Câu 1. Dựa theo nghĩa của tiếng quyền, em hãy xếp các từ cho trong ngoặc đơn thành hai nhóm:

a) Quyền là những điều mà pháp luật hoặc xã hội công nhận cho được hưởng, được làm, được đòi hỏi.

b) Quyền là những điều do có địa vị hay chức vụ mà được làm.

(quyền hạn, quyền hành, quyền lợi, quyền lực, nhân quyền, thẩm quyền).

a) Quyền là những điều mà pháp luật hoặc xã hội công nhận cho được hưởng, được làm, được đòi hỏi. quyền lợi, nhân quyền
b) Quyền là những điều do có địa vị hay chức vụ mà được làm. quyền hạn, quyền hành,quyền lực, thẩm quyền

* Giải nghĩa:

- Quyền hạn: Quyền được xác định về nội dung, phạm vi, mức độ. (Ví dụ: Quyết định trong phạm vi quyền hạn của mình.).

- Quyền hành: Quyền định đoạt và điều hành công việc.

- Quyền lợi: Quyền được hưởng những lợi ích nào đó về vật chất, tinh thần, chính trị, xã hội.

- Quyền lực: Quyền định đoạt mọi công việc quan trọng về mặt chính trị và sức mạnh để đảm bảo thực hiện quyền ấy. (Ví dụ: Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất.)

- Nhân quyền: Những quyền căn bản của con người (tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, tự do đi lại,...).

- Thẩm quyền: Quyền xem xét để kết luận và định đoạt một vấn đề theo pháp luật. (Ví dụ: Thẩm quyền xét xử của toà án.)

Câu 2. Trong các từ cho dưới đây, những từ nào đồng nghĩa với bổn phận?

nghĩa vụ, nhiệm vụ, chức vụ, chức năng, chức trách, trách nhiệm, phận sự, địa phận.

Từ đồng nghĩa với bổn phận là nghĩa vụ, nhiệm vụ, trách nhiệm, phận sự.

* Giải nghĩa:

- Nghĩa vụ: Việc mà pháp luật hay đạo đức bắt buộc phải làm đối với xã hội, với người khác.

- Chức vụ: Nhiệm vụ tương ứng với chức.

- Chức năng: Hoạt động, tác dụng hay đặc trưng của một cơ quan, của một người. (Ví dụ: Chức năng của da là bảo vệ cơ thể.)

- Chức trách: Trách nhiệm quy định cho mỗi chức hoặc mỗi cơ quan. (Ví dụ: Chức trách của giám đốc.)

- Phận sự: Phần việc thuộc trách nhiệm của một người. (Ví dụ: làm tròn phận sự.)

- Địa phận: Phần đất thuộc một địa phương, một nước, một đối tượng. (Ví dụ: Cánh đồng này thuộc địa phận xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm.)

Câu 3. Đọc lại Năm điều Bác Hồ dạy thiếu nhi Việt Nam và trả lời câu hỏi:

Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào

Học tập tốt, lao động tốt

Đoàn kết tốt, kỉ luật tốt

Giữ gìn vệ sinh thật tốt

Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm

a) Năm điều Bác Hồ dạy nói về quyền hay bổn phận của thiếu nhi?

Năm điều Bác Hồ dạy nói về bổn phận của thiếu nhi.

b) Lời Bác dạy thiếu nhi đã trở thành những quy định nào trong Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em mà em vừa học?

Lời Bác dạy thiếu nhi đã trở thành những quy định được nêu trong điều 21 của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Câu 4. Viết một đoạn văn ngắn khoảng 5 câu trình bày suy nghĩ của em về nhân vật Út Vịnh trong bài tập đọc em đã học ở tuần 32.

* Tham khảo đoạn văn dưới đây:

Út Vịnh tuy còn nhỏ nhưng đã có ý thức trách nhiệm của một công dân. Không những Vịnh tôn trọng quy định về an toàn giao thông mà còn thuyết phục được một bạn không chơi dại thả diều trên đường tàu. Vịnh đã nhanh trí, dũng cảm cứu sống một em nhỏ. Hành động của Vịnh thật đáng khâm phục. Chúng em cần học tập theo gương bạn Út Vịnh.