Chọn một trong các đề bài sau:

1. Tả một ca sĩ đang biểu diễn.

2. Tả một nghệ sĩ hài mà em yêu thích.

3. Hãy tưởng tượng và tả lại một nhân vật trong truyện em đã đọc.

Tham khảo một số đề dưới đây:

ĐỀ 1: Tả một ca sĩ đang biểu diễn.

I. DÀN Ý

1. Mở bài:

* Giới thiệu chung:

- Em được xem biểu diễn ở đâu? Vào dịp nào?

- Em thích nhất ca sĩ nào?

2. Thân bài:

* Tả ca sĩ mà em yêu thích:

- Hình dáng, trang phục.

- Phong cách biểu diễn (nét mặt, điệu bộ...).

- Giọng hát.

- Nội dung bài hát.

- Tác động của ca sĩ đối với người nghe.

3. Kết bài:

* Cảm nghĩ của bản thân:

- Xúc động trước bài hát mà ca sĩ biểu diễn.

- Càng thêm yêu mến ca sĩ...

II. BÀI LÀM

Tối chủ nhật vừa qua, em được mẹ cho đi xem buổi biểu diễn ca nhạc tại sân khấu của Nhà văn hoá Thanh niên. Đây là buổi biểu diễn để quyên góp giúp đỡ đồng bào miền Trung đang phải chịu khổ cực, mất mát do cơn bão số 9 mới gây ra.

Có rất nhiều ca sĩ nổi tiếng tham gia chương trình này như Phương Thanh, Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, Quang Dũng, Hồng Ngọc,... nhưng em thích nhất là ca sĩ Quang Linh với bài hát Thương về miền Trung. Anh xuất hiện trên sân khấu trong bộ vét-tông sẫm màu. Quang Linh cúi đầu chào khán giả. Tiếng vỗ tay nồng nhiệt chào đón anh. Sau những lời tâm tình chia sẻ sự thông cảm nỗi xót thương trước hoạn nạn của đồng bào miền Trung, trong đó có quê hương Thừa Thiên - Huế của mình, Quang Linh cất tiếng hát. Giọng hát thiết tha, sâu lắng của anh khiến mọi người lặng đi vì xúc động. Cảnh tượng đau thương như hiện lên trước mắt. Những cơn mưa tầm tã trắng trời, những dòng sông lũ đổ về cuồn cuộn. Những xóm làng ngập trong biển nước mênh mông, những ngọn cau, ngọn tre vật vã trước cơn gió mạnh. Những đoàn người tất tả vội vàng chạy lũ, để lại sau lưng mảnh vườn, ngôi nhà thân yêu...

Tiếng hát của ca sĩ Quang Linh thổn thức, nghẹn ngào. Xung quanh em có nhiều tiếng nức nở cố kìm nén và những dòng nước mắt lăn dài trên má của các bà, các chị.

Bài hát đã kết thúc, ca sĩ Quang Linh cúi đầu chào, nói lời cảm ơn và từ biệt khán giả. Tiếng vỗ tay vang lên không ngớt. Nhiều người ào lên sân khấu tặng hoa cho anh. Quang Linh bồng một em bé độ năm, sáu tuổi lên cao và giơ bó hoa vẫy mãi. Gương mặt anh tràn ngập một niềm xúc động chân thành. Em nghĩ rằng với bài hát vừa biểu diễn, anh đã góp phần khơi dậy tình nghĩa đồng bào thắm thiết trong lòng mỗi chúng ta. Em càng thêm yêu quý ca sĩ Quang Linh - người con của miền Trung ruột thịt.

ĐỀ 2: Tả một nghệ sĩ hài mà em yêu thích.

I. DÀN Ý

1. Mở bài:

* Giới thiệu chung:

- Em được xem nghệ sĩ hài mà em yêu thích biểu diễn ở đâu? Vào dịp nào?

- Tên nghệ sĩ đó là gì?

2. Thân bài:

* Tả nghệ sĩ hài:

- Hình dáng, độ tuổi. (Chú ý đến những chi tiết nổi bật, đáng nhớ.)

- Trang phục, giọng nói...

- Phong cách diễn xuất...

- Tác động của nghệ sĩ hài đó đối với người xem như thế nào?

- Ý nghĩa vai diễn ra sao?

3. Kết bài:

* Cảm nghĩ của bản thân:

- Thích thú trước vai diễn rất thành công của nghệ sĩ đó.

- Nghệ sĩ mang lại tiếng cười thư giãn cho mọi người, đồng thời cũng góp phần làm cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp.

II. BÀI LÀM

Trong tiết mục Gặp nhau cuối tuần chiếu trên tivi vào tối thứ tư hằng tuần, em thích nhất diễn viên hài Vân Dung.

Từ gương mặt đến hình dáng, giọng nói, điệu bộ... của nghệ sĩ này đều toát lên vẻ hài hước, hóm hỉnh... rất đáng yêu. Đôi mắt tròn xoe, cái miệng hơi móm, môi trên có nốt ruồi duyên. Dáng người chị dong dỏng, giọng nói cao vút, rất hợp với những vai đanh đá, chanh chua hay đỏng đảnh. Mỗi khi chị xuất hiện trên sân khấu là khán giả reo hò vỗ tay chào đón nồng nhiệt.

Lối diễn xuất của chị Vân Dung rất thông minh, linh hoạt. Trong tiểu phẩm phụ huynh chạy cho con vào trường điểm, chị đóng vai một phụ nữ mới mang bầu được mấy tháng mà đã bắt chồng phải tìm mọi cách để đăng kí cho con vào trường Mẫu giáo điểm. Anh chồng thì mang món gà hầm đến tận nhà cô Hiệu trưởng. Chờ mãi, anh ta đói bụng quá liền ngồi bệt xuống chân cột đèn, bốc ăn gần hết. Còn chị vợ thì đi tìm mua “món quà đặc biệt” để biếu cô Hiệu trưởng. Để không “đụng hàng” với bất cứ ai, chị ta định mua một cái thớt bằng gỗ nghiến nhưng cứ kì kèo trả giá đến mấy lần nên bị gã bán thớt đánh tráo bán cho đồ giả. Gặp cô Hiệu trưởng trên đường đi chợ về, chị ta mừng quá, cứ năn nỉ bắt cô nhận “món quà đặc biệt”. Hai người giằng co, chẳng may cái thớt rơi đúng vào chân cô Hiệu trưởng. Rốt cục, người thì què, còn cái thớt giả thì vỡ làm ba mảnh.

Chị Vân Dung đã thể hiện tài năng của một nghệ sĩ hài xuất sắc, đem lại tiếng cười vui vẻ giúp khán giả thư giãn sau những ngày học tập, làm việc căng thẳng. Những vai diễn của chị đều có ý nghĩa phê phán các thói hư tật xấu đang diễn ra hằng ngày trong cuộc sống quanh ta. Người xem không chỉ cười vui mà còn suy ngẫm để sửa mình, để làm cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hon.

ĐỀ 3: Hãy tưởng tượng và tả lại một nhân vật trong truyện em đã đọc. (Ví dụ tả cô Tấm trong truyện Tấm Cám theo tưởng tượng của em.)

I. DÀN Ý

1. Mở bài:

* Giới thiệu chung:

- Ngày xưa, ở một làng nọ có cô gái mồ côi tên là Tấm, vừa xinh đẹp vừa nết na.

- Cô bị hai mẹ con mụ dì ghẻ độc ác đày đoạ, hắt hủi...

2. Thân bài:

* Tả cô Tấm:

- Tuy vất vả, cực nhọc nhưng cô Tấm vẫn duyên dáng, tươi tắn, mắt lá dăm, má hồng, môi thắm, tóc đen dài...

- Nhờ có Tiên ông giúp đỡ, cô Tấm có quần áo đẹp, hài đẹp để đi dự hội xuân.

- Cô Tấm được nhà vua chọn làm hoàng hậu và rước về cung. Trong bộ quần áo mới và đôi hài thêu, trông cô Tấm lại càng xinh đẹp.

3. Kết bài:

* Cảm nghĩ của bản thân:

- Cô Tấm ở hiền gặp lành.

- Cô xứng đáng được hưởng hạnh phúc bên nhà vua trẻ tuổi.

II. BÀI LÀM

Ngày xửa ngày xưa, ở một làng nọ có cô gái xinh đẹp, nết na tên là Tấm. Mẹ mất sớm, cha lấy vợ kế. Vợ kế đẻ được một đứa con gái đặt tên là Cám. Trái ngược với Tấm, Cám vừa xấu người vừa xấu tính.

Ít lâu sau, người cha lâm bệnh qua đời. Tấm phải ở với mụ dì ghẻ nanh nọc, độc ác. Mọi công việc lớn nhỏ trong nhà, dì ghẻ đều bắt Tấm phải làm, trong khi Cám nhởn nhơ rong chơi.

Khổ sở thế nhưng Tấm vẫn xinh đẹp, duyên dáng. Đôi mắt lá dăm long lanh. Đôi mày cong như lá liễu. Má hồng, môi thắm. Tóc đen mướt, vấn vành khăn còn thả đuôi gà chấm đến vai.

Tết đến, vua cho mở hội. Người người nô nức rủ nhau đi dự hội xuân. Được Tiên ông giúp đỡ, Tấm cũng đi dự hội. Tấm mặc bộ quần áo mới, chân đi đôi hài thêu rồi lên đường vào Kinh.

Cô thấy nhà vua cưỡi voi đến gần bên sợ hãi bỏ chạy. Lúc qua cây cầu bắc ngang hồ sen, cô đánh rơi một chiếc hài thêu. Voi không chịu đi, cứ đứng dậm chân, tung vòi, gầm vang. Nhà vua đành sai lính lội xuống hồ. Lính mang lên chiếc hài thêu đem tâu với nhà vua.

Ngắm chiếc hài xinh xắn, bất chợt nhà vua truyền lệnh nếu ai đi vừa chiếc hài này thì sẽ trở thành hoàng hậu. Đám đông xôn xao. Các bà, các chị tranh nhau xỏ thử nhưng chẳng bàn chân nào vừa. Tấm là người cuối cùng thử hài. Bàn chân Tấm đặt vào chiếc hài nhẹ nhàng, vừa vặn. Nàng đưa chiếc hài còn lại ra thì cả nhà vua và các quần thần, dân chúng đều ồ lên ngạc nhiên trước đôi hài tuyệt đẹp. Nhà vua sai lính rước Tấm lên kiệu đưa về cung. Lúc ấy, trông nàng duyên dáng lạ thường. Đôi mắt đen long lanh. Đôi má ửng hồng tựa hoa đào ngày Tết.

Cô Tấm ở hiền gặp lành, xứng đáng được hưởng hạnh phúc bên nhà vua trẻ tuổi.