I. Đọc kĩ bài:

- Đọc nhiều lần bài văn, nhớ kĩ các hình ảnh, chi tiết nổi bật.

- Đọc diễn cảm bằng giọng thong thả, nhẹ nhàng, thể hiện niềm khâm phục, tự hào của tác giả đối với tài năng của những nghệ sĩ dân gian làng Hồ.

- Chú ý các từ ngữ khó phát âm: làng Hổ, tố nữ, lễ phố, thấm thía, nghệ sĩ, thuần phác, lành mạnh, hóm hỉnh, trồng trọt, lợn ráy, khoáy âm dương, kĩ thuật, trang trí, nền, lĩnh, chất liệu, trắng điệp, nhấp nhánh, thâm thuý,...

II. Tóm tắt nội dung:

Bài văn giới thiệu vẻ đẹp mộc mạc mà duyên dáng, đằm thắm của tranh làng Hồ. Từ đó, tác giả ca ngợi những nghệ sĩ dân gian đã tạo ra sản phẩm truyền thống đặc sắc và nhắn nhủ mọi người hãy biết quý trọng, giữ gìn những nét đẹp cổ truyền của văn hoá dân tộc.

III. Gợi ý trả lời câu hỏi:

1. Hãy kể tên một số bức tranh làng Hồ lấy đề tài trong cuộc sống hằng ngày của làng quê Việt Nam.

- Những bức tranh nổi tiếng: tranh lợn âm dương, tranh gà, tranh đám cưới chuột, tranh hứng dừa, tranh tố nữ, tranh cá chép trông trăng, tranh đánh ghen, tranh thầy đồ Cóc...

- Làng Hồ là một làng nghề truyền thống, chuyên vẽ, khắc tranh dân gian. Những nghệ sĩ dân gian làng Hồ từ bao đời nay đã kế tục và phát huy nghề truyền thống này. Thiết tha yêu mến quê hương nên tranh của họ sống động, vui tươi, gắn liền với cuộc sống hằng ngày của làng quê Việt Nam, thể hiện bản sắc văn hoá Việt Nam.

2. Kĩ thuật tạo màu của tranh làng Hồ có gì đặc biệt?

- Kĩ thuật tạo màu của tranh làng Hồ rất đặc biệt: Màu đen không pha bằng thuốc mà luyện bằng bột than của rơm bếp, cói chiếu, lá tre mùa thu... Màu trắng điệp làm bằng bột vỏ sò trộn với hồ nếp "những hạt cát trắng nhấp nhánh muôn ngàn hạt phấn”... Đó cũng là một sự sáng tạo đóng góp vào kho tàng màu sắc của hội hoạ Việt Nam.

- Sự say mê công việc, ham thích tìm tòi sáng tạo đã khiến những nghệ nhân tạo ra cho tranh làng Hồ những màu sắc độc đáo, tươi đẹp chỉ Việt Nam mới có.

3. Tìm những từ ngữ ở hai đoạn cuối thể hiện sự đánh giá của tác giả đối với tranh làng Hồ.

- Tranh lợn ráy có những khoáy âm dương: rất có duyên

- Tranh vẽ đàn gà con: tưng bừng như ca múa bên gà mái mẹ

- Kĩ thuật tranh: đã đạt tới sự trang trí tinh tế

- Màu trắng điệp: là một sự sáng tạo góp phần vào kho tàng màu sắc của dân tộc trong hội hoạ.

4. Vì sao tác giả biết ơn những người nghệ sĩ dân gian làng Hồ?

- Vì những nghệ sĩ dân gian làng Hồ đã vẽ nên nhiều bức tranh đẹp đẽ, sinh động, hóm hỉnh và vui tươi.

- Vì họ đã đem vào tranh những cảnh vật “càng ngắm càng thấy đậm đà, lành mạnh, hóm hỉnh và vui tươi”.

- Vì họ đã vẽ nên những bức tranh gần gũi với cuộc sống con người. Kĩ thuật vẽ tranh của họ đã đạt tới sự tinh tế, đặc sắc.

* Yêu mến cuộc đời và quê hương, những nghệ sĩ dân gian làng Hồ đã tạo nên nhiều bức tranh có nội dung rất sinh động, vui tươi. Kĩ thuật làm tranh làng Hồ đạt tới mức tinh tế. Các bức tranh thể hiện đậm nét bản sắc văn hoá Việt Nam. Những người tạo nên các bức tranh đó xứng đáng với tên gọi trân trọng, trìu mến là những nghệ sĩ tạo hình của nhân dân.

5. Hãy kể tên một số làng nghề truyền thống và đặc sản của làng nghề đó.

Lụa Vạn Phúc, gốm Hương Canh, rượu làng Vân, gốm Bát Tràng, tương Bần, nước mắm Vạn Vân, húng Láng, chiếu Nga Sơn, nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn, nem Lai Vung, thuốc rê Cao Lãnh, nước mắm Phú Quốc...

IV. Thực hành - Luyện tập:

1/ Đọc nhiều lần bài văn.

2/ Viết lại nội dung bài văn Tranh làng Hồ theo lời của em.

* Tham khảo bài viết dưới đây:

Làng Đông Hồ ở Bắc Ninh là một làng nghề truyền thống chuyên vẽ và khắc tranh dân gian. Từ ngày còn bé, em đã thích những bức tranh lợn, gà, chuột, ếch, tranh cây dừa, tranh tố nữ của làng Hồ bán ở chợ phiên mỗi lần Tết đến. Ngắm tranh, lòng em thấm thía một niềm biết ơn đối với những nghệ sĩ tạo hình của nhân dân. Họ đã đem vào tranh một cái nhìn thuần phác, hồn nhiên, càng ngắm càng thấy hóm hỉnh và tươi vui.

Phải yêu mến cuộc sống tha thiết thì các nghệ sĩ dân gian mới khắc hoạ được bức tranh lợn ráy có khoáy âm dương rất có duyên và những đàn gà con tung tăng, hớn hở như ca múa bên gà mái mẹ như vậy.

Kĩ thuật làm tranh của các nghệ nhân làng Hồ đã đạt tới mức tinh tế: những bộ tranh tố nữ áo tứ thân đủ màu, quần hoa chanh nền đen lĩnh, một màu đen rất Việt Nam. Màu đen không pha bằng thuốc mà luyện bằng bột than của chất liệu gợi nhắc thiết tha đến đồng quê, đất nước: chất rơm bếp, than của cói chiếu và than của lá tre mùa thu rụng lá. Cái màu trắng điệp cũng là một sự sáng tạo đóng góp vào kho tàng màu sắc trong hội hoạ. Màu trắng ấy càng ngắm càng ưa nhìn: những hạt cát của điệp trắng nhấp nhánh muôn ngàn hạt phấn làm tăng thêm vẻ sinh động cho khuôn mặt và dáng người trong tranh.

Những người tạo nên tranh làng Hồ xứng đáng với tên gọi trân trọng, trìu mến là những nghệ sĩ dân gian bởi họ đã tạo nên một sản phẩm văn hoá đặc sắc của dân tộc. Càng yêu thích những bức tranh dân gian làng Hồ, em càng quý trọng và cố gắng giữ gìn những nét đẹp văn hoá cổ truyền của dân tộc Việt Nam.