Chọn một trong các đề bài sau:

1. Hãy kể một kỉ niệm khó quên về tình bạn.

2. Hãy kể lại một câu chuyện mà em thích nhất trong những truyện đã được học.

3. Kể lại truyện cổ tích Cây khế theo lời một nhân vật trong câu chuyện đó:

ĐỀ 1: Hãy kể một kỷ niệm khó quên về tình bạn.

* Tham khảo bài viết dưới đây:

- Yến ơi! Đi học thôi!

- Ôi! Chờ tớ với!

Ngày nào cũng vậy, Hà rủ tôi đi học. Nhà Hà ở xóm Giữa, nhà tôi ở xóm Chùa, còn ngôi trường Tiểu học Kim Đồng nằm ngay trên khu đất cao đầu làng, bốn bề là cánh đồng lúa xanh bát ngát.

Tôi với Hà chơi thân với nhau từ năm học lớp Một. Nhà Hà nghèo lắm. Bố là thương binh nặng, cụt cả hai chân trong trận tấn công giải phóng Buôn Mê Thuột. Mọi việc đồng áng dồn cả lên đôi vai mẹ. Hà rất thương mẹ nên cố gắng giúp mẹ những việc nhỏ trong nhà như chăn trâu, cắt cỏ, trông em...

Tuy hoàn cảnh gia đình khó khăn như vậy nhưng Hà vẫn học rất giỏi, nhất là môn Toán. Còn tôi, môn tôi sợ nhất cũng lại chính là môn Toán, Hà thường bảo tôi đừng ngại, có gì không hiểu thì cứ hỏi, bạn ấy sẽ giải thích cho. Trên đường đi học hoặc tan học, Hà chủ động trao đổi bài với tôi. Nhờ vậy mà kết quả môn Toán của tôi dần dần khá hơn.

Có một kỉ niệm khó quên trong tình bạn giữa tôi và Hà. Lần ấy, tôi giận Hà đến cả tuần. Sau nghĩ lại, tôi thấy là mình sai vì đã nghĩ lầm về bạn. Đầu đuôi câu chuyện như sau:

Hôm đó, cô giáo Lan cho lớp làm bài kiểm tra môn Toán. Tôi chỉ làm được một bài và nghĩ mãi mà không giải ra đáp số hai bài còn lại. Thấy Hà làm xong, tôi che miệng bảo Hà đọc để tôi chép vì thời gian đã gần hết nhưng Hà lắc đầu nói nhỏ: “Bạn hãy tự giải lấy!”. Bài làm của Hà được điểm 10, còn bài của tôi bị điểm 4. Tôi cho rằng Hà xấu bụng, không muốn giúp tôi nên giận lắm, chẳng thèm chơi với Hà nữa. Ngày ngày, Hà vẫn rủ tôi đi học nhưng tôi làm thinh không đáp. Biết Hà buồn, tôi mặc kệ.

Một tuần trôi qua như thế. Các bạn trong tổ, trong lớp cũng xì xào to nhỏ về chuyện chúng tôi giận nhau. Có bạn bênh tôi, có bạn bênh Hà. Còn tôi, suốt một tuần, tôi giận Hà, trách Hà không giúp đỡ tôi nhưng đến nay càng nghĩ càng thấy là mình sai trái. Đã lười học, ỷ lại mà còn giận Hà, để mất một người bạn tốt. Đem chuyện kể cho mẹ nghe, mẹ cũng bảo là tôi sai, phải xin lỗi Hà.

Xin lỗi khi đã biết mình có lỗi, tưởng dễ mà không dễ. Tôi phân vân mãi. Nói thế nào nhỉ?! Liệu Hà có vui lòng bỏ qua cho mình hay không? Liệu tình bạn giữa hai đứa có trở lại thân thiết như trước? Cuối cùng, tôi quyết định sẽ gặp Hà để xin lỗi.

Hôm ấy, có lẽ Hà nghĩ rằng tôi vẫn giữ thái độ lạnh lùng nên Hà đi ngang qua nhà tôi mà không gọi. Tôi vội chạy theo và nắm lấy tay Hà, Hà dừng lại, dịu dàng hỏi: “Yến hết giận mình rồi ư?!”. Tôi bối rối đáp: “Mình xin lỗi Hà! Tha thứ cho mình nhé!”. Bất chợt, Hà kéo tay tôi cùng chạy và cất tiếng cười khanh khách giòn tan. Nhìn gương mặt rạng rỡ của Hà, tôi biết Hà vẫn coi tôi là người bạn thân thiết nhất.

Các bạn thấy đấy, giờ thì tôi và Hà khăng khít như hình với bóng. Tôi học khá môn Toán là nhờ Hà tận tình giúp đỡ. Còn tôi, được bố mẹ mua cho cuốn truyện nào hay, tôi cũng cho Hà mượn. Sáng sáng, tôi vẫn háo hức chờ tiếng gọi quen thuộc của Hà; “Yến ơi! Đi học thôi!” và đáp lại bằng giọng vui vẻ: “Ơi! Chờ tới với!”.

ĐỀ 2: Hãy kể lại một câu chuyện mà em thích nhất trong những truyện đã được học.

* Tham khảo câu chuyện Lời ước dưới trăng.

Quê ngoại tôi có một phong tục đáng yêu là vào đêm rằm tháng Giêng, tất cả các cô gái tròn mười lăm tuổi trong làng đều được đến hồ Hàm Nguyệt, một hồ nước đẹp và rộng nằm trong khuôn viên chùa làng để rửa mặt bằng nước hồ và nói lên điều nguyện ước của đời mình dưới ánh trăng. Người xưa truyền lại rằng hầu hết lời nguyện ước của các cô gái sau này đều ứng nghiệm.

Năm nay, chị gái tôi đang đi học xa cũng tròn tuổi trăng rằm. Trước rằm tháng Giêng vài ngày, bà tôi đã cho gọi chị về để tham gia tục lệ linh thiêng này. Đêm thiêng liêng ấy, chị tôi đi rồi, tôi tò mò theo chị để xem. Ra đến cổng, tôi gặp chị Ngàn. Chị Ngàn trạc tuổi chị tôi. Chị Ngàn tuy bị mù từ nhỏ nhưng đẹp người đẹp nết. Mái tóc chị dài và óng mượt hiếm thấy. Lúc nào mái tóc ấy cũng thoang thoảng mùi của hoa bưởi, hoa nhài, hoa lan được chị kín đáo gài sau chiếc kẹp tóc. Chị làm bánh, làm mứt ngon nhất làng. Trông thấy chị lần bước ra đường, tôi hiểu chị cũng đi ra hồ Hàm Nguyệt như các bạn cùng trang lứa. Thương chị, tôi đến bên, dắt chị đi.

Trên đường đi, tôi hỏi chị:

- Chị Ngàn ơi, lát nữa chị định ước điều gì? Chị có thể cho em biết được không?

Chị Ngàn không trả lời tôi. Chị lặng lẽ nghĩ ngợi điều gì đó. Tôi đoán chắc chị cũng sẽ ước như bao cô gái khác là có được một cuộc sống gia đình hạnh phúc. Chị tuy mù nhưng đẹp người và chăm chỉ, khéo tay. Chị Ngàn xứng đáng được hưởng hạnh phúc.

Ánh trăng bát ngát, dịu dàng toả sáng khắp nơi. Mặt đất và mọi vật như được nhuộm một màu vàng trong trẻo. Dưới ánh trăng đẹp, tôi nhìn thấy gương mặt chị Ngàn vừa chứa đựng niềm vui thánh thiện, vừa có vẻ gì bí ẩn.

Hai chị em ra tới hồ. Dù có khá nhiều cô gái tới đây nhưng không khí nơi này vẫn tĩnh mạch và chứa đầy vẻ thiêng liêng. Tôi đưa chị Ngàn đến mép hồ. Chị quỳ xuống, rồi từ từ đưa hai lòng bàn tay xuống mặt hồ “vốc” làn nước đẫm ảnh trăng áp lên mặt. Ánh trăng lung linh hôn lên má, chảy trên tóc chị. Sau đó, chị chắp hai tay trước ngực, nén xúc động khẽ nói lời cầu nguyện linh thiêng của đời mình:

- Con ước gì... mẹ chị Yên... bác hàng xóm bên nhà con được khỏi bệnh! Nói xong, chị từ từ đứng dậy, gương mặt chị rạng rỡ hạnh phúc.

Tôi nhìn chị và ngỡ ngàng hỏi: “Cả đời người chỉ được ước một lần, sao chị lại dành điều ước tốt lành cho bác hàng xóm?”. Chị Ngàn không đáp, chỉ mỉm cười.

Tôi đưa chị Ngàn về mà tâm trạng cứ phân vân mãi. Gần đến nhà, chị Ngàn xiết chặt tay tôi, nói nhỏ:

- Em ạ, nhà chị Yên nghèo nhất làng. Năm ngoái, chị Yên tròn mười lăm tuổi. Đêm rằm tháng Giêng, mẹ chị ấy đổ bệnh nặng, chị ấy phải chăm sóc mẹ suốt đêm. Khi trăng lặn, biết mình không còn cơ hội nói lên điều ước thiêng liêng, chị ấy đã khóc như mưa. Nay mẹ chị ấy vẫn bệnh, chị ước thay cho chị Yên. Chị mồ côi mẹ nên chị hiểu nỗi bất hạnh khi không còn mẹ.

Tôi đã hiểu ra rồi. Chị Ngàn ơi, khi nào tròn mười lăm tuổi, em sẽ...

ĐỀ 3: Kể lại truyện cổ tích Cây khế theo lời một nhân vật trong câu chuyện đó:

a. Kể theo lời của người em.

* Tham khảo cách kể dưới đây:

Cha mẹ tôi sinh được hai người con trai. Anh cả tôi đã có vợ, còn tôi vẫn độc thân. Sau khi cha mẹ mất, anh cả chia cho tôi một cây khế ở góc vườn, còn toàn bộ nhà cửa, ruộng nương vào tay anh hết. Phận làm em, tôi chẳng dám cãi lời. Tôi kiếm tre lá dựng tạm túp lều nhỏ và ngày ngày đi làm thuê kiếm sống.

Đến mùa, khế chín đầy cây. Một buổi sáng, có con chim phượng hoàng từ đâu bay tới, đậu trên cành cao nhất, mổ hết trái này đến trái khác. Xót ruột, tôi than: “Chim ơi, chim ăn hết khế thì tôi lấy gì đổi gạo nuôi thân?”. Bỗng nhiên, phượng hoàng nói tiếng người: “Ăn một quả, trả cục vàng, may túi ba gang, mang đi mà đựng!”. Tôi mừng thầm và nghĩ rằng nếu phượng hoàng giữ đúng lời hứa thì cuộc đời tôi sẽ thay đổi.

Đêm hôm ấy, tôi thức để khâu chiếc túi ba gang. Đúng hẹn, sáng hôm sau, phượng hoàng đến đón, bảo tôi cưỡi lên lưng rồi bay qua biển lớn. Chim bay mãi, bay mãi rồi dừng lại ở hòn đảo giữa mênh mông sóng gió. Dưới ánh mặt trời, bạc vàng, châu báu sáng lấp lánh, hoa cả mắt. Nhớ lời chim dặn, tôi lấy vàng đầy túi ba gang rồi leo lên lưng chim, trở về nhà. Tôi chỉ giữ lại cho mình một ít đủ dùng, còn bao nhiêu đem chia đều cho bà con nghèo khổ trong vùng.

Nghe tin, anh cả tôi tìm sang. Tôi kể cho anh nghe đầu đuôi câu chuyện, chẳng giấu điều gì. Anh năn nỉ đòi đổi tất cả những gì đang có để lấy cây khế ngọt. Chiều ý anh, tôi bằng lòng.

Đến mùa khế năm sau, cây khế ra quả sai lúc lỉu. Khế chín, chim phượng hoàng lại bay đến ăn. Tiếc của, anh tôi la mắng và lấy đá ném chim. Phượng hoàng bảo: “Ăn một quả, trả cục vàng, may túi ba gang, mang đi mà đựng”. Anh cả mừng ra mặt, bảo vợ may hẳn chiếc túi dài mười hai gang.

Giữ lời hứa, phượng hoàng cõng anh trên lưng rồi bay ra biển, Vừa tới đảo thi anh đã vội vàng vơ vét vàng bạc, châu báu nhét đầy túi mười hai gang. Chưa thoả mãn, anh còn giắt xung quanh người thêm một ít nữa.

Mặt trời đã lặn, phượng hoàng sốt ruột giục anh mau trở về nhà. Lúc lâu sau, mới thấy anh lặc lè bước từng bước vì bao vàng vừa dài vừa nặng. Anh ì ạch leo lên lưng chim. Vất vả lắm chim mới loạng choạng cất cánh bay lên được.

Được một quãng, phượng hoàng bảo anh vứt bớt bạc vàng châu báu cho nhẹ, anh không nghe mà còn hối thúc phượng hoàng bay thật nhanh. Phía dưới, biển nổi sóng dữ dội. Phượng hoàng đuối sức, đôi cánh chao đảo trước cơn gió lớn. Anh cả cùng túi vàng rơi tõm xuống biển sâu.

b. Kể theo lời của người anh.

* Tham khảo cách kể dưới đây:

Sau khi cha mẹ qua đời, lấy quyền con trưởng, tôi đứng ra chia tài sản của cha mẹ để lại. Tôi lấy hết nhà cửa, ruộng nương, chỉ cho chú Út một cây khế ngọt và túp lều nhỏ ở góc vườn.

Mùa khế chín, có con chim phượng hoàng ở đâu bay tới, đậu trên cành cao, ăn hết trái này đến trái khác. Xót ruột, chú Út than: “Chim ơi, xin hãy thương ta! Chim ăn hết khế, ta lấy gì đổi gạo sống qua ngày?”. Bỗng nhiên, phượng hoàng cất tiếng: “Ăn một quả, trả cục vàng, may túi ba gang, mang đi mà đựng”. Nói xong, chim cất cánh bay đi.

Hôm sau, phượng hoàng đưa chú Út ra đảo châu báu ở tít ngoài khơi xa. Theo đúng lời chim dặn, chú ấy chỉ lấy vàng vừa đủ túi ba gang. Để lại cho mình chút ít đủ dùng, còn bao nhiêu, chú ấy đem chia cho người nghèo trong vùng.

Thấy vậy, tôi thầm nghĩ nếu cứ mỗi năm, phượng hoàng lại đưa chú ấy ra đảo châu báu một lần thì dân vùng này sẽ trở lên giàu có hết. Còn tôi, không lẽ chịu thua chú ấy hay sao? Phải tìm cách để chiếm cây khế ngọt và bắt phượng hoàng phục vụ cho mình mãi mãi. Tôi bàn với vợ. Hai vợ chồng quyết định đem tất cả những gì mình đang có để đổi lấy cây khế ngọt. Nghe tôi nói, không ngờ chú Út vui vẻ bằng lòng.

Thấm thoắt lại đến mùa khế chín, quả sai lúc lỉu, chín mọng, trông thật thích mắt. Tôi lầm rầm khấn vái, mong chim mau tới. Quả nhiên, phượng hoàng đến thật. Nó điềm nhiên mổ hết trái này đến trái khác. Tiếc của, tôi mắng nhiếc phượng hoàng rồi đuổi nó đi. Chim cũng bảo: “Ăn một quả, trả cục vàng, may túi ba gang, mang đi mà đựng”.

Suốt đêm, vợ chồng tôi thức để may cho bằng xong chiếc túi dài mười hai gang và sốt ruột chờ chim tới. Trời mới tang tảng sáng, phượng hoàng đã có mặt ở gốc khế. Nó bảo tôi trèo lên lưng rồi vỗ cánh bay ra biển lớn. Bên tai tôi, gió thổi ù ù, dưới mắt tôi, sóng xô dào dạt. Chẳng mấy chốc, chim đã đáp xuống đảo châu báu. Tôi hoa cả mắt trước vàng bạc rải đầy mặt đất, lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời. Phượng hoàng bảo tôi nhặt cho đầy túi ba gang rồi mau mau trở về.

Tôi mê mải nhặt mãi, nhặt mãi mới đây chiếc túi dài mười hai gang. Phượng hoàng đã mấy lần nhắc nhở, tôi còn cố giắt thêm một ít vào người rồi ì ạch trèo lên lưng chim. Chim phải đập cánh mấy lần mới bay lên nổi.

Về đến gần bờ, bỗng giông tố nổi lên ầm ầm. Phượng hoàng chao nghiêng đôi cánh khiến tôi cùng túi vàng rơi xuống biển. Hoảng hốt, tôi ráng hết sức bơi vào bờ. Sóng đánh giạt tôi vào bãi cát. Tôi run cầm cập vì lạnh, vì sợ hãi và tiếc số vàng bạc châu báu giờ đã nằm dưới đáy biển sâu. Từ trong thinh không, văng vẳng tiếng phượng hoàng: “Người đã thấy hậu quả của sự tham lam vô độ hay chưa? Phải chi người làm theo đúng lời ta dặn thì đâu nên nông nỗi?!”.

Tôi lê bước về nhà. Chú Út đón tôi dưới gốc cây khế ngọt. Chú ôm chầm lấy tôi và an ủi: “Thôi, anh còn sống về đến đây là may mắn lắm rồi! Từ nay, anh em mình no đói có nhau, anh nhé!”. Tôi vô cùng xấu hổ trước tấm lòng độ lượng của người em. Không biết trả lời chú ấy ra sao, tôi khẽ đưa tay lên chùi nước mắt, tự nhủ mình phải sống tử tế với mọi người, không ác và tham.

c. Kể theo lời của chim thần.

* Tham khảo cách kể dưới đây:

Ta là chim phượng hoàng, sứ giả nhà Trời. Ta thường được Trời sai xuống thế gian để giúp người lương thiện, trừng trị kẻ bất nhân.

Ở làng kia, có một gia đình nông dân tương đối khá giả, sinh được hai người con trai. Sau khi cưới vợ cho con trai lớn không lâu thì cả hai vợ chồng lần lượt qua đời. Cậy thế là con trưởng, người anh đứng ra phân chia tài sản. Hắn chiếm hết nhà cửa, ruộng nương, chỉ cho em một cây khế ngọt ở góc vườn. Vốn hiền lành, người em chấp nhận và dựng một túp lều nhỏ bên gốc khế, làm thuê làm mướn kiếm sống qua ngày.

Cây khế rất sai quả. Mùa khế chín, hương thơm toả khắp vườn. Để thử lòng người em, ta vờ thản nhiên ăn hết quả này đến quả khác. Thấy vậy, chàng trai ngửa cổ van xin: “Chim ơi! Xin chim hãy thương tôi! Chim ăn hết khế thì tôi lấy gì đổi gạo?”. Ta bảo: “Ăn một quả, trả cục vàng, may túi ba gang, mang đi mà đựng”. Ngày hôm sau, ta quay trở lại, đậu cạnh gốc khế rồi bảo chàng trai trèo lên lưng. Xoải đôi cánh rộng, ta bay qua đại dương, đưa chàng đến một hòn đảo đầy bạc vàng, châu báu.

Chỉ một lúc sau, chàng trai đã quay ra với một túi ba gang đầy vàng bạc. Ta lại cùng chàng vượt trùng khơi trở về nhà. Chàng trai chỉ giữ lại cho mình một ít để làm nhà, tậu ruộng, còn bao nhiêu đem giúp đỡ người nghèo trong vùng. Từ đấy, cuộc đời chàng thay đổi hẳn. Ngôi nhà mới của chàng người vào, kẻ ra tấp nập. Tuy vậy, chàng vẫn giữ túp lều nhỏ bên gốc cây khế ngọt.

Nghe tin, vợ chồng người anh tò mò muốn biết em mình kiếm tiền ở đâu mà nhiều như thế. Một hôm, người anh đến gặp em, hỏi cho ra lẽ. Người em thật thà kể lại đầu đuôi câu chuyện. Lòng tham nổi lên, người anh năn nỉ đổi tất cả gia tài của hắn lấy cây khế ở góc vườn.

Mùa khế năm sau, ta lại bay đến ăn khế chín. Người anh tiếc của lấy đá ném ta. Ta bảo: “Ăn một quả, trả cục vàng, may túi ba gang, mang đi mà đựng”. Đúng hẹn, ta quay lại chở hắn ra đảo và không quên dặn chỉ được lấy vàng bạc châu báu đầy túi ba gang mà thôi.

Nhưng ta chờ mãi, chờ mãi cho đến tận sẩm tối mới thấy hắn từ trong hang ì ạch đi ra với túi vàng dài đến mười hai gang quấn quanh người và các túi áo túi quần cũng nhét đầy vàng. Khó nhọc lắm ta mới cất cánh lên được. Bên dưới, biển cả nổi sóng dữ dội. Được nửa đường, giông tố ầm ầm khiến ta không thể giữ thăng bằng. Một cơn gió mạnh thổi qua, tên tham lam cùng túi vàng nặng trĩu rơi tõm xuống biển sâu.