I. Đọc kĩ bài:
- Đọc nhiều lần bài thơ, nhớ kĩ các hình ảnh, chi tiết nổi bật.
- Đọc diễn cảm bài thơ bằng giọng tha thiết, tự hào.
- Chú ý các từ ngữ khó phát âm: năm xưa, hương cốm, chớm lạnh, xao xác, ngoảnh lại, nắng, phấp phới, rừng, bát ngát, phù sa, rì rầm,...
II. Tóm tắt nội dung:
Bài thơ thể hiện niềm tự hào to lớn và tình yêu tha thiết của tác giả đối với đất nước, với truyền thống hào hùng của dân tộc.
III. Gợi ý trả lời câu hỏi:
1. “Những ngày thu đã xa” được tả trong hai khổ thơ đầu đẹp mà buồn. Em hãy tìm những từ ngữ nói lên điều đó.
- Đẹp: sáng mát trong, gió thổi mùa thu hương cốm mới.
- Buồn: sáng chớm lạnh, những phố dài xao xác hơi may, thềm nắng lá rơi đầy, người ra đi đầu không ngoảnh lại.
Đây là những câu thơ viết về mùa thu Hà Nội năm xưa - vào thời điểm mà những người con của Thủ đô từ biệt Hà Nội - Thăng Long - Đông Đô lên chiến khu Việt Bắc, bắt đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
2. Cảnh đất nước trong mùa thu mới được tả trong khổ thơ thứ ba đẹp như thế nào?
- Đẹp: Gió thổi rừng tre phấp phới; trời thu thay áo mới, trời thu trong biếc...
- Vui: rừng tre phấp phới, trong biếc nói cười thiết tha.
Tác giả đã sử dụng biện pháp nhân hoá - khiến cho trời cũng như thay áo mới, cũng nói cười như con người - để thể hiện niềm vui phơi phới, rộn ràng của thiên nhiên, đất trời trong mùa thu thắng lợi của cuộc kháng chiến.
3. Lòng tự hào về đất nước tự do và về truyền thống bất khuất của dân tộc được thể hiện qua những từ ngữ, hình ảnh nào trong hai khổ thơ cuối?
- Lòng tự hào về đất nước tự do được thể hiện qua những từ ngữ được lặp lại: Trời xanh đây... núi rừng đây... của chúng ta... của chúng ta... Các từ ngữ được lặp đi lặp lại có tác dụng nêu bật niềm tự hào, niềm hạnh phúc về đất nước tự do, độc lập giờ đây đã thuộc về chúng ta. Hình ảnh: Những cánh đồng thơm mát, Những ngả đường bát ngát, Những dòng sông đỏ nặng phù sa được miêu tả theo cách liệt kê như vẽ ra trước mắt người đọc khung cảnh đất nước bao la, tươi đẹp.
- Lòng tự hào về truyền thống bất khuất của dân tộc được thể hiện qua những từ ngữ: Nước của những người chưa bao giờ khuất (những người dùng cảm, chưa bao giờ biết khuất phục, những người chưa bao giờ mất, những người sống mãi với thời gian); qua hình ảnh: Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất. Những buổi ngày xưa vọng nói về (tiếng của ông cha từ nghìn năm lịch sử vọng về nhắn nhủ cháu con...)
IV. Thực hành - Luyện tập:
1/ Học thuộc lòng bài thơ.
2/ Chuyển nội dung bài thơ Đất nước thành một bài văn ghi lại suy nghĩ và cảm xúc của tác giả.
* Tham khảo bài viết dưới đây:
Sớm nay là một buổi sớm mùa thu mát trong như sáng năm xưa. Cơn gió từ phương xa thổi tới thoang thoảng hương cốm mới khiến lòng người ngây ngất. Tôi chợt nhớ về những ngày thu đã xa, làn sương giăng mờ mờ như khói trên những hàng cây, mái nhà nhấp nhô. Gió thu se lạnh, cuốn theo những chiếc lá vàng rơi lao xao dọc những con phố nhỏ. Chúng tôi rời Thủ đô thân yêu để lên đường kháng chiến, bỏ lại sau lưng những thềm nắng lá rơi đầy.
Mùa thu nay đã hoàn toàn khác trước. Tôi đứng đây, giữa chiến khu Việt Bắc, vui nghe những âm thanh vang vọng khắp núi đồi. Gió thổi rừng tre phấp phởi. Bầu trời mùa thu xanh biếc một màu xanh hi vọng. Quanh tôi, rộn rã tiếng nói, tiếng cười thiết tha của đồng bào, đồng chí đang chung tay quyết tâm đánh đuổi giặc thù.
Từ trong sâu thẳm hồn tôi, một tiếng nói đầy tự hào cứ ngân vang mãi: Trời xanh đây là của chúng ta. Núi rừng đây là của chúng ta. Những cánh đồng thơm mát. Những ngả đường bát ngát. Những dòng sông đỏ nặng phù sa... Vâng! Tất cả đều là của người dân đất Việt thân yêu.
Dân tộc Việt Nam với truyền thống bốn ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, chưa bao giờ khuất phục trước bất cứ kẻ thù nào. Đêm đêm, rì rầm trong tiếng đất là âm thanh của ngàn xưa vọng lại. Đó là tiếng nói của tổ tiên, ông cha khuyên nhủ, động viên các thế hệ con cháu quyết tâm bảo vệ chủ quyền độc lập tự do thiêng liêng, bảo vệ non sông gấm vóc đã tồn tại bao đời.