I. Đọc kĩ bài:

- Đọc nhiều lần bài văn, nhớ kĩ nhân vật chính và các hình ảnh, chi tiết nổi bật.

- Đọc với giọng nhẹ nhàng, diễn cảm.

- Chú ý các từ ngữ khó phát âm: Trung Quốc, Giang Văn Minh, thảm thiết, liền, hằng năm, lễ vật, cúng giỗ, mắc mưu, Liễu Thăng, cống nạp, yết kiến, đồng trụ, ngạo mạn, Mã Viện, linh cữu,...

II. Tóm tắt nội dung:

Trí dũng song toàn là truyện kể về một nhân vật nổi tiếng trong lịch sử nước ta - danh nhân Giang Văn Minh. Ca ngợi sứ thần Giang Văn Minh trí dũng song toàn, bảo vệ được quyền lợi và danh dự của đất nước khi đi sứ nước ngoài.

III. Gợi ý trả lời câu hỏi:

1. Sứ thần Giang Văn Minh làm cách nào để vua nhà Minh bãi bỏ lệ “góp giỗ Liễu Thăng”?

Ông vờ khóc lóc, than thở là không có mặt ở nhà để cúng giỗ cụ tổ năm đời. Vua Minh phán: không ai phải giỗ người đã chết từ năm đời. Giang Văn Minh tâu luôn: “Vậy, tướng Liễu Thăng tử trận đã mấy trăm năm, sao hằng năm nhà vua vẫn bắt nước tôi cử người mang lễ vật sang cúng giỗ ?”. Vua Minh biết đã mắc mưu của ông nên phải tuyên bố bỏ lệ góp giỗ Liễu Thăng bằng tượng vàng.

2. Nhắc lại nội dung cuộc đối đáp giữa ông Giang Văn Minh với đại thần nhà Minh.

Cuộc đối đáp giữa ông Giang Văn Minh với đại thần nhà Minh thể hiện qua việc thi tài làm câu đối. Vế đối của đại thần nhà Minh tỏ ý kiêu căng, ngạo mạn, nhắc tới chuyện tướng Mã Viện đàn áp cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng: Đồng trụ đến giờ rêu vẫn mọc.

Vế đối của thám hoa Giang Văn Minh nhắc lại việc quân đội của cả ba triều đại Nam Hán, Tống, Nguyên đều thất bại thảm hại trên sông Bạch Đằng: Bạch Đằng từ trước máu còn loang.

3. Vì sao vua nhà Minh sai người ám hại ông Giang Văn Minh?

Vua Minh mắc mưu sứ thần Giang Văn Minh, buộc phải tuyên bố bỏ lệ góp giỗ Liễu Thăng nên căm ghét ông. Lại thấy Giang Văn Minh không những không chịu nhún nhường trước câu đối của đại thần trong triều, mà còn dám lấy việc quân đội cả ba triều đại Nam Hán, Tống và Nguyễn đều thảm bại trên sông Bạch Đằng để đối lại, nên tức giận, sai người ám hại Giang Văn Minh.

4. Vì sao có thể nói ông Giang Văn Minh là người trí dũng song toàn?

Sứ thần Giang Văn Minh vừa thông minh, vừa bất khuất. Giữa triều đình nhà Minh, ông biết dùng mưu trí để buộc vua nhà Minh phải bãi bỏ lệ bắt nước Việt góp giỗ Liễu Thăng. Để giữ thể diện và danh dự của đất nước, ông đã dũng cảm, không sợ chết, dám đối lại bằng một vế đối tràn đầy lòng tự hào dân tộc.

IV. Thực hành - Luyện tập:

1/ Đọc nhiều lần bài văn.

2/ Kể lại bài Trí dũng song toàn theo lời của em.

* Tham khảo bài viết dưới đây:

Mùa đông năm 1673, thám hoa Giang Văn Minh được vua Lê Thần Tông cử đi sứ Trung Quốc. Chờ rất lâu mà vẫn không được vua nhà Minh cho tiếp kiến, ông vờ khóc lóc rất thảm thiết. Vua Minh liền hạ chỉ mời ông đến hỏi cho ra lẽ.

Thám hoa vừa khóc vừa than rằng:

- Hôm nay là ngày giỗ cụ tổ năm đời của thần, nhưng thần không có mặt ở nhà để cúng giỗ. Thật là bất hiếu với tổ tiên!

Vua Minh phán:

- Không ai phải giỗ người đã chết từ năm đời. Sứ thần khóc lóc như vậy không phải lẽ!

Giang Văn Minh nghe vậy, bèn tâu:

- Vậy, tướng Liễu Thăng tử trận đã mấy trăm năm, sao hằng năm nhà vua vẫn bắt nước tôi cử người mang lễ vật sang cúng giỗ?

Biết đã mắc mưu sứ thần, vua Minh miễn cưỡng ra lệnh:

- Từ nay trở đi, nước ngươi không phải góp giỗ Liễu Thăng nữa.

Từ đó, nước ta mới thoát khỏi nạn mỗi năm cống nạp một tượng vàng để đền mạng Liễu Thăng.

Lần khác, khi Giang Văn Minh vào yết kiến, vua Minh sai một đại thần ra vế đối:

- Đồng trụ đến giờ rêu vẫn mọc.

Biết họ ngạo mạn nhắc tới chuyện viên tướng Mã Viện dẹp cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, Giang Văn Minh cứng cỏi đối lại ngay:

- Bạch Đằng từ trước máu còn loang.

Thấy sứ thần Việt Nam dám lấy việc quân đội cả ba triều đại Nam Hán, Tống và Nguyễn đều thảm bại trên sông Bạch Đằng để đối lại, vua Minh giận quá, sai người ám hại ông.

Thi hài Giang Văn Minh được đưa về nước. Vua Lê Thần Tông đến tận linh cữu ông, khóc rằng:

- Sứ thần không làm nhục mệnh vua, xứng đáng là anh hùng thiên cổ.

Điếu văn của vua Lê còn có câu: “Ai cũng sống, sống như ông, thật đáng sống. Ai cũng chết, chết như ông, chết như sống”.