I. Đọc kĩ bài:
- Đọc nhiều lần bài văn, nhớ kĩ các hình ảnh, chi tiết nổi bật.
- Đọc diễn cảm bằng giọng kể chuyện linh hoạt, khi dồn dập, náo nức, khi khoan thai, thể hiện không khí vui tươi, náo nhiệt của hội thi; niểm trân trọng, yêu mến của tác giả đối với một nét đẹp cổ truyền trong sinh hoạt văn hoá của dân tộc.
- Chú ý các từ ngữ khó phát âm: Đồng Vân, trẩy, lửa, thoăn thoắt, leo lên, bóng nhẫy, nén hương, đũa bông, giã thóc, giần sàng, uốn lượn, nồng nhiệt, lần lượt,...
II. Tóm tắt nội dung:
Lễ hội dân gian là một loại hình sinh hoạt văn hoá của dân tộc Việt được lưu giữ từ đời xưa. Mỗi lễ hội thường được bắt đầu từ một sự tích có ý nghĩa trong lịch sử dân tộc. Qua việc miêu tả lễ hội thổi cơm thi ở Đồng Vân, tác giả gửi gắm niềm yêu mến, tự hào đối với truyền thống văn hoá dân tộc.
III. Gợi ý trả lời câu hỏi:
1. Hội thổi cơm thi ở làng Đồng Vân bắt nguồn từ đâu?
Bắt nguồn từ các cuộc trẩy quân đánh giặc của người Việt cổ bên bờ sông Đáy ngày xưa.
2. Kể lại việc lấy lửa trước khi nấu cơm?
Hội thi bắt đầu bằng việc lấy lửa. Khi tiếng trống hiệu vừa dứt, bốn thanh niên của bốn đội nhanh như sóc, thoăn thoắt leo lên bốn cây chuối bôi mỡ bóng nhẫy để lấy nén hương cắm ở trên ngọn. Có người leo lên, tụt xuống, lại leo lên... Khi mang được nén hương xuống, người dự thi được phát ba que diêm để châm vào hương cho cháy thành ngọn lửa.
3. Tìm những chi tiết cho thấy thành viên của mỗi đội thổi cơm thi đều phối hợp nhịp nhàng, ăn ý với nhau.
- Người lo việc lấy lửa từ nén hương cắm trên ngọn cây chuối cao.
- Người cầm diêm châm vào nén hương cho cháy thành ngọn lửa.
- Người ngồi vót tre thành đũa bông.
- Người già thóc.
- Người giần sàng thóc đã giã thành gạo.
- Người lấy nước thổi cơm, người nấu cơm,...
* Không chỉ các thành viên trong từng đội phối hợp nhịp nhàng, ăn ý với nhau mà các đội cũng phối hợp hài hoà với nhau: “Các đội vừa thổi cơm vừa đan xen nhau uốn lượn trên sân đình” khiến cho cuộc thi thêm vui nhộn, hấp dẫn.
4. Tại sao nói việc giật giải trong cuộc thi là “niềm tự hào khó có gì sánh nổi đối với dân làng”?
- Vì đấy là bằng chứng chứng minh cho sự tài giỏi, khéo léo.
- Giải thưởng chỉ có thể trao cho những ai chứng minh được sự tài trí, khéo léo hơn người.
- Để có được giải thưởng trong lễ hội thổi cơm thi, tất cả mọi người từ các thành viên tham dự cuộc thi cho đến những người cổ vũ đều cố gắng sao cho đội của mình giành phần thắng. Giải thưởng là thành tích chung của nhiều người, là kết quả của sự nỗ lực, của tài trí và sự khéo léo, nhanh nhẹn.
* Giải thưởng của hội thổi cơm thi là phần thưởng cho đội chứng tỏ được sự khéo léo, tài trí, sự phối hợp nhịp nhàng ăn ý với nhau. Giật được giải thưởng cũng có nghĩa là chứng minh được điều đó. Vì thế, việc giật giải là “niềm tự hào khó có gì sánh nổi đối với dân làng”.
5. Qua bài văn này, tác giả gửi gắm tình cảm gì của mình đối với những nét đẹp cổ truyền trong sinh hoạt văn hoá của dân tộc?
Trân trọng và tự hào với những nét đẹp cổ truyền trong phong tục và sinh hoạt văn hoá của dân tộc...
* Miêu tả về hội thổi cơm thi ở Đồng Vân, tác giả không chỉ thể hiện sự quan sát tinh tế mà còn bộc lộ niềm trân trọng, mến yêu của mình đối với những nét đẹp cổ truyền trong sinh hoạt văn hoá của dân tộc. Tác giả đã truyền được cảm xúc đó đến người đọc.
IV. Thực hành - Luyện tập:
1/ Đọc nhiều lần bài văn.
2/ Kể lại bài Hội thổi cơm thi ở Đồng Vân theo lời của một người trẩy hội.
(Học sinh tự làm.)