1. Đọc bài văn sau và thực hiện yêu cầu nêu ở dưới:

CÁI ÁO CỦA BA

Tôi có một người bạn đồng hành quý báu từ ngày tôi còn là đứa bé 11 tuổi. Đó là chiếc áo sơ mi vải Tô Châu, dày mịn, màu cỏ úa.

Chiếc áo sờn vai của ba dưới bàn tay vén khéo của mẹ đã trở thành cái áo xinh xinh, trông rất oách của tôi. Những đường khâu đều đặn như khâu máy, thoáng nhìn qua khó mà biết được đấy chỉ là một cái áo may tay. Hàng khuy thẳng tắp như hàng quân trong đội duyệt binh. Cái cổ áo như hai cái lá non trông thật dễ thương. Mẹ còn may cả cái cầu vai y hệt như chiếc áo quân phục thực sự. Cái măng-sét ôm khít lấy cổ tay tôi. Khi cần, tôi có thể mở khuy và xắn tay áo lên gọn gàng. Mặc áo vào, tôi có cảm giác như vòng tay ba mạnh mẽ và yêu thương đang ôm lấy tôi, tôi như được dựa vào lồng ngực ấm áp của ba... Lúc tôi mặc đến trường, các bạn và cô giáo đều gọi tôi là “chú bộ đội". Có bạn hỏi: “Cậu có cái áo thích thật! Mua ở đâu thế?”, “Mẹ tớ may đấy!” - Tôi hãnh diện trả lời.

Ba đã hi sinh trong một lần đi tuần tra biên giới, chưa kịp thấy tôi chững chạc như một anh lính tí hon trong cái áo mẹ chữa lại từ chiếc áo quân phục cũ của ba.

Mấy chục năm đã qua, chiếc áo còn nguyên như ngày nào mặc dù cuộc sống của chúng tôi đã có nhiều thay đổi. Chiếc áo đã trở thành kỉ vật thiêng liêng của tôi và cả gia đình tôi.

Phạm Hải Lê Châu

a) Tìm các phần mở bài, thân bài, kết bài.

- Bố cục của bài văn:

- Mở bài:

Từ đầu... đến màu cỏ úa - Mở bài kiểu trực tiếp.

- Thân bài:

Từ Chiếc áo sờn vai... đến quân phục cũ của ba.

Cách thức miêu tả cái áo: tả bao quát cái áo (xinh xinh, trông rất oách) tả những bộ phận có đặc điểm cụ thể (những đường khâu, hàng khuy, cổ áo, cầu vai, măng-sét...) nêu công dụng của cái áo và tình cảm đối với cái áo (mặc áo vào, tôi có cảm giác như vòng tay ba mạnh mẽ và yêu thương đang ôm lấy tôi, tôi như được dựa vào lồng ngực ấm áp của ba ; tôi chững chạc như một anh tính tí hon).

- Kết bài: Phần còn lại - Kết bài kiểu mở rộng.

b) Tìm các hình ảnh so sánh và nhân hoá trong bài văn.

Hình ảnh so sánh: những đường khâu đều đặn như khâu máy; hàng khuy thẳng tắp như hàng quân trong đội duyệt binh; cái cổ áo như hai cái lá non; cái cầu vai y hệt như chiếc áo quân phục thực sự... xắn tay áo lên gọn gàng như một chú bộ đội; mặc áo vào, tôi có cảm giác như vòng tay ba mạnh mẽ và yêu thương đang ôm lấy tôi, tôi như được dựa vào lồng ngực ấm áp của ba; tôi chững chạc như một anh lính tí hon.

(Lưu ý: Cái áo mẹ may y hệt như cái áo quân phục thực sự không phải là hình ảnh so sánh (so sánh tu từ) mà là so sánh thông thường.)

Hình ảnh nhân hoá: người bạn đồng hành quý báu; cái măng-sét ôm lấy cổ tay tôi.

Tác giả đã quan sát cái áo tỉ mỉ từ hình dáng, đường khâu, hàng khuy, cái cổ, cái măng-sét đến cảm giác khi mặc áo cùng lời nhận xét của bạn bè xung quanh... Nhờ khả năng quan sát tinh tế, cách dùng từ ngữ miêu tả chính xác, cách sử dụng linh hoạt các biện pháp so sánh, nhân hoá, cùng tình cảm trân trọng, mến thương cái áo của người cha đã hi sinh, tác giả đã viết được một bài văn miêu tả chân thực và cảm động. Phải sống qua những năm tháng chiến tranh gian khổ, ác liệt, từng mặc bộ quần áo may lại từ quần áo cũ của cha anh thì mới cảm nhận được tình cảm của tác giả gửi gắm vào bài văn trên.

2. Em cần ghi nhớ điều gì về bài văn tả đồ vật?

- Bài văn miêu tả đồ vật có ba phần: mở bài, thân bài, kết bài. Có thể mở bài theo kiểu trực tiếp hay gián tiếp và kết bài theo kiểu không mở rộng hay mở rộng. Trong phần thân bài, trước hết, ta tả bao quát toàn bộ đồ vật, rồi đi vào tả những bộ phận có đặc điểm nổi bật.

- Muốn miêu tả một đồ vật, ta phải quan sát đồ vật theo trình tự hợp lí, bằng nhiều cách khác nhau (mắt nhìn, tai nghe, tay sờ...). Chú ý phát hiện những đặc điểm riêng phân biệt đồ vật này với những đồ vật khác.

- Có thể vận dụng các biện pháp nhân hoá, so sánh,... để giúp cho bài văn sinh động hấp dẫn hơn.

3. Viết một đoạn văn ngắn khoảng 5 câu tả hình dáng hoặc công dụng của một đồ vật gần gũi với em.

* Tham khảo bài viết Tả quyển vở của em dưới đây:

Vào năm học mới, mẹ mua cho em mười quyển vở rất đẹp. Đó là loại vở mang nhãn hiệu Vĩnh Tiến, nhiều năm nay được bình chọn là hàng Việt Nam chất lượng cao.

Em cầm một quyển vở lên ngắm nghía. Ô! Bìa của nó được làm bằng giấy dày cán láng. Mặt trước in hình chú chuột Mickey ngộ nghĩnh đeo chiếc cặp trên lưng đi học. Miệng chú cười rõ tươi. Bìa sau in bảng cửu chương để giúp chúng em làm Toán cho nhanh.

Ruột quyển vở là loại giấy tốt, trắng tinh. Các dòng kẻ nhỏ màu tím nhạt, dòng kẻ lớn tím sậm hơn một chút. Riêng lề trang vở được kẻ bằng một sọc dọc màu đỏ, là chỗ để cô giáo chấm điểm.

Từ quyển vở, mùi giấy mới, mực mới toả ra thơm thơm. Những cuốn vở này sẽ trở thành người bạn thân thiết, ngày ngày theo em tới trường. Em sẽ giữ gìn vở sạch đẹp để đến cuối năm, chúng vẫn còn như mới.