BÀI LUYỆN TẬP

Tập làm văn

ĐỀ BÀI: Em hãy miêu tả cô giáo (hoặc thầy giáo) của em trong một giờ học mà em nhớ nhất.

I. DÀN Ý

1. Mở bài:

* Giới thiệu chung:

- Nhân vật được tả: cô giáo em.

- Trong hoàn cảnh: đang giảng bài trên lớp.

2. Thân bài:

* Tả cô giáo:

+ Ngoại hình:

- Tuổi, vóc dáng, mái tóc, gương mặt, nước da... (Chú ý chi tiết nổi bật nhất).

- Trang phục: Cô mặc áo dài, quần trắng...

+ Tính nết:

- Giản dị, chân thành...

- Dịu dàng, tận tuỵ, yêu thương

- Gắn bó với nghề dạy học.

+ Tài năng:

- Cô dạy Văn rất hay (chứng minh cụ thể qua một bài giảng trên lớp).

- Biết khơi dậy hứng thú học tập của học sinh, lôi cuốn chúng em vào bài học.

- Giờ dạy của cô rất vui vẻ, sinh động, học sinh hiểu bài.

3. Kết bài:

* Cảm nghĩ của em:

- Chúng em rất kính mến cô.

- Mong rằng sang năm sẽ được tiếp tục học cô.

II. BÀI LÀM

Cô Thu Hiền là giáo viên của trường Tiểu học Lê Văn Tám. Nhiều năm qua, cô đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp thành phố. Lớp 5C chúng em vinh dự được cô làm chủ nhiệm.

Cô Hiền khoảng ba mươi tuổi. Dáng người thon thả, thanh mảnh. Mái tóc đen óng ả buông ngang lưng rất hợp với gương mặt thanh tú và đôi mắt lúc nào cũng ánh lên nét vui tươi.

Hôm nay, cô mặc chiếc áo màu xanh da trời với chiếc quần sa tanh trắng. Trông cô trẻ ra mấy tuổi. Đúng như cái tên, cô giản dị và rất dễ gần. Học sinh chúng em quý mến cô, coi cô như người bạn lớn, như người mẹ hiền. Có băn khoăn thắc mắc gì, cứ hỏi cô là sẽ được giải đáp đến nơi đến chốn.

Em không thể nào quên giờ học cuối buổi sáng thứ sáu tuần qua. Đó là giờ Tập đọc bài thơ Hạt gạo làng ta của Trần Đăng Khoa. Nó đã để lại trong em niềm say mê, thích thú và hứng khởi lạ thường. Cô giáo Thu Hiền mở đầu tiết dạy bằng giọng nói ngọt ngào, ấm áp quen thuộc:

- Hôm nay, chúng ta sẽ học bài thơ Hạt gạo làng ta của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Trần Đăng Khoa được mọi người mến phục gọi là “Thần đồng” vì anh biết làm thơ từ khi mới lên 7 tuổi và có những bài thơ rất hay được bạn đọc yêu thích, trong đó có bài Hạt gạo làng ta. Bài thơ sẽ giúp các em hiểu rõ hơn cuộc sống lao động và chiến đấu hào hùng của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Sau đó, cô đọc diễn cảm bài thơ. Chúng em lắng nghe để ghi nhớ và đọc theo cô. Mấy phút trôi qua trong không khí yên tĩnh lạ lùng. Em nghe rõ cả tiếng rung cánh rất khẽ của chú tò vò bên khung cửa sổ, cả tiếng chim hót trong tán lá cây bàng trước lớp. Có một điều gì đặc biệt lắm đang lan toả trong trái tim, khối óc của em. Có lẽ đó chính là cảm xúc chân thành mà cô giáo đã truyền đến mỗi học sinh qua giọng đọc của mình.

Cô phân tích hạt gạo làng ta được làm nên từ những tinh tuý của đất đai, đậm đà vị phù sa của dòng sông Kinh Thầy mềm mại như dải lụa uốn quanh những xóm thôn trù phú, xanh tươi. Hạt gạo làng ta có hương sen thơm ngát theo ngọn gió từ phía hồ sen bốn mùa nước đầy ắp, trong veo thổi tới; có lời hát ru dịu dàng của mẹ gửi gắm bao ngọt bùi, cay đắng đời người.

Hạt gạo làng ta được làm ra trong thời tiết khắc nghiệt, với những cơn bão tháng bảy tung trời chuyển đất, những cơn mưa tháng ba hoa xoan rụng đầy lối ngõ. Hạt gạo làng ta được làm ra từ nỗi vất vả của người nông dân lam lũ, chuyên cần nên có vị mặn của giọt mồ hôi thánh thót như mưa của mẹ gò lưng cấy lúa dưới cái nắng tháng sáu đổ lửa, nước ruộng nóng như đun, chết cả cả cờ, những con cua phải ngoi lên nép vào bờ cỏ.

Hạt gạo làng ta chứa đựng bao nhọc nhằn gian truân trong những năm máy bay Mĩ bắn phá miền Bắc. Bom đạn trút lên mái nhà, mái trường, bệnh viện... giết hại dân lành và trẻ thơ vô tội. Hạt gạo làng ta đã cùng những khẩu súng trên vai các anh bộ đội xẻ dọc Trường Sơn vào Nam chiến đấu. Bát cơm mùa gặt thơm lừng trong những dãy hào giao thông và những căn hầm tránh bom đạn giặc. Hạt gạo cùng các chị dân quân bảo vệ xóm làng.

Hạt gạo làng ta ngoài công sức của ông bà, cha mẹ, của các chị, các anh... còn có công của nhiều bạn nhỏ cùng tham gia chống hạn, bắt sâu cứu lúa. Các bạn ngoài giờ đến trường cũng kĩu kịt trên vai gánh phân ra đồng. Những đôi quang trành dài quết đất nối đuôi nhau dọc đường làng.

Từ mảnh đất quê hương thân yêu, hạt gạo được gửi ra tiền tuyến nuôi quân đánh giặc; gửi đi muôn phương đổi lấy hàng hoá, máy móc phục vụ con người và giúp bạn bè quốc tế. Hạt gạo tuy nhỏ bé mà ý nghĩa lớn lao biết chừng nào!

Theo từng lời giảng của cô, ý nghĩa bài thơ thấm dần vào tâm hồn của chúng em. Cảm ơn tác giả Trần Đăng Khoa đã nói thay bao người lòng biết ơn sâu sắc đối với người nông dân âm thầm dầm sương dãi nắng để làm ra hạt gạo nuôi người.

Chưa bao giờ em thấy cô Thu Hiền giảng hay đến thế và cũng chưa bao giờ em thấy mình nghe chăm chú, say mê đến thế. Giờ dạy của cô có sức hấp dẫn lạ lùng. Cô đã tạo nhiều cơ hội cho học sinh tự khám phá và tìm hiểu bài học. Điều ấy làm cho chúng em thích thú. Cô là người dẫn dắt chúng em trên con đường tìm đến với thế giới muôn màu muôn vẻ của văn chương. Chính vì vậy mà cứ đến giờ học là chúng em lại háo hức đón chờ cô.