Chọn một trong các đề bài sau đây:

1. Tả cô giáo (hoặc thầy giáo) đã từng dạy dỗ em và để lại cho em nhiều ấn tượng, tình cảm tốt đẹp.

2. Tả một người ở địa phương em sinh sống (chú công an phường, anh dân phòng, bác tổ trưởng dân phố, bà cụ bán hàng,...).

3. Tả một người em mới gặp một lần nhưng để lại cho em những ấn tượng sâu sắc.

* Tham khảo một số đề dưới đây:

ĐỀ 1: Tả cô giáo (hoặc thầy giáo) đã từng dạy dỗ em, để lại cho em nhiều ấn tượng và tình cảm tốt đẹp.

BÀI LÀM

Gia đình em chuyển ra thị xã đã gần một năm. Hôm nay, em mới có dịp về thăm quê. Vừa lên xe, em đã nhận ra cô Nga, cô giáo chủ nhiệm lớp 4A mà em rất quý mến. Em khoanh tay lễ phép chào cô. Cô mỉm cười kéo em ngồi xuống ghế bên cạnh và ân cần hỏi thăm tình hình học tập và sinh hoạt của em. Gặp cô, em mừng lắm. Bao nhiêu kỉ niệm tốt đẹp về cô lại trỗi dậy trong kí ức em...

Hồi ấy, quê em còn nghèo. Đường làng lồi lõm, quanh co. Sau mỗi cơn mưa, đất nhão thành bùn dính bết vào chân, đi lại rất khó khăn. Dân làng làm việc quần quật suốt ngày ngoài đồng, quanh năm vất vả. Trẻ em mới lên chín, lên mười đã phải phụ giúp cha mẹ những việc nhỏ như chăn trâu, cắt cỏ...

Sáng sáng, em đi học cùng bạn Lâm. Nhà bạn ấy cách nhà em một xóm. Hôm đó, chờ mãi không thấy Lâm đến rủ, em đành tới trường một mình. Suốt mấy ngày mưa phùn lây rây, không khí ẩm ướt và lạnh thấu xương. Bầu trời xám xịt, mặt trời bị che khuất sau những đám mây dày sũng nước. Đến lớp, em thấy bạn nào cũng co ro vì lạnh, chân tay, quần áo lem nhem bùn đất. Cô Nga nhìn chúng em với ánh mắt ái ngại và thương cảm. Cô khen chúng em chịu khó, chăm học, rồi cô bắt đầu giảng bài như thường lệ. Chúng em say mê nghe, quên cả trời đang mưa lạnh.

Giờ chơi, các bạn ùa ra hành lang, túm năm tụm ba chuyện trò vui vẻ. Em chợt nhớ tới Lâm và định bụng tan học sẽ ghé thăm xem bạn ấy vì sao mà nghỉ học.

Buổi trưa, ăn cơm xong, nghĩ tới đoạn đường đến nhà Lâm, em ngại quá! Em chui tọt vào chăn rồi ngủ quên mất. Mãi đến tối, em lấy hết can đảm dấn bước trên con đường trơn trượt để đến nhà Lâm. Em ngạc nhiên khi thấy bên ngọn đèn dầu, cô Nga đang giảng bài và hướng dẫn Lâm làm Toán. Lâm quàng chiếc khăn kín cổ, mặt đỏ bừng như người đang sốt. Nhìn cảnh ấy, lòng em xao xuyến lạ thường. Em thương Lâm và kính phục cô bao nhiêu thì lại tự trách mình bấy nhiều. Lẽ ra tan học, em phải đến với Lâm ngay để giúp bạn ấy chép bài, làm bài mới đúng. Em thật có lỗi với bạn Lâm và cô giáo.

Dường như nhận ra vẻ bối rối của em, cô Nga tươi cười bảo: “Đạt tới thăm Lâm đấy ư? Tốt lắm! Cô và hai em cùng giải mấy bài Toán khó này nhé!”. Thế rồi cô tiếp tục hướng dẫn cặn kẽ cho tới lúc bạn Lâm tự làm được bài.

Mẹ Lâm nói với em: “Chiều qua, Lâm ra đồng giúp bác nhổ cỏ lúa nên bị cảm. Đêm nó sốt cao quá nên sáng nay phải nghỉ học. Nó mong cháu mãi đấy!”. Nghe bác nói, em càng ân hận và trách mình sao quá vô tình.

Chín giờ khuya, cô Nga cùng em trở về trên con đường lầy lội. Lúc chia tay, cô dặn em: “Nếu mai Lâm chưa đi học được thì Đạt tới chép bài cho Lâm nhé! Bạn bè phải giúp đỡ nhau lúc khó khăn, em ạ!”. Em tần ngần đứng nhìn theo ánh đèn pin xa dần mà lòng dâng lên niềm kính phục và quý mến cô vô hạn.

Gần một năm sống và học tập trong ngôi trường mới, em luôn nhớ đến những ngày thơ ấu dưới mái trường làng với bao kỉ niệm khó quên về thầy cô và bạn bè thân yêu. Mái trường đơn sơ nơi quê nghèo nhưng ấm áp tình người.

ĐỀ 2: Tả một người mà em quen biết.

BÀI LÀM

Gia đình em thuộc tổ 9, khu phố 4, phường 3, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh. Tổ trưởng dân phố là bác Tư, khoảng hơn sáu mươi tuổi.

Bác Tư là đại tá, công tác ở Quân khu 7, về hưu đã vài năm nay. Vóc dáng bác cao to, vạm vỡ, đi đứng nhanh nhẹn. Nước da nâu rám khỏe mạnh. Mái tóc bạc cắt ngắn rất hợp với khuôn mặt chữ điền. Đôi lông mày rậm và đôi mắt sáng toát lên vẻ vừa nghiêm nghị vừa hóm hỉnh.

Tính nết bác Tư giản dị, thân mật, dễ hoà đồng với mọi người. Từ ngày bác làm tổ trưởng, tình hình mọi mặt ở đây thay đổi hẳn. Bác đã vận động bà con trong tổ giữ gìn vệ sinh môi trường và bảo vệ an ninh trật tự. Các tệ nghiện ngập, trộm cắp giảm hẳn. Một số thanh niên hư hỏng, hút chích được đưa đi cai nghiện ở các trung tâm. Bác đến từng gia đình quyên góp tiền, lập quỹ tình thương để giúp đỡ các đối tượng xóa đói giảm nghèo trong tổ. Căn nhà của bác tuy không rộng rãi nhưng bác đã giành một phòng để mở lớp học tình thương cho các em nhỏ không có điều kiện đến trường và bác cùng chú Lâm, công an khu vực trực tiếp giảng dạy.

Những đóng góp của bác Tư đối với phong trào của tổ dân phố 9 là rất lớn. Bác quan tâm từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn của bà con. Gia đình, hàng xóm có chuyện xích mích, bác đứng ra hoà giải, khuyên ngăn. Bác thuyết phục bà con đóng tiền, mỗi nhà 100.000 đồng để tráng xi-măng và mở rộng hẻm, đặt lại đường nước... Nhờ vậy mà không gian thông thoáng, sạch sẽ, việc đi lại dễ dàng, thuận tiện.

Bà con trong tổ, trong khu phố rất quý mến và kính trọng bác Tư, một người hết lòng vì công việc chung. Em rất thích tác phong dứt khoát, nghiêm chỉnh của người cựu sĩ quan quân đội đã từng tham gia hai cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, nay tuổi đã cao vẫn nhiệt tình góp phần xây dựng và bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân. Em nhớ mãi câu bác Tư hay nói: “Còn sống ngày nào là còn làm việc, còn cống hiến. Đó là niềm vui lớn nhất của bác đấy, cháu a!".

ĐỀ 3: Tả một người em mới gặp một lần nhưng đã để lại cho em những ấn tượng sâu sắc.

BÀI LÀM

Em còn nhớ rất rõ buổi tối hôm ấy, cả nhà em quây quần trước ti-vi, xem tiết mục Người đương thời do chị Tạ Bích Loan dẫn chương trình. Nhân vật được giới thiệu là anh Nguyễn Công Hùng - một nạn nhân chất độc màu da cam, quê ở Nghệ An.

Khán giả lặng đi vì xúc động khi anh Hùng xuất hiện trên chiếc xe lăn với một thân hình dị dạng. Chiếc đầu anh quá lớn so với cơ thể quá nhỏ. Hai chân bị liệt cong queo vặn ngược ra đằng sau. Hai cánh tay gầy guộc và hai bàn tay xương xẩu. Anh ngồi lọt thỏm trong xe lăn, nở nụ cười và cất tiếng chào khán giả bằng một giọng nói khàn đục. Cả trường quay chào đón anh bằng những tràng vỗ tay vang dội.

Anh Hùng khoảng gần ba mươi tuổi. Từ chiến trường miền Nam trở về, cha của anh đã bị nhiễm chất độc màu da cam do máy bay giặc Mĩ rải xuống nhằm tiêu diệt sự sống và lực lượng của quân đội ta. Ác nghiệt thay, đứa con trai của người cựu chiến binh đã phải hứng chịu tác hại khủng khiếp của thứ chất độc ghê gớm ấy.

Biết bao là khó khăn, cơ cực trong cuộc sống của anh Hùng. Anh không có được tuổi thơ hồn nhiên, vô tư như bạn bè cùng trang lứa. Nhìn đám trẻ hàng xóm chạy nhảy nô đùa, anh thèm khát có một đôi chân nhanh nhẹn để ngày ngày đến trường học tập, vui chơi. Tưởng chừng như nỗi bất hạnh quá lớn đã đè bẹp anh, nhưng với ý chí và nghị lực kiên cường cùng niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống, anh Hùng đã vươn lên, chiến thắng số phận.

Để có thể giao lưu với thế giới bên ngoài, anh xin cha mua cho mình một chiếc máy vi tính cũ. Ngày ngày, anh mày mò học hỏi qua sách báo, tài liệu và cả học lỏm qua những lần thợ đến nhà sửa máy. Dần dần, hiểu biết của anh về vi tính được nâng cao. Thế giới đã rộng mở trước mắt người thanh niên tật nguyền nhưng đầy khát vọng. Anh giao lưu, kết bạn với hàng ngàn người qua mạng In-tơ-nét, trong đó rất nhiều người cùng cảnh ngộ với anh. Anh say mê tìm hiểu những lĩnh vực mới mẻ đầy hấp dẫn để làm giàu cho vốn hiểu biết của mình.

Điều đáng quý hơn nữa ở anh Nguyễn Công Hùng chính là tấm lòng nhân ái và ý thức cộng đồng. Địa phương anh có không ít những nạn nhân chất độc màu da cam như anh. Anh Hùng đã mở lớp dạy vi tính tại nhà miễn phí và anh trở thành một ông thầy vừa tài giỏi, vừa đức độ, được học trò và phụ huynh yêu quý. Anh còn thử sức mình bằng cách vừa thành lập một công ti có trang web giới thiệu riêng, vừa làm chuyên viên phần mềm vi tính cho một cơ quan nhà nước. Thật khó có thể tin rằng anh đã vượt được qua bao gian nan, thử thách và đã thành công.

Giờ đây, tên tuổi Nguyễn Công Hùng đã nổi tiếng trong cả nước. Anh là tấm gương sáng về ý chí, nghị lực và sự say mê cống hiến cho xã hội.

Nghe anh Hùng kể về mình và nghe mọi người nhận xét về anh, em thực sự xúc động. Em rút ra được nhiều bài học bổ ích từ anh mà bài học thấm thía nhất là đừng bao giờ chán nản, buông xuôi, hãy phấn đấu vươn lên, làm chủ số phận của mình và để trở thành công dân hữu ích cho xã hội.