- Người được em tả để lại cho em ấn tượng và tình cảm gì?

b) Thân bài:

+ Tả ngoại hình:

- Đặc điểm thứ nhất.

- Đặc điểm thứ hai.

- Đặc điểm thứ ba.

Chú ý: Mỗi đặc điểm thường gắn với một bộ phận của ngoại hình như khuôn mặt, mái tóc, đôi mắt, trang phục,... Các đặc điểm được tả có thể là đường nét, màu sắc, nét hấp dẫn nhất của bộ phận ngoại hình được tả. Nhiều khi, đặc điểm ngoại hình gợi ra tính tình của người được tả.

+ Tả hoạt động.

- Hoạt động thứ nhất.

- Hoạt động thứ hai.

- Hoạt động thứ ba.

Chú ý: Em có thể tả các hoạt động cụ thể của người được tả, ví dụ: Thầy, cô dạy học hoặc chăm sóc học sinh, khuyên bảo học sinh,... từ đó nói lên tính tình của người được tả. Em cũng có thể nêu. nhận xét về tính tình của người được tả và sau mỗi nhận xét, nêu những hoạt động cụ thể làm dẫn chứng. Nên chọn lời văn miêu tả sao cho thể hiện được tình cảm, cảm xúc của em.

c) Kết bài:

- Nêu ảnh hưởng tốt của người được tả đối với em, ví dụ: Cô hoặc thầy là tấm gương về lòng nhân hậu hoặc tấm gương về tinh thần học tập và làm việc tích cực để em noi theo.

- Tình cảm của em đối với người được tả, ví dụ : Em yêu quý, gắn bó với cô hoặc thầy ra sao, tự hào về cô hoặc thấy như thế nào...

- Những suy nghĩ khác của em về người được tả, ví dụ: Em mong muốn sau này sẽ trở thành người như thầy, cô mong đợi, hoặc mong ước thầy cô sẽ có nhiều học trò ngoan...