Câu 1. Ghép từ công dân vào trước hoặc sau từng từ dưới đây để tạo thành những cụm từ có nghĩa:

nghĩa vụ, quyền, ý thức, bổn phận, trách nhiệm, gương mẫu, danh dự.

Ghép như sau là đúng:

- Nghĩa vụ công dân.

- Quyền công dân.

- Ý thức công dân.

- Bổn phận công dân.

- Trách nhiệm công dân.

- Công dân gương mẫu.

- Công dân danh dự.

- Danh dự công dân.

Câu 2. Tìm nghĩa ở cột A thích hợp với mỗi cụm từ ở cột B:

A B
Điều mà pháp luật hoặc xã hội công nhận cho người dân được hưởng, được làm, được đòi hỏi. Nghĩa vụ công dân
Sự hiểu biết về nghĩa vụ và quyền lợi của người dân đối với đất nước. Quyền công dân
Điều mà pháp luật hay đạo đức bắt buộc người dân phải làm đối với đất nước, đối với người khác. Ý thức công dân

* Ghép nghĩa như sau là đúng:

A B
Điều mà pháp luật hoặc xã hội công nhận cho người dân được hưởng, được làm, được đòi hỏi. Quyền công dân
Sự hiểu biết về nghĩa vụ và quyền lợi của người dân đối với đất nước. Ý thức công dân
Điều mà pháp luật hay đạo đức bắt buộc người dân phải làm đối với đất nước, đối với người khác. Nghĩa vụ công dân

Câu 3. Dựa vào nội dung câu nói của Bác Hồ: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”, em hãy viết một đoạn văn khoảng 5 câu về nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc của mỗi công dân.

* Tham khảo các đoạn văn dưới đây:

- Tổ quốc là nơi tổ tiên, ông bà, cha mẹ chúng ta sinh cơ lập nghiệp đã bao đời, là nơi ta sinh ra, lớn lên. Mỗi người dân vì vậy phải biết yêu Tổ quốc và có nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc. Câu nói của Bác Hồ khẳng định trách nhiệm của công dân Việt Nam là phải cùng nhau đoàn kết chống xâm lăng, giữ gìn đất nước để xứng đáng với tổ tiên, với các vua Hùng đã có công dựng nước.

- Dân tộc ta có truyền thống yêu nước nồng nàn. Tinh thần yêu nước tạo ra sức mạnh chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. Để xứng đáng là con cháu của các vua Hùng, mỗi người dân Việt Nam phải có ý thức và nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc. Câu nói của Bác không chỉ là lời nhắc nhở các chú bộ đội, mà là lời nhắc nhở toàn dân, trong đó có chúng em - những công dân nhỏ tuổi.