ĐỀ BÀI: Kể một câu chuyện em đã được nghe hoặc đã đọc về một nữ anh hùng hoặc một phụ nữ có tài.
Gợi ý:
1. Tìm truyện về phụ nữ:
- Truyện về những phụ nữ anh hùng: Trưng Trắc, Trưng Nhị, Triệu Thị Trinh, Bùi Thị Xuân, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Định,...
- Truyện về các nhà hoạt động xã hội, văn hoá, khoa học nổi tiếng là phụ nữ: Nguyên phi Ỷ Lan, nhà thơ Hồ Xuân Hương, nhà thơ Đoàn Thị Điểm, nữ bác học Ma-ri Quy-ri,...
- Truyện về những phụ nữ bình thường mà đảm đang, tài trí.
- Truyện về các bạn nữ thông minh, tài giỏi: Con gái (Tiếng Việt 5, tập hai), Lớp trưởng lớp tôi (Tiếng Việt 5, tập hai).
2. Lập dàn ý cho câu chuyện: Em có thể lập dàn ý để kể chuyện theo một trong hai cách sau:
a) Kể một câu chuyện cụ thể:
- Mở bài: Giới thiệu nhân vật, hoàn cảnh diễn ra câu chuyện.
- Thân bài: Nêu diễn biến của câu chuyện (cử chỉ, việc làm, lời nói và suy nghĩ của nhân vật).
- Kết bài: Nêu kết quả hành động của nhân vật hoặc cảm nghĩ của em về nhân vật.
b) Giới thiệu chân dung nhân vật:
- Mở bài: Giới thiệu chung về nhân vật.
- Thân bài: Nêu từng đặc điểm của nhân vật và lấy ví dụ minh hoạ cho mỗi đặc điểm đã nêu.
- Kết bài: Nêu cảm nghĩ về nhân vật.
3. Dựa vào dàn ý, kể thành lời. Khi kể, cần chú ý:
- Chọn từ ngữ phù hợp với nhân vật, hoàn cảnh.
- Thể hiện bằng giọng kể tự nhiên; có thể kết hợp lời kể với điệu bộ, cử chỉ, nét mặt để lôi cuốn người nghe.
4. Trao đổi với các bạn về ý nghĩa câu chuyện.
* Tham khảo bài viết về một phụ nữ có tài hội hoạ dưới đây:
I. DÀN Ý
1. Mở bài:
- Người phụ nữ mà em định giới thiệu là ai? Ở đâu?
- Có tài về mặt nào?
2. Thân bài:
* Giới thiệu nhân vật: (Một phụ nữ có tài hội hoạ.)
- Bà là một hoạ sĩ dân gian, không học qua trường lớp đào tạo nào mà vẫn vẽ rất giỏi.
- Các bức tranh vẽ về phong cảnh, thể hiện tình yêu quê hương tha thiết.
- Tuy tuổi cao nhưng bà vẫn say mê vẽ và truyền nghề cho thế hệ trẻ.
3. Kết bài:
- Em vinh dự được là một “học trò” nhỏ của “nữ hoạ sĩ” già.
- Dân làng tự hào về người phụ nữ nông dân tài hoa hiếm có.
II. BÀI LÀM
Cổ Đô quê em nổi tiếng là một xã có rất nhiều hoạ sĩ. Không biết có phải là do truyền thống từ đời này sang đời khác, hay do phong cảnh núi sông đẹp đẽ đã trở thành nguồn cảm xúc mạnh mẽ thúc đẩy dân làng cầm bút vẽ, để ghi lại hình ảnh tuyệt vời của quê hương yêu dấu.
Trong số “họa sĩ” ấy, em phục nhất là bà cụ Sa. Bà vẽ rất giỏi, mặc dù chưa từng học qua trường dạy vẽ nào. Bà kể lại rằng bà mê vẽ từ hồi còn nhỏ. Dành dụm được bao nhiêu tiền, bà đều dùng để mua bút lông và màu. Các bức tranh màu nước của bà treo đầy căn nhà ngói ba gian, hai chái. Khách đến xem không chỉ là người làng mà cả khách từ phương xa tới. Xem tranh của bà, em thấy khung cảnh quê hương mình mới đẹp làm sao! Đây là dãy núi Ba Vì (Tản Viên) hùng vĩ gắn liền với truyền thuyết Sơn Tinh - Thuỷ Tinh sừng sững in bóng trên nền trời xanh bồng bềnh mây trắng. Kia là Ngã Ba Hạc mênh mông sóng vỗ, mặt nước lấp lánh như dát vàng dưới ánh nắng chói chang mùa hạ. Rồi cảnh đồng quê buổi hoàng hôn, làn khói bếp hoà cùng màn sương bao phủ luỹ tre, mái đình cổ kính và những mái nhà nhấp nhô in đậm dấu thời gian. Cây đa mấy trăm năm tuổi; bến đò ngang đợi khách sang sông; cô gái ngồi dệt lụa; đàn trâu thong dong về làng trong chiều muộn; đêm Trung thu trẻ con rước đèn bày cỗ trông trăng... Những cảnh vật giản dị, quen thuộc của quê hương đều được bà cụ Sa đưa vào tranh và ngòi bút tài hoa của bà khiến chúng trở nên đẹp đẽ lạ thường.
Năm nay, bà cụ Sa đã ngoài bảy mươi tuổi nhưng niềm say mê vẽ vẫn còn mãnh liệt. Bà tổ chức lớp dạy vẽ tại nhà. Ai thích học vẽ, bà cụ đều tận tâm chỉ bảo. Em là một học trò nhỏ của bà cụ. Dân làng em rất tự hào với “nữ hoạ sĩ” lão thành của quê hương. Bà cụ Sa quả là người phụ nữ nông dân tài hoa hiếm có.