Câu 1. Có thể điền dấu ngoặc kép vào những chỗ nào trong đoạn văn sau để đánh dấu lời nói trực tiếp hoặc ý nghĩ của nhân vật?

Tốt-tô-chan rất yêu quý thầy hiệu trưởng. Em mơ ước lớn lên sẽ trở thành một giáo viên của trường, làm mọi việc giúp đỡ thầy. Em nghĩ: Phải nói ngay điều này để thầy biết. Thế là, trưa ấy, sau buổi học, em chờ sẵn thấy trước phòng họp và xin gặp thầy. Thầy Hiệu trưởng vui vẻ mời em vào phòng. Ngồi đối diện với thầy và hơi nghiêng đầu mỉm cười, cô bé nói một cách chậm rãi, dịu dàng, ra vẻ người lớn: Thưa thầy, sau này lớn lên, em muốn làm nghề dạy học. Em sẽ dạy học ở trường này.

Theo Ku-rô-y-a-na-gi

Tốt-tô-chan rất yêu quý thầy hiệu trưởng. Em mơ ước lớn lên sẽ trở thành một giáo viên của trường, làm mọi việc giúp đỡ thầy. Em nghĩ: “Phải nói ngay điều này để thầy biết”. Thế là, trưa ấy, sau buổi học, em chờ sẵn thấy trước phòng họp và xin gặp thầy... Ngồi đối diện với thầy và hơi nghiêng đầu mỉm cười, cô bé nói một cách chậm rãi, dịu dàng, ra vẻ người lớn: “Thưa thầy, sau này lớn lên, em muốn làm nghề dạy học. Em sẽ dạy học ở trường này”.

- Dấu ngoặc kép đánh dấu ý nghĩ của nhân vật.

- Dấu ngoặc kép đánh dấu lời nói trực tiếp của nhân vật.

- Ý nghĩ và lời nói của Tốt-tô-chan là những câu văn trọn vẹn nên trước dấu ngoặc kép có dấu hai chấm.

Câu 2. Có thể điền dấu ngoặc kép vào những chỗ nào trong đoạn văn sau để đánh dấu những từ ngữ được dùng với ý nghĩa đặc biệt?

Lớp chúng tôi tổ chức cuộc bình chọn Người giàu có nhất. Đoạt danh hiệu trong cuộc thi này là cậu Long, bạn thân nhất của tôi. Cậu ta có cả một gia tài khổng lồ về sách các loại: sách bách khoa tri thức học sinh, từ điển tiếng Anh, sách bài tập toán và tiếng Việt, sách dạy chơi cờ vua, sách dạy tập y-ô-ga, sách dạy chơi đàn Oóc,...

Lớp chúng tôi tổ chức cuộc bình chọn “Người giàu có nhất”. Đoạt danh hiệu trong cuộc thi này là cậu Long, bạn thân nhất của tôi. Cậu ta có cả một “gia tài” khổng lồ về sách các loại: sách bách khoa tri thức học sinh, từ điển tiếng Anh, sách bài tập toán và tiếng Việt, sách dạy chơi cờ vua, sách dạy tập y-ô-ga, sách dạy chơi đàn Oóc,...

Câu 3. Viết một đoạn văn khoảng 5 câu thuật lại một phần cuộc họp của tổ em, trong đó có dùng dấu ngoặc kép để dẫn lời nói trực tiếp hoặc đánh dấu những từ ngữ có ý nghĩa đặc biệt.

Bạn Mai, tổ trưởng tổ tôi, mở đầu cuộc họp thi đua bằng một thông báo rất (1) “chát chúa”: (2) “Tuần này, nếu tổ nào không có người mắc khuyết điểm thì thầy giáo chủ nhiệm sẽ cho cả tổ cùng thầy lên Hà Nội chơi vào sáng chủ nhật tới”. Cả tổ xôn xao. Hùng (3) “phê” và Hoa (4) “bột” tái mặt vì lo mình có thể làm cả tổ mất điểm, hết cả xem xiếc thú.

- Dấu ngoặc kép (1) đánh dấu từ được dùng với ý nghĩa đặc biệt.

- Dấu ngoặc kép (2) đánh dấu lời nói trực tiếp của nhân vật (là câu trọn vẹn nên dùng kết hợp với dấu hai chấm).

- Dấu ngoặc kép (3), (4) đánh dấu từ được dùng với ý nghĩa đặc biệt.