Chọn một trong các đề bài sau:

1. Miêu tả một loài hoa mà em thích.

2. Miêu tả một loại trái cây mà em thích.

3. Miêu tả một giàn cây leo.

4. Miêu tả một cây non mới trồng.

5. Miêu tả một cây cổ thụ.

* Gợi ý:

a) Mở bài:

- Giới thiệu cây, hoa hoặc quả em định tả.

- Nêu thời điểm em quan sát cây, hoa hoặc quả ấy.

b) Thân bài:

- Tả bao quát toàn bộ cái cây (hoặc hoa, quả).

- Tả từng bộ phận của cây (hoa, quả), hoặc sự thay đổi của cây (hoa, quả), theo thời gian. Chú ý thể hiện kết quả em đã quan sát được nhờ các giác quan: thị giác (nhìn), khứu giác (ngửi), xúc giác (sờ), vị giác (nếm).

- Tả cảnh vật thiên nhiên xung quanh, hoạt động của con người, chim chóc, bướm ong... liên quan đến cây (hoa, quả).

c) Kết bài: Nêu suy nghĩ hoặc tình cảm của em với cây (hoa, quả) được miêu tả.

* Tham khảo một số bài viết dưới đây:

ĐỀ 1: Miêu tả một loài hoa mà em thích. (Ví dụ: Hoa cúc)

I. DÀN Ý

1. Mở bài:

- Cây hoa cúc của ai? Được trồng ở đâu?

- Cảm tưởng đầu tiên của em về cây hoa cúc như thế nào?

2. Thân bài:

+ Tả khái quát:

- Cây hoa lớn hay nhỏ? Cao hay thấp? Dáng dấp thanh mảnh hay sum suê?

- Vẻ đẹp nổi bật của cây hoa đó là gì? (So với các cây hoa khác xung quanh nó).

+ Tả cụ thể từng bộ phận của cây hoa:

- Thân đơn hay mọc thành bụi?

- Cấu tạo của cành và lá (hình dáng, màu sắc).

- Nụ, hoa: nở vào mùa nào? (hình dáng, màu sắc, cánh, nhuỵ, hương thơm...).

3. Kết bài:

- Cảm nghĩ của em khi ngắm nhìn cây hoa đó.

II. BÀI LÀM

Ngày ngày, trên đường đến trường, em đi ngang qua vườn hoa thị xã. Vườn hoa không lớn lắm nhưng trồng nhiều loại hoa. Những bông hoa đua nhau phô sắc, toả hương dưới ánh sáng ban mai tinh khiết. Hồng nhung tươi thắm, huệ trắng mộc mạc, dịu dàng, lay-ơn đỏ kiêu hãnh bên cạnh đám hoa vi-ô-lét tím biếc yêu kiều... Mỗi hoa một vẻ đẹp khác nhau nhưng em thích nhất mấy chậu cúc đại đoá đặt trên bệ cao trước tượng đài liệt sĩ.

Vẻ đẹp của hoa cúc gắn liền với mùa thu trong sáng, dịu êm. Còn gì đẹp hơn những bông cúc vàng lộng lẫy, trên cánh đọng li ti những giọt sương đêm, đang rung rinh trước làn gió sớm!

Cúc mọc thành bụi, thân mềm, thanh mảnh. Lá cúc to cỡ ba ngón tay, xẻ thành những đường cong mềm mại, mọc so le trên thân. Khóm cúc chỉ cao độ năm sáu tấc, mọc xùm xoà tạo nên một vẻ đẹp rất tự nhiên. Đầu mỗi cành là một chùm nụ với hàng chục nụ xinh xinh giống như những cúc áo màu xanh nhạt. Dăm ba chiếc nụ hé nở với những cánh vàng e ấp.

Hoa cúc đẹp nhất là lúc vừa nở hết. Cánh hoa xoè tròn, xếp thành nhiều lớp bao quanh nhuỵ. Hoa nọ sát bên hoa kia tạo thành một mảng vàng rực nổi bật trên nền lá xanh, trông tuyệt đẹp. Nắng càng lên, sắc hoa càng lộng lẫy và hương thơm càng toả ngát. Mấy chú ong mê mải lấy phấn hoa. Trên cao, cánh bướm dập dờn đùa với những bông hoa tươi xinh như những gương mặt ngời sáng niềm vui.

Cứ đợt hoa này tàn lại có đợt hoa khác thay thế. Vì vậy, lúc nào khóm cúc cũng tràn đầy sức sống. Hoa như thầm nói với em: “Chào bạn! Chúc bạn học giỏi và yêu đời!”. Em mỉm cười thân ái: “Cảm ơn các bạn đã làm đẹp cho cuộc sống của chúng tôi!”.

ĐỀ 2: Miêu tả một loại cây ăn trái mà em thích. (Ví dụ: Cây vải thiều)

I. DÀN Ý

1. Mở bài:

* Giới thiệu chung:

- Vải thiều ở Thanh Hà, Hải Dương ngon nổi tiếng.

- Quê em có những vườn vải rộng hàng mẫu, xanh tốt sum suê...

2. Thân bài:

Tả cây vải thiều (ở thời điểm mùa quả chín):

- Tiếng chim tu hú báo hiệu mùa vải chín.

- Từ xa nhìn lại, màu quả chín đỏ bao trùm khắp vườn.

- Cây nào quả cũng nặng trĩu cành.

- Mùi vải chín thơm ngào ngạt.

* Tả quả vải:

- Quả vải tròn căng, da màu nâu đỏ. Lớp cùi dày màu trắng ngà, mọng nước, vị ngọt thơm, hạt nhỏ bằng đầu đũa.

- Vải thiều quê em giờ đây có mặt ở khắp mọi miền đất nước.

3. Kết bài:

* Cảm nghĩ của em:

- Mùa thu hoạch vải, làng em vui như hội.

- Cây vải thiều là nguồn thu nhập đáng kể của người dân.

- Cây vải thiều góp phần làm đổi mới gương mặt quê hương em.

II. BÀI LÀM

Hải Dương quê em có rất nhiều hoa thơm quả ngọt, nhưng nổi tiếng nhất vẫn là vải thiều Thanh Hà. Những vườn vải rộng hàng mẫu, những dãy vải dài cả cây số, cây nào cây nấy sum suê, nổi bật trên nền trời đồng bằng thoáng đãng.

Vào khoảng cuối tháng tư Âm lịch, từng đàn tu hú bay về đậu trong vườn vải. Tiếng chim tu hú cất lên báo hiệu mùa vải chín. Từ xa nhìn lại, một màu đỏ sẫm bao trùm khắp các tán cây, lấn lướt màu xanh của lá. Những chùm vải sai lúc lỉu, trái tròn căng, nặng trĩu cành.

Sáng sáng, em cùng bố mẹ ra thăm vườn vải. Em ưỡn căng lồng ngực hít mùi thơm ngào ngạt của vải chín toả ra trong không khí mát lành. Nắng càng lên cao, hương thơm càng nồng nàn, theo gió bay xa.

Ngày nay, nhiều địa phương trên đất nước ta đã trồng được vải thiều nhưng vải thiều ở Tiên Hưng, Thanh Hà vẫn ngon hơn cả. Trái vải tròn, da mỏng mịn màu nâu đỏ. Lớp cùi dày màu trắng ngà bọc lấy cái hạt chỉ nhỏ bằng đầu đũa. Bỏ vào miệng nhai, cùi vải giòn sần sật và vị ngọt sắc của nó thật khó quên!

Vải thiều quê em theo nhiều con đường đã có mặt khắp nơi. Người dân phương Nam và du khách nước ngoài giờ đây dễ dàng cầm trên tay chùm vải tươi rói như vừa hái ở trên cành.

Không có gì thích bằng đi chân trần trong vườn vải chín. Đất phù sa mịn. màng dưới chân và trên đầu là một vòm xanh pha hồng bát ngát, thơm tho, văng vẳng tiếng chim tu hú.

Giữa mùa hè, những ngày thu hoạch vải cũng là những ngày làng em vui như hội. Cây vải thiều đã trở thành nguồn thu nhập đáng kể, góp phần làm đổi mới gương mặt quê hương.

ĐỀ 3: Miêu tả một giàn cây leo. (Ví dụ: Giàn mướp)

I. DÀN Ý

1. Mở bài:

- Giàn mướp nhà em ở đâu? Do ai trồng?

- Em tả giàn mướp vào thời điểm nào?

2. Thân bài:

*Tả giàn mướp:

- Giàn cho mướp leo được làm bằng gì? Rộng hay hẹp? Có những bộ phận nào?

- Những cây mướp đang độ phát triển ra sao? Mới ra hoa hay đã có trái? Nhiều trái hay không? Hình dáng, màu sắc của thân, lá, hoa, trái như thế nào?

3. Kết bài:

* Lợi ích của giàn mướp và em chăm sóc giàn mướp ra sao?

- Cung cấp hoa, trái cho bữa ăn gia đình.

- Là niềm vui của mọi người.

- Em thường tỉa lá, tưới nước, bón phân, bắt sâu cho giàn mướp.

II. BÀI LÀM

Phía sau nhà em là một miếng vườn nhỏ trồng rau. Bên bờ ao, ông em bắc giàn mướp, bề dài chừng bảy tám mét, bề rộng cũng đến bốn năm mét. Những dây mướp xanh tốt đã bò lan kín mặt giàn, soi bóng xuống mặt nước trong veo.

Giàn mướp được làm bằng tre. Các cây cột chống bằng tre đực già cắm sâu xuống đất. Khung giàn là ngọn tre và các cành tre bó lại với nhau chặt chẽ để mướp có chỗ bò lan thoải mái. Khi đã lên tới mặt giàn, mướp bắt đầu ra hoa. Hoa mướp mọc thành chùm, màu vàng tươi, rung rinh trước gió, hương thơm thoang thoảng mời gọi bướm ong. Sắc xanh mướt của lá, sắc vàng rực của hoa hoà quyện với nhau tạo nên bức tranh thiên nhiên đầy sức sống.

Từ các nách lá, những bông hoa cái mang hình trái mướp nhỏ như que diêm nhú ra. Lúc lớn bằng ngón tay thì chiếc hoa trên đầu xoè nở, khoe lớp nhụy vàng sẫm, đợi lũ ong thụ phấn. Vài ngày sau, chiếc hoa héo dần và trái mướp lớn rất nhanh. Năm trái, mười trái lớn nhỏ đủ cỡ khe khẽ đong đưa trước gió. Ong mật, ong bầu mải mê rúc đầu vào những chùm hoa đực, tìm kiếm phấn hoa. Cánh ong bay rộn ràng trong nắng sớm.

Mướp là loài cây quen thuộc, rất dễ trồng và mau thu hoạch. Hoa mướp, trái. mướp nấu canh cua đồng cùng với rau đay, mùng tơi là món ăn dân dã nhiều người ưa thích. Mướp hương xào thịt bò có mùi vị đậm đà khó quên...

Giàn mướp nhà em là niềm vui của mọi người trong gia đình. Ngày ngày, em cùng ông nội tưới nước, bón phân, tỉa bớt lá già và bắt sâu cho nên giàn mướp luôn xanh tốt, trông thật thích mắt.

ĐỀ 4: Miêu tả một cây non mới trồng.

I. DÀN Ý

1. Mở bài:

* Giới thiệu chung:

- Đó là cây gì?

- Ai trồng? Trồng bao giờ? Ở đâu?

2. Thân bài:

* Tả cây non:

- Hình dáng: Thân đơn hay thân bụi? Cao hay thấp?

- Cành, lá ra sao?

- Cách trồng như thế nào?

3. Kết bài:

- Cảm nghĩ của em trước cây non đó.

II. BÀI LÀM

Trước khi nghỉ Tết Nguyên Đán Bính Tuất, trường em tổ chức một buổi lao động trồng cây quanh vườn trường.

Những cây dương non cao chỉ khoảng gần một mét. Thân lớn cỡ ngón tay, trông mảnh mai, yếu ớt. Trên ngọn, loe hoe vài chiếc lá nhỏ màu xanh nhạt, phủ một lớp phấn rất mỏng.

Theo chỉ dẫn của thầy chủ nhiệm, chúng em đào hố mỗi bề chừng ba tấc, sâu khoảng hai tấc rồi đổ đất trộn phân mùn vào. Chiếc bầu cây được chúng em nhẹ nhàng đặt vào giữa hố. Một bạn vun đất cho đầy mép hố. Một bạn cắm chiếc cọc nhỏ sát thân cây và lấy dây buộc giữ cho cây đứng thẳng. Xong xuôi, mỗi cây được tưới một gáo nước đầy.

Chẳng mấy chốc, xung quanh hàng rào của vườn trường đã được viền bằng một hàng dương nhỏ, cây nọ cách cây kia cả mét. Ngắm hàng dương non tơ, em hình dung ra chỉ vài năm nữa, chúng sẽ trở thành những cây dương cao vút, tán lá lao xao, rung rinh trước gió, mời gọi lũ chim về làm tổ. Tiếng chim sẽ rộn rã mỗi sớm mai hồng.

ĐỀ 5: Miêu tả một cây cổ thụ (cây đa).

I. DÀN Ý

1. Mở bài:

* Giới thiệu chung:

- Cây đa lớn hay nhỏ? (Cây đa cổ thụ.)

- Được trồng ở đâu? (Đầu làng em.)

2. Thân bài:

* Tả cây đa:

+ Hình dáng:

- Thân cây lớn, rễ mọc ngoằn ngoèo trên mặt đất.

- Xung quanh thân chính có rất nhiều thân phụ.

- Ngọn đa cao vượt khỏi luỹ tre làng.

- Bóng đa toả mát một khoảng đất rộng.

- Trong tán cây, nhiều loại chim làm tổ.

- Dưới bóng đa là quán nước cho khách nghỉ chân, là chỗ vui chơi của đám trẻ...

+ Cây đa với cuộc sống của dân làng:

- Cây đa chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử của làng.

- Dân làng thường gặp gỡ trao đổi công việc làm ăn, trò chuyện tâm tình dưới gốc đa.

3. Kết bài:

* Cảm nghĩ của em:

- Cây đa là hình ảnh quen thuộc, gần gũi.

- Cây đa là nhân chứng lịch sử của làng.

II. BÀI LÀM

Đầu làng em có một cây đa có lẽ đã vài trăm tuổi. Thân cây lớn lắm! Rễ đa ngoằn ngoèo như những con trăn khổng lồ uốn khúc. Xung quanh gốc chính là hàng chục gốc phụ khiến cho cây thêm bề thế và vững chãi. Cách xa hàng cây số đã nhìn thấy bóng đa cao vượt khỏi luỹ tre làng, sừng sững in trên nền trời xanh biếc.

Bóng đa che mát một khoảng đất rộng. Chim chóc làm tổ trên cành, suốt ngày ríu rít. Đang đi trên đường nắng chang chang, khách ghé chân vào quán tranh nghỉ tạm, uống một bát nước chè tươi hãm đặc, tận hưởng cơn gió nồm nam lồng lộng thổi, quả là không có gì sung sướng bằng, bao nhiêu mỏi mệt đều tan biến hết.

Tuổi thơ chúng em cũng tìm được ở cây đa nhiều điều kì thú. Lá đa to, dày và xanh bóng đem cuộn tròn lại, xé hai bên mép lá làm sừng, buộc một mẩu dây chuối khô vào cuống rồi luồn vào trong, khe khẽ kéo... Thế là đã được một con trâu lá đa, cặp sừng cong cong, cái đầu gục gặc như sẵn sàng nghênh chiến. Nào là trâu bố, trâu mẹ, nghé tơ... nằm quây quần bên nhau, nhìn mới thích làm sao!

Những chiếc búp đa khô quăn queo màu nâu rơi trên mặt cỏ có thể nhặt về làm kèn. Kèn búp đa ngậm vào miệng rồi phồng má thổi, nó kêu “toe” lên một tiếng, kèm theo chuỗi cười trong trẻo vang xa.

Chiều hè, chúng em thường túm năm tụm bảy dưới gốc đa để thi thả diều. Bờ con mương chạy ngang cánh đồng làng là nơi thả diều lí tưởng. Những cánh diều chấp chới bay cao; tiếng sáo diều vi vu ngân nga giữa không trung bát ngát.

Ông em kể rằng cây đa đã chứng kiến bao sự kiện buồn vui của làng. Lá cờ đỏ sao vàng đầu tiên phất phới bay trên ngọn đa. Cuộc mít tinh đầu tiên của dân làng thành lập chính quyền cách mạng cũng diễn ra dưới gốc đa. Trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mĩ, những cuộc tiễn đưa thanh niên lên đường nhập ngũ cũng được tổ chức ở đây... Rồi chuyện làm ăn hằng ngày, chuyện đổi mới không ngừng của làng của nước, bà con trao đổi với nhau dưới bóng mát cây đa. Cây đa cổ thụ quả đúng là nhân chứng lịch sử của làng.