I. Đọc kĩ bài:
- Đọc nhiều lần bài văn, nhớ kĩ nhân vật chính và các hình ảnh, chi tiết nổi bật.
- Đọc diễn cảm bằng giọng rõ ràng, rành mạch, thể hiện đúng giọng điệu của từng nhân vật và sự khâm phục của người kể chuyện trước tài xử kiện của ông quan án.
- Chú ý các từ ngữ khó phát âm: quan án, xử, lấy trộm, làm chứng, lính, ngẫm, tra hỏi, vãn cảnh, sư, vãi, biện lễ, chạy đàn, niệm Phật,...
II. Tóm tắt nội dung:
Ca ngợi trí thông minh và tài xử kiện của vị quan án, đồng thời bày tỏ ước mong của nhân dân là có những vị quan toà tài giỏi, xét xử nghiêm minh, góp phần thiết lập và bảo vệ trật tự, an ninh xã hội.
III. Gợi ý trả lời câu hỏi:
1. Hai người đàn bà đến công đường nhờ quan phân xử việc gì?
Về việc bị mất cắp tấm vải. Người nọ tố cáo người kia lấy trộm vải của mình. Họ nhờ quan phân xử.
2. Quan án đã dùng những biện pháp nào để tìm ra người lấy cắp vải? Vì sao quan cho rằng người không khóc chính là người lấy cắp?
+ Quan án đã dùng các cách:
- Cho đòi người làm chứng, nhưng không có người làm chứng.
- Cho lính về nhà hai người đàn bà để xem xét, cũng không tìm được chứng cứ.
- Cuối cùng, quan hạ lệnh xẻ tấm vải làm đôi, chia cho mỗi người một nửa. Thấy một trong hai người bật khóc, quan sai lính trả tấm vải cho người này rồi thét trói người kia lại.
+ Quan cho rằng người không khóc chính là người lấy cắp vì:
- Của cải tự mình làm ra thì mình mới tiếc, không nỡ phá huỷ. Người tự tay dệt nên tấm vải và hi vọng bán tấm vải sẽ kiếm được ít tiền mà lại bị kẻ khác cướp mất thì đau xót đến bật khóc khi tấm vải bị xé làm đôi.
- Quan cho rằng kẻ có thái độ dửng dưng trước lệnh xé đôi tấm vải thì không phải là người đã đổ mồ hôi, công sức dệt nên tấm vải.
+ Quan thông minh, hiểu rất rõ tâm lí của con người nên đã nghĩ ra một phép thử đặc biệt là ra lệnh xé đôi tấm vải mà hai người đàn bà đang tranh chấp để buộc họ tự bộc lộ thái độ, làm cho vụ án tưởng chừng bế tắc lại bất ngờ được phá nhanh chóng.
3. Kể lại cách quan án tìm kẻ lấy trộm tiền nhà chùa.
- Quan cho gọi tất cả sư sãi, kẻ ăn người ở trong chùa ra để tìm kẻ đã ăn trộm tiền.
- Qua lời kể của sự cụ, quan phán đoán kẻ trộm chỉ có thể là người sống trong chùa, không phải người lạ ở bên ngoài.
- Quan nhờ sư cụ biện lễ cúng Phật.
- Cho gọi hết sư sãi, kẻ ăn người ở trong chùa ra, giao cho mỗi người một nắm thóc đã ngâm nước, bảo họ cầm nắm thóc đó, vừa chạy đàn vừa niệm Phật.
- Tiến hành “đánh đòn” tâm lí qua câu nói: “Đức Phật rất thiêng. Ai gian, Phật sẽ làm cho thóc trong tay người đó nảy mầm”.
- Đứng quan sát những người chạy đàn, thấy một chú tiểu thỉnh thoảng hé bàn tay cầm thóc ra xem, quan lập tức cho bắt vì chỉ kẻ có tật mới hay giật mình.
- Quan án thông minh, nắm được đặc điểm tâm lí của những người ở chùa (tin vào sự linh thiêng của Đức Phật), lại hiểu kẻ có tật thường hay giật mình nên đã nghĩ ra cách trên để nhanh chóng tìm ra kẻ gian mà không cần tra khảo.
4. Vì sao quan án dùng cách trên? Chọn ý trả lời đúng:
a) Vì tin là thóc trong tay kẻ gian sẽ nảy mầm.
b) Vì biết kẻ gian thường lo lắng nên sẽ lộ mặt.
c) Vì cần có thời gian để thu thập chứng cứ.
Ý b: Vì biết kẻ gian thường lo lắng nên sẽ lộ mặt.
IV. Thực hành - Luyện tập:
1/ Đọc lại nhiều lần bài văn.
2/ Kể lại chuyện Phân xử tài tình theo lời của viên quan.
* Tham khảo cách kể dưới đây:
Dạo này, ở địa phương tôi cai quản có nhiều vụ án liên tục xảy ra. Một hôm, hai người đàn bà đưa nhau đến công đường cùng bẩm báo là bị mất cắp vải. Người này tố cáo người kia lấy vải của mình và nhờ tôi phân xử.
Một người mếu máo kể:
- Bẩm quan! Sáng nay, con mang tấm vải này ra chợ bán. Bà kia vờ hỏi mua rồi cướp tấm vải của con, nhận là của bà ta.
Người kia cũng rưng rưng rước mắt:
- Tấm vải này đích thực là của con. Bà ta lấy trộm của con.
Tôi đòi phải có người làm chứng nhưng không có, bèn sai lính về nhà hai người đàn bà xem xét. Nhưng cả hai nhà đều có khung cửi như nhau và hai người cùng mang vải ra chợ bán.
Ngẫm nghĩ một lát, tôi ôn tồn bảo:
- Hai người đều nhận tấm vải là của mình, vậy thì ta ra lệnh xé tấm vải làm đôi, chia cho mỗi người một nửa.
Lính của tôi vừa đo tấm vải định xé thì bỗng dưng một người đàn bà ôm mặt bật khóc. Lập tức, tôi bảo đưa tấm vải cho bà ta và thét trói người kia lại. Sau một hồi tra hỏi, mụ ta đành cúi đầu nhận tội.
Tôi cho rằng chỉ có ai vất vả sớm hôm dệt ra tấm vải thì mới biết quý, biết tiếc. Còn kẻ dửng dưng trước việc xé tấm vải ra làm đôi, dứt khoát không phải là chủ nhân của nó.
Ít lâu sau, tôi có dịp vãn cảnh một ngôi chùa trong vùng. Sư cụ trụ trì đón tiếp tôi thật trân trọng, rồi báo với tôi là chùa vừa mất trộm tiền tối hôm qua. Qua lời kể của sư cụ, tôi đoán kẻ gian chỉ có thể là người trong chùa chứ không phải ai xa lạ. Vụ này tương đối khó xử nên tôi nghĩ kế phải đánh một đòn tâm lí thì may ra...
Tôi bảo sư cụ biện lễ cúng Phật, rồi gọi tất cả sư sãi, kẻ ăn người ở trong chùa ra, giao cho mỗi người một nắm thóc và nói:
- Chùa ta mới mất trộm tiền, chưa rõ ai là thủ phạm. Bây giờ, mỗi người hãy cầm một nắm thóc đã ngâm nước, vừa niệm Phật vừa chạy quanh đàn lễ. Đức Phật rất thiêng. Ngài sẽ làm cho nắm thóc trong tay kẻ gian nảy mầm.
Tôi lặng lẽ quan sát mọi người đang chạy thì thấy có một chú tiểu thỉnh thoảng lại hé bàn tay cầm thóc ra xem. Tôi lập tức ra lệnh bắt ngay chú tiểu vì chỉ kẻ có tật mới hay giật mình. Trước những lời phân tích của tôi, chú ta đành cúi đầu nhận tội.