Câu 1. Dựa theo lời kể của cô giáo (thầy giáo) và các tranh vẽ dưới đây, kể lại từng đoạn câu chuyện.

- Tranh 1: Xưa có ông quan tên là Nguyễn Khoa Đăng có tài xét xử. Một lần, có anh hàng dầu bị kẻ gian giả mù lấy cắp tiền. Anh bán dầu bắt người đó lên quan. Người này ra sức chối cãi.

- Tranh 2: Quan sai múc một chậu nước rồi bắt anh ta bỏ tiền vào chậu. Váng dầu nổi lên, kẻ cắp hết đường chối cãi. Quan nghi kẻ ăn cắp giả mù và lệnh cho lính lấy roi đánh. Chỉ sau ba roi, hắn đành mở cả hai mắt.

- Tranh 3: Trước khi ông Đăng về làm quan, vùng này là sào huyệt của bọn trộm cướp. Sau khi về làm quan, ông cho quân sĩ cải trang làm dân phu khiêng những hòm lớn bên trong giấu quân sĩ và đánh tiếng đây là những hòm vàng bạc của quan lớn sắp lên đường ra Bắc. Bọn cướp mắc mưu, hí hửng khiêng những hòm ấy về tận sào huyệt.

- Tranh 4: Quân sĩ bất ngờ bật hòm xông ra, bao vây kín xung quanh, bọn cướp đành chịu thua. Ông Đăng đưa số người này đi khai khẩn đất hoang, lập xóm ấp ở hai bên truông khiến một vùng núi rừng vắng vẻ dần dần trở nên đông đúc, yên vui.

Câu 2. Kể lại toàn bộ câu chuyện về ông Nguyễn Khoa Đăng.

* Tham khảo cách kể dưới đây:

Ngày xưa, có ông quan tên là Nguyễn Khoa Đăng nổi tiếng thông minh, chính trực, có tài xử án nên được dân chúng vô cùng mến phục.

Một lần, có anh hàng dầu gánh hàng ra chợ bán. Mải bán nên anh không biết kẻ gian đã thò tay vào bị lấy cắp tiền. Khi biết bị mất tiền, anh ta sực nhớ ra là lúc nãy có một người mù cứ quanh quẩn bên gánh dầu, đuổi mấy cũng không đi. Đoán hắn chính là kẻ cắp, anh hàng dầu bèn gửi quang gánh cho người quen rồi đi tìm hắn. Tìm được hắn nhưng hắn chối lấy chối để, bảo rằng mình mù thì biết tiền ở đâu mà lấy. Hai người xô xát với nhau. Lính bắt họ giải về công đường.

Ông Nguyễn Khoa Đăng đứng ra xét xử. Thấy người mù khăng khăng chối cãi, ông bèn hỏi hắn ta có mang theo tiền không thì hắn trả lời là có và nhận rằng đó là tiền của mình. Ông Đăng bảo cứ đưa tiền cho ông, của ai thì sẽ rõ.

Ông Đăng sai lính bưng ra một chậu nước rồi đem số tiền người mù vừa đưa thả vào chậu, Một lát sau, váng dầu nổi lên. Ông Đăng chỉ cho mọi người thấy. Kẻ gian đành cúi đầu nhận tội.

Tưởng như vụ án đã xét xử xong, không ngờ ông Đăng lại phán rằng tên ăn cắp này giả mù vì nếu mù thật thì làm sao hắn biết anh hàng dầu để tiền ở đâu. Ông sai lính đè sấp tên gian xuống đất, đánh cho mấy roi. Chỉ sau ba roi, tên ăn cắp đành mở cả hai mắt. Mọi người chứng kiến đều khâm phục mưu trí của ông.

Trong thời gian làm quan ở Quảng Trị, ông Đăng đã tiễu trừ hết bọn gian phi dọc truông nhà Hồ, vốn nổi tiếng là vùng đất dữ. Để bắt chúng, ông Đăng nghĩ ra kế làm một loạt hòm gỗ to và chắc, có lỗ thông hơi để người có thể ngồi trong đó. Ông tuyển một số võ sĩ tài giỏi, đem theo vũ khí, ngồi vào hòm rồi sai quân sĩ giả làm dân phu khiêng những chiếc hòm đó qua truông. Lại cho người tung tin là có vị quan lớn sẽ về quê ngoài Bắc mang nhiều của cải quý giá. Bọn cướp đánh hơi, nghĩ đây là cơ hội hiếm có nên phục sẵn, chờ đoàn người qua truông liền xông ra cướp và hí hửng khiêng mấy chiếc hòm về tận sào huyệt.

Về đến nơi, vừa đặt xuống thì nắp hòm đột ngột bật mở. Các võ sĩ tay lăm lắm vũ khí, nhất loạt xông ra đánh giết bọn cướp. Đang lúc hoảng hốt, chưa kịp trở tay đối phó thì bọn cướp lại bị binh lính của triều đình tấn công, đành chắp tay lạy van xin tha mạng.

Sau đó, những tên sống sót được ông Đăng đưa đi khai phá đất hoang, lập xóm ấp dọc hai bên truông. Từ đó, vùng rừng núi hoang vu dần dần trở thành xóm làng đông đúc, yên vui.

Câu 3. Theo em, mưu trí mà ông Nguyễn Khoa Đăng dùng để tìm kẻ ăn cắp và trừng trị bọn cướp đường tài tình ở chỗ nào?

Ông Nguyễn Khoa Đăng rất thông minh nên nghĩ ra cách bỏ tiền của kẻ bị tình nghi vào chậu nước để xem có váng dầu hay không, vì nếu có thì tức là đồng tiền đã qua tay anh bán dầu. Ông còn thông minh hơn nữa khi nhận xét rằng chỉ kẻ sáng mắt mới biết người bán dầu để tiền ở đâu mà lấy, cho nên ông đã lột được mặt nạ tên ăn cắp giả mù.

Mưu kế trừng trị bọn cướp đường của ông Đăng cũng rất tài tình vì vừa đánh vào lòng tham của bọn cướp, vừa làm cho chúng hoàn toàn bất ngờ, không thể tưởng tượng được rằng chính chúng đang khiêng các võ sĩ về tận sào huyệt để tiêu diệt chúng. Mưu kế này được ông Đăng tổ chức rất chu đáo, trong ngoài, trên dưới đồng thanh hô ứng: các võ sĩ xông ra đánh giết bọn cướp từ bên trong, phục binh triều đình từ bên ngoài ùn ùn kéo vào động như kiến khiến bọn cướp khiếp hãi đành chắp tay hàng phục.