I. Đọc kĩ bài:

- Đọc nhiều lần bài văn, nhớ kĩ các hình ảnh, chi tiết nổi bật.

- Đọc rõ ràng, diễn cảm, nhấn mạnh những từ ngữ miêu tả, thể hiện cảm xúc ca ngợi, tự hào về chiếc áo dài - biểu tượng cho y phục truyền thống của phụ nữ Việt Nam.

- Chú ý các từ ngữ khó phát âm: phụ nữ, mớ bảy, lồng, thẫm màu, lấp ló, kể cả, mảnh vải, năm thân, vạt, thế kỉ, cổ truyền, hài hoà,...

II. Tóm tắt nội dung:

Bài văn viết về quá trình hình thành chiếc áo dài tân thời, bắt đầu từ chiếc áo dài cổ truyền. Vẻ đẹp của chiếc áo dài tân thời là sự kết hợp hài hoà giữa phong cách dân tộc tế nhị, kín đáo với phong cách hiện đại phương Tây. Ca ngợi vẻ đẹp duyên dáng, mềm mại, thanh thoát của phụ nữ Việt Nam trong chiếc áo dài.

III. Gợi ý trả lời câu hỏi:

1. Chiếc áo dài đóng vai trò thế nào trong trang phục của phụ nữ Việt Nam xưa?

Phụ nữ Việt Nam xưa hay mặc áo dài thẫm màu, phủ bên ngoài những lớp áo cánh nhiều màu bên trong. Chiếc áo dài làm cho phụ nữ trở nên tế nhị, kín đáo.

2. Chiếc áo dài tân thời có gì khác so với chiếc áo dài cổ truyền?

- Áo dài cổ truyền có hai loại: áo tứ thân và áo năm thân. Áo tứ thân được may từ bốn mảnh vải, hai mảnh sau ghép liền giữa sống lưng, đằng trước là hai vạt áo, không có khuy, khi mặc bỏ buông hoặc buộc thắt vào nhau. Áo năm thân như áo tứ thân, nhưng vạt trước bên trái may ghép từ hai thân vải, nên rộng gấp đôi vạt phải.

- Áo dài tân thời là chiếc áo dài cổ truyền được cải tiến, chỉ gồm hai thân vải phía trước và phía sau. Chiếc áo dài tân thời vừa giữ được phong cách dân tộc tế nhị, kín đáo, vừa mang phong cách hiện đại phương Tây.

3. Vì sao áo dài được coi là biểu tượng cho y phục truyền thống của Việt Nam?

- Vì chiếc áo dài thể hiện phong cách tế nhị, kín đáo của phụ nữ Việt Nam. / Vì phụ nữ Việt Nam ai cũng thích mặc áo dài. / Vì phụ nữ Việt Nam như đẹp hơn, tự nhiên, mềm mại và thanh thoát hơn trong chiếc áo dài...

- Chiếc áo dài có từ xa xưa, được phụ nữ Việt Nam rất yêu thích vì hợp với tầm vóc, dáng vẻ của phụ nữ Việt Nam. Mặc chiếc áo dài, phụ nữ Việt Nam như đẹp hơn, duyên dáng hơn.

4. Em có cảm nhận gì về vẻ đẹp của người phụ nữ trong tà áo dài?

Tuỳ theo cảm nhận của từng em. Ví dụ: Trong những dịp lễ, Tết..., bà em, mẹ em hay mặc áo dài. Em cảm thấy bà và mẹ đẹp hơn, trang trọng hơn ngày thường rất nhiều.

IV. Thực hành : Luyện tập:

1/ Đọc nhiều lần bài văn.

2/ Trên cơ sở bài Tà áo dài Việt Nam, em hãy viết một bài văn giới thiệu chiếc áo dài Việt Nam.

* Tham khảo bài viết dưới đây:

I. DÀN Ý

1. Mở bài:

* Giới thiệu chung:

- Chiếc áo dài đậm đà bản sắc dân tộc, tượng trưng cho vẻ đẹp duyên dáng, dịu dàng của người phụ nữ Việt Nam.

- Áo dài Việt Nam để lại ấn tượng sâu sắc và được bạn bè quốc tế yêu thích.

2. Thân bài:

* Lịch sử chiếc áo dài:

- Chiếc áo dài xuất hiện từ lâu đời.

- Sau nhiều lần sửa đổi, chiếc áo dài ngày nay đã trở nên hoàn thiện, làm tăng thêm vẻ đẹp của người mặc.

- Hình ảnh chiếc áo dài thướt tha, mềm mại gắn liền với hình ảnh người phụ nữ Việt Nam dịu dàng, duyên dáng.

* Cấu tạo của chiếc áo dài:

+ Gồm 3 phần: cổ áo, tay áo, thân áo.

- Cổ áo cao khoảng 4 - 5 cm, có lót vải cứng ở trong cho đứng.

- Tay áo dài đến cổ tay, trên rộng dưới hẹp dần.

- Thân áo gồm 2 thân trước và sau, dài từ vai xuống cách bàn chân khoảng vài tấc. Chiết li ở ngực (thân trước) và ở lưng (thân sau). Cài cúc theo đường chéo từ cổ xuống nách và dọc một bên thân; cúc bấm hoặc kết bằng vải.

* Chất liệu may áo dài:

- Vải may áo dài thông thường là các loại lụa tơ tằm, lụa tổng hợp, gấm, nhung... Vải mỏng và nhẹ thì áo dài càng đẹp.

- Áo dài hiện đại kết hợp giữa vải với các phụ liệu như ren, voan, hạt cườm, kim tuyến...

* Môi trường sử dụng và đặc điểm của chiếc áo dài:

- Áo dài được chị em phụ nữ mặc khi đi làm, đi học, vào các dịp cưới hỏi, lễ, Tết, hội nghị...

- Chiếc áo dài tạo dáng mềm mại, uyển chuyển cho người mặc. Đặc điểm của nó là vừa kín đáo vừa hấp dẫn, mang đậm sắc thái phương Đông.

3. Kết bài:

- Chiếc áo dài Việt Nam được thế giới công nhận là một trong những trang phục dân tộc đẹp nhất và được bạn bè quốc tế yêu thích.

- Chiếc áo dài gắn liền với quê hương, đất nước, với những kỉ niệm thân thương trong đời sống của mỗi chúng ta.

II. BÀI LÀM

Chiếc áo dài xuất hiện trong đời sống của người Việt từ lâu đời. Nó mang đậm bản sắc dân tộc và tượng trưng cho vẻ đẹp dịu dàng, duyên dáng của người phụ nữ. Bạn bè quốc tế cũng yêu thích và hâm mộ vẻ đẹp kì lạ, hấp dẫn của chiếc áo dài Việt Nam.

Trên con đường đi học hằng ngày, chúng ta thường nhìn thấy những tà áo dài tha thướt đủ màu, khiến cho bức tranh phong cảnh thành phố thêm sinh động.

Ngày xưa, phụ nữ Việt Nam thường mặc áo mớ ba, mớ bảy, tức là mặc nhiều chiếc áo cánh lồng vào nhau. Tuy nhiên, trong mỗi dịp hội hè, đình đám, để thêm phần tế nhị, kín đáo, họ khoác chiếc áo dài thẫm màu bên ngoài, lấp ló bên trong là các lớp áo cánh nhiều màu (vàng mỡ gà, vàng chanh, hồng cánh sen, hồng đào, xanh hồ thuỷ...).

Từ đầu thế kỉ XIX đến năm 1945, ở một số vùng, phụ nữ mặc áo dài kể cả khi lao động nặng nhọc. Áo dài có hai loại: áo tứ thân và áo năm thân. Áo tứ thân hai mảnh sau ghép liền ở giữa sống lưng. Đằng trước là hai tà (vạt) áo, không có khuy, khi mặc bỏ buông hoặc buộc thắt vào nhau. Áo năm thân cũng may như áo tứ thân, chỉ có điều vạt trước phía trái may ghép từ hai thân vải, thành ra rộng gấp đôi vạt phải.

Từ những năm 30 của thế kỉ XX, chiếc áo dài được một số hoạ sĩ cải tiến dần thành chiếc áo dài tân thời. Chiếc áo tân thời là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa phong cách dân tộc cổ truyền kín đáo với phong cách phương Tây hiện đại.

Cấu tạo của chiếc áo dài ngày nay gồm ba phần là: cổ áo, tay áo và thân áo. Cổ áo cao khoảng từ 4 đến 5 phân, theo kiểu cổ áo Tàu, bên trong có lót một lớp vải cứng. Tay áo suôn, dài đến mắt cá tay. Áo có hai thân là thân trước và thân sau. Thân trước chiết li ở ngực, thân sau chiết li ở chỗ eo lưng. Độ dài của áo cách bàn chân độ vài tấc, tuỳ theo ý thích người mặc. Cúc áo thường là cúc bấm hoặc cúc kết bằng vải cùng màu với áo, cài một bên sườn.

Có nhiều loại vải được dùng để may áo dài như lụa tơ tằm, lụa tổng hợp, gấm, nhung... nhưng tính chất chung là phải mỏng và nhẹ thì áo mới đẹp. Các bà và các chị ở độ tuổi trung niên thích may áo dài bằng nhung, gấm cho sang trọng để mặc trong những dịp cưới hỏi, lễ, Tết. Còn thanh nữ và thiếu nữ lại thích những chất liệu nhẹ nhàng hơn và màu sắc tươi mát hơn. Chiếc áo dài đi đối với chiếc quần lụa hay sa tanh trắng. Hai thứ này hoà hợp với nhau, tạo nên vẻ đẹp mềm mại, duyên dáng.

Các nhà thiết kế thời trang luôn làm mới chiếc áo dài truyền thống bằng nhiều cách khác nhau như in vài dòng thơ hoặc vẽ tranh phong cảnh hay các hoạ tiết, hoa văn lên áo dài để tăng thêm phần lộng lẫy.

Trong cuộc sống hiện đại, chiếc áo dài xuất hiện phổ biến nơi trường học, công sở, sân bay, khách sạn hoặc các dịp hội hè... và đã trở nên quen thuộc với mọi người. Vẻ dịu dàng, đằm thắm của phụ nữ Việt Nam càng tăng thêm gấp bội trong chiếc áo dài tha thướt, kín đáo, mang đậm sắc thái phương Đông. Du khách nước ngoài và bạn bè khắp năm châu mỗi khi đặt chân đến đất nước ta hoặc bất chợt gặp một phụ nữ Việt Nam trong trang phục áo dài truyền thống, thong dong dạo bước bên những đường phố hoa lệ của châu Âu, châu Mĩ... đều thích thú đến ngẩn ngơ. Chiếc nón bài thơ và chiếc áo dài Việt Nam đã trở thành những món quà lưu niệm đặc biệt theo chân du khách đến với những xứ sở xa xôi.

Cách đây khoảng dăm năm, chiếc áo dài Việt Nam đã được bạn bè quốc tế yêu thích, đánh giá là một trong những trang phục dân tộc đẹp nhất. Chúng ta tự hào về chiếc áo dài truyền thống đã gắn bó thân thiết với hình ảnh quê hương đất nước trăm mến ngàn thương.