Chọn một trong các đề bài sau:

1. Tả quyển sách Tiếng Việt 5, tập hai của em.

2. Tả cái đồng hồ báo thức.

3. Tả một đồ vật trong nhà mà em yêu thích.

4. Tả một đồ vật hoặc món quà có ý nghĩa sâu sắc với em.

5. Tả một đồ vật trong viện bảo tàng hoặc trong nhà truyền thống mà em đã có dịp quan sát.

Tham khảo một số đề dưới đây:

ĐỀ 1: Tả quyển sách Tiếng Việt 5, tập hai của em.

BÀI LÀM

Trước ngày khai giảng, mẹ mua cho em bộ sách giáo khoa lớp 5, trong đó có cuốn Tiếng Việt 5, tập hai.

Vừa nhìn cuốn sách, em đã thích ngay. Cuốn sách rất đẹp, thơm mùi mực in, mùi giấy mới. Bìa sách bằng giấy cứng và bóng. Ruột sách dày 176 trang bằng giấy trắng tinh, nổi bật những hàng chữ đen đều tăm tắp.

Bìa sách được trình bày đẹp như một bức tranh. Trên đầu bìa là dòng chữ chạy dài: Bộ Giáo dục và Đào tạo. Kế đó là hai chữ Tiếng Việt màu xanh đen rất lớn, chiếm gần hết chiều ngang cuốn sách. Bên dưới là chữ số 5 màu đỏ và hàng chữ tập hai màu đen. Bìa sách vẽ cảnh các bạn học sinh ngồi chơi vui vẻ! cảnh các bác nông dân làm ruộng. Xa xa, xóm làng trù phú, có núi cao, sông dài tàu thuyền tấp nập trên sông.

Em thong thả lật giở từng trang. Nội dung cuốn Tiếng Việt gồm các môn: Tập đọc, Chính tả, Luyện từ và câu, Kể chuyện và Tập làm văn, xếp xen kẽ với nhau, thứ tự theo từng chủ đề: Người công dân, vì cuộc sống thanh bình, Nhớ nguồn,... Các bài thơ, bài văn đều rất hay. Từng bài có kèm theo tranh minh hoạ rất hấp dẫn, giúp chúng em dễ hiểu bài. Em thích nhất bài thơ Chú đi tuần của Trần Ngọc cùng bức tranh các chiến sĩ công an đi tuần trong đêm khuya, giữa đường phố yên tĩnh và hàng cây ngủ yên bên đường.

Nghe lời mẹ dặn, em giữ gìn sách thật cẩn thận. Em lấy báo ảnh bọc bìa, dán nhãn ngay ngắn nơi đầu sách. Em không vẽ bậy, viết bậy hay dây mực vào sách. Ngày ngày, sách cùng em vui bước đến trường. Em coi sách như người bạn nhỏ thân thiết của em.

ĐỀ 2: Tả cái đồng hồ báo thức.

BÀI LÀM

Reng reng reng... Reng reng reng... Một hồi chuông rộn rã vang lên. Em mở bừng mắt và nhanh nhẹn bước xuống giường, vươn vai mấy cái cho tỉnh ngủ rồi chạy xuống sân tập thể dục buổi sáng. Sau khi báo thức, bác đồng hồ lại âm thầm làm công việc đếm thời gian của mình: Tích tắc, tích tắc, tích tắc...

Bác đồng hồ đã có mặt trong gia đình em từ lâu lắm rồi. Ông nội em kể rằng khi bố em chuẩn bị thi vào đại học, ông đã mua tặng cho bố em chiếc đồng hồ hiệu Jắc này. Bao năm tháng đã qua, bác đồng hồ vẫn đứng trên chiếc bàn học kê gần cửa sổ.

Thân hình bác tròn xoe, lớn hơn miệng chiếc bát ăn cơm một chút. Lớp vỏ bọc bằng nhựa đỏ đã bạc màu. Chiếc chân đế màu trắng cũng đã ngả sang màu vàng nâu. Trên mặt số có mười hai chữ số và ba cây kim khác nhau. Kim chỉ giờ ngắn và to nhất, kế đến là kim phút dài và mảnh. Kim giây chỉ nhỏ bằng cây tăm, chuyển động rất nhanh. Phía trên là một mặt số thu nhỏ với hai cây kim. Muốn đồng hồ báo thức vào giờ nào, chỉ cần lên dây cót và quay kim đúng số.

Tuy già nua cũ kĩ thế nhưng bác đồng hồ làm việc rất cần mẫn và chính xác. Bác chẳng đòi hỏi gì nhiều. Mỗi năm, bố em lại lau dầu cho bác một lần. Cả nhà em đều coi bác đồng hồ là người bạn thân thiết và gắn bó.

ĐỀ 3: Tả một đồ vật trong nhà mà em yêu thích. (Ví dụ: Tả tấm lịch treo tường.)

BÀI LÀM

Chiều thứ sáu tuần trước, khi đi làm về, mẹ tươi cười đưa cho em một túi xách và bảo: “Lịch của cơ quan mẹ tặng đấy! Con đưa cho ba treo lên”. Em giở ra xem và thốt lên tiếng xuýt xoa: “Ôi! Đẹp quá mẹ ạ!”. Ba treo tấm lịch gần bức tranh sơn mài trong phòng khách. Buổi tối, dưới ánh đèn nê-ông xanh dịu, tấm lịch lộng lẫy hẳn lên.

Tấm lịch hình chữ nhật, dài sáu tấc, ngang bốn tấc, làm bằng bìa các-tông dày và phẳng. Trên nền lịch màu đỏ tươi nổi bật cành mai vàng rực rỡ. Phần dưới, phía trái là hàng chữ: Chúc mừng năm mới, bên phải là dòng chữ: Xuân 2008 bằng nhũ óng ánh. Chính giữa là lốc lịch được bọc kín trong lớp giấy in những bông hoa tươi thắm.

Những ngày cuối cùng của năm cũ đã qua. Tấm lịch mới bắt đầu làm nhiệm vụ của nó. Mỗi tờ lịch ghi rõ thứ, ngày Dương lịch và ngày Âm lịch, kèm theo là những câu danh ngôn, hoặc những ngày kỉ niệm lớn trong năm. Ngày ngày, trước khi đi học, em bóc tờ lịch nhỏ. Thế là một ngày đã qua và một ngày mới bắt đầu.

Tấm lịch nhỏ nhưng công dụng của nó không nhỏ. Nó là người bạn thân thiết của mỗi gia đình. Nó nhắc nhở mọi người luôn luôn ghi nhớ “Thời gian là vàng bạc”.

ĐỀ 4: Tả một đồ vật hoặc món quà có ý nghĩa sâu sắc với em. (Ví dụ: cái bàn.)

BÀI LÀM

Trong đợt nghỉ phép vừa qua, ba đã đóng cho em chiếc bàn học bằng những tấm ván và thanh gỗ xinh xinh.

Suốt một ngày chủ nhật cưa, bào, đục, đẽo... không ngơi tay, ba em đã làm xong chiếc bàn và chiếc ghế dựa xinh xắn. Chiếc bàn cao một mét, dài tám tấc. Mặt bàn rộng bốn tấc, được ghép bằng những tấm ván mỏng bào nhẵn, sờ rất mát tay. Chân bàn là bốn thanh gỗ có cạnh vuông. Hai chân được nối với nhau bằng một thanh ngang cho chắc. Một thanh gỗ chạy suốt chiều dài của bàn để làm chỗ gác chân. Ba em chia ngăn bàn làm hai cho em tiện sử dụng. Một bên em đựng sách giáo khoa và một bên để vở cùng với các dụng cụ khác.

Chiếc bàn tuy đơn sơ nhưng rất có ích cho việc học tập của em. Hằng ngày, buổi sáng cũng như buổi tối em ngồi vào bàn học và làm bài tập cô giáo cho về nhà.

Chiếc bàn luôn nhắc em nhớ tới ba. Ba mong muốn em ngày càng chăm ngoan, học giỏi. Em quý chiếc bàn vì nó là kỉ vật của ba. Tuy giá trị của chiếc bàn chẳng đáng là bao nhưng công dụng của nó đối với em rất lớn. Nó sẽ giúp em nhiều trong học tập.

ĐỀ 5: Tả một đồ vật trong viện bảo tàng hoặc trong nhà truyền thống mà em đã có dịp quan sát.

BÀI LÀM

Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1 tháng 6 vừa qua, em được bố mẹ dẫn đi tham quan Viện bảo tàng lịch sử Việt Nam ở số 1 phố Tràng Tiền, ngay phía sau Nhà hát lớn của thành phố Hà Nội. Nơi đây lưu giữ và trưng bày rất nhiều hiện vật cùng những tài liệu quý giá về các thời kì phát triển lịch sử của dân tộc Việt Nam suốt mấy ngàn năm.

Phần trưng bày về giai đoạn dựng nước của mười tám đời vua Hùng cho đến giai đoạn xây dựng và bảo vệ đất nước của các vua nhà Trần thực sự hấp dẫn người xem. Trong hàng ngàn hiện vật, em thích nhất là chiếc trống đồng Đông Sơn có độ tuổi hơn 3000 năm. Đây là một báu vật chứa đựng rất nhiều ý nghĩa, chứng minh rằng nền văn minh và truyền thống văn hiến của dân tộc Việt đã có từ lâu đời.

Trống đồng này có tên là trống đồng Đông Sơn vì nó được phát hiện ở khu di tích Đông Sơn, Thanh Hoá, một trong những địa bàn cư trú của người Việt cổ. Thời ấy, con người đã chế tác được những dụng cụ bằng sắt, bằng đồng rất tinh xảo từ những khuôn đúc làm từ đất sét.

Chất liệu của trống là đồng thau, nhẹ và bền. Kích thước của chiếc trống chiều cao khoảng 6 tấc và chiều ngang khoảng 4 tấc. Thân trong hình trụ, thắt lại ở giữa. Mặt trống khắc hình mặt trời, hình người, chim và thú, xung quanh là hoa văn trang trí rất đẹp. Bố em giải thích rằng những nghệ nhân đúc đồng đã thể hiện được phần nào cuộc sống của người Việt thời xa xưa.

Tổ tiên của chúng ta thường dùng trống đồng trong các dịp tế lễ, hội hè trang trọng. Một nhóm từ hai đến ba người, mỗi người nắm chắc một khúc tre hoặc gỗ khá dài, dộng mạnh xuống mặt trống gọi là đâm trống. Tiếng trống đồng vang ngân rất xa, gợi cảm xúc thiêng liêng bởi nó giống như linh hồn của tổ tiên, sông núi bao đời vọng lại.

Hằng năm, vào dịp giỗ Tổ Hùng Vương (mùng 10 tháng 3 Âm lịch), trong lễ hội vẫn còn giữ các hoạt động vui chơi cổ truyền như hát xoan, đâm trống đồng... để ca ngợi sự hưng thịnh của dòng giống Lạc Hồng và nhắc nhở người dân Việt Nam đoàn kết, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.

Ngắm chiếc trống đồng Đông Sơn đậm màu thời gian, em thấy mình được hiểu thêm về cội nguồn, về lịch sử đáng tự hào của dân tộc Việt Nam, về nền văn hoá, văn minh có từ rất sớm của đất nước mình.