I. Đọc kĩ bài:
- Đọc nhiều lần đoạn trích, nhớ kĩ nhân vật chính và các hình ảnh, chi tiết nổi bật.
- Đọc đúng ngữ điệu các câu kể, câu hỏi, câu khiến, câu cảm, phù hợp với tính cách, tâm trạng của từng nhân vật.
- Chú ý các từ ngữ khó phát âm: Xóm Chiếu, Sài Gòn, lù mù, xếp, xong, chữ Tàu, phắc-tuya, Sa-xơ-lu Lô-ba, Phú Lãng Sa, bản xứ, đèn toạ đăng,...
II. Tóm tắt nội dung:
Đoạn trích viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi còn là một thanh niên đang trăn trở tìm đường cứu nước, cứu dân. Nội dung thể hiện tâm trạng day dứt, băn khoăn của người thanh niên Nguyễn Tất Thành trước lúc quyết định ra đi tìm con đường cách mạng giải phóng dân tộc ra khỏi ách nô lệ của thực dân Pháp.
III. Gợi ý trả lời câu hỏi:
1. Anh Lê giúp anh Thành việc gì?
Anh Lê giúp anh Thành tìm việc làm ở Sài Gòn.
2. Những câu nói nào của anh Thành cho thấy anh luôn luôn nghĩ tới dân, tới nước?
Các câu nói của anh Thành trong trích đoạn này đều trực tiếp hoặc gián tiếp cho thấy anh luôn nghĩ đến dân, đến nước:
- Chúng ta là đồng bào. Cùng máu đỏ da vàng với nhau. Nhưng... anh có khi nào nghĩ đến đồng bào không?
- Vì anh với tôi... chúng ta là công dân nước Việt...
3. Câu chuyện giữa anh Thành và anh Lê nhiều lúc không ăn nhập với nhau. Hãy tìm những chi tiết thể hiện điều đó và giải thích vì sao như vậy.
+ Anh Lê gặp anh Thành để báo tin đã xin được việc làm cho anh Thành, nhưng anh Thành lại không mấy quan tâm đến chuyện đó.
+ Anh Thành không trả lời vào câu hỏi của anh Lê, rõ nhất là ở hai lần đối thoại:
- Anh Lê hỏi: Vậy anh vào Sài Gòn này làm gì?
- Anh Thành đáp: Anh học trường Sa-xơ-lu Lô-ba... thì... ờ... anh là người nước nào?
- Anh Lê nói: Nhưng tôi chưa hiểu vì sao anh thay đổi ý kiến, không định xin việc làm ở Sài Gòn nữa.
- Anh Thành trả lời: ...vì đèn dầu ta không sáng bằng đèn hoa kì...
* Giải thích: Sở dĩ câu chuyện giữa hai người nhiều lúc không ăn nhập với nhau vì mỗi người theo đuổi một ý nghĩa khác nhau. Anh Lê chỉ nghĩ đến công ăn việc làm của bạn, đến cuộc sống hằng ngày, trong khi anh Thành luôn nghĩ đến việc cứu nước, cứu dân.
IV. Thực hành - Luyện tập:
1/ Phân vai, đọc diễn cảm đoạn kịch trên.
2/ Chuyển nội dung màn kịch Người công dân số Một ra văn xuôi.
• Tham khảo bài viết dưới đây:
Trong một ngôi nhà nhỏ ở Xóm Chiếu, Sài Gòn, dưới ánh đèn dầu lù mù, anh thanh niên tên là Thành đang hí hoáy ghi chép vào một cuốn sổ nhỏ thì anh Lê bước vào. Anh Thành ngẩng đầu, dừng tay. Anh Lê thân mật vỗ vai anh Thành và bảo: “Anh Thành này, mọi thứ tôi thu xếp xong cả rồi. Sáng mai, anh có thể đến nhận việc đấy!”. Vẻ mặt trầm ngâm, anh Thành đáp nhỏ: “Có lẽ thôi, anh ạ!”. Anh Lê nhíu đôi lông mày, vẻ ngạc nhiên hỏi lại: “Sao lại thôi? Anh chỉ cần cơm nuôi và mỗi tháng một đồng. Tôi đã đòi cho anh thêm mỗi năm hai bộ quần áo và mỗi tháng thêm năm hào. Vì tôi nói với họ là anh biết chữ Tàu, lại có thể viết phắc-tuya bằng tiếng Tây”.
Anh Thành vẫn từ tốn: “Nếu chỉ cần miếng cơm manh áo thì tôi ở Phan Thiết cũng đủ sống”. Anh Lê sốt ruột hỏi dồn: “Vậy anh vào Sài Gòn này làm gì?”. Không trả lời vào câu hỏi của bạn mà anh Thành lại hỏi: “Anh Lê này! Anh học trường Sa-xơ-lu Lô-ba... thì... ờ... anh là người nước nào?”. Bất ngờ và sửng sốt, anh Lê đáp: “Anh hỏi lạ thật! Anh là người nước nào thì tôi là người nước ấy!”.
Anh Thành chậm rãi: “Đúng! Chúng ta là đồng bào cùng máu đỏ da vàng với nhau. Nhưng anh có bao giờ nghĩ đến đồng bào không?”. Câu nói của anh Thành như đụng chạm đến điều mà anh Lê đang suy ngẫm nên anh trả lời ngay: “Sao lại không? Hôm qua ông đốc học nhắc lại nghị định của giám quốc Phú Lãng Sa tháng 5 năm 1881 về việc người bản xứ muốn vào làng Tây...”. Anh Thành nhìn thẳng vào mắt bạn: “Vào làng Tây để có tên Tây, đi lại, ăn ở, làm việc, lương bổng như Tây... Vậy anh đã làm đơn chưa?”. Anh Lê đứng phắt dậy, lắc đầu, xua tay: “Không! Không bao giờ tôi quên dòng máu chảy trong cánh tay này là của họ Lê, anh hiểu không? Nhưng tôi chưa hiểu vì sao anh thay đổi ý kiến, không định xin việc làm ở đất Sài Gòn này nữa?”.
Anh Thành xiết chặt tay bạn, sôi nổi đáp: “Anh Lê ạ! Vì ngọn đèn dầu ta không sáng bằng đèn hoa kì. Đèn hoa kì lại không sáng bằng đèn toạ đăng. Hôm qua, tôi đi xem chớp bóng lại thấy ngọn đèn điện mới thật là sáng nhất. Sáng như ban ngày mà không có mùi, không có khói”.
Không hiểu ý bạn, anh Lê hỏi: “Nhưng anh kể chuyện đó để làm gì?”. Vẫn giữ nụ cười trên môi, anh Thành đáp: “Vì anh với tôi... chúng ta là công dân nước Việt”.