Câu 1. Dòng nào dưới đây nêu đúng nghĩa của từ công dân?

a) Người làm việc trong cơ quan nhà nước.

b) Người dân của một nước, có quyền lợi và nghĩa vụ với đất nước.

c) Người lao động chân tay làm công ăn lương.

Dòng b: Người dân của một nước, có quyền lợi và nghĩa vụ với đất nước.

Câu 2. Xếp những từ chứa tiếng công cho dưới đây vào nhóm thích hợp:

công dân, công nhân, công bằng, công cộng, công lí, công nghiệp, công chúng, công minh, công tâm.

a) Công có nghĩa là “của nhà nước, của chung”.

b) Công có nghĩa là “không thiên vị”.

c) Công có nghĩa là “thợ, khéo tay”.

Công là “của nhà nước, của chung” Công là “không thiên vị” Công là “thợ, khéo tay”
công dân, công cộng, công chúng công bằng, công lí, công minh, công tâm công nhân, công nghiệp

* Giải nghĩa từ:

- Công bằng: Theo đúng lẽ phải, không thiên vị.

- Công cộng: Thuộc về mọi người hoặc phục vụ chung cho mọi người trong xã hội.

- Công lí: Lẽ phải phù hợp với đạo lí và lợi ích chung của xã hội.

- Công nghiệp: Ngành chủ đạo của nền kinh tế quốc dân hiện đại.

- Công chúng: Đông đảo người đọc, xem, nghe, trong quan hệ với tác giả, diễn viên...

- Công minh: Công bằng và sáng suốt.

- Công tâm: Lòng ngay thẳng, chỉ vì việc chung, không vì tư lợi hoặc thiên vị.

Câu 3. Tìm trong các từ cho dưới đây những từ đồng nghĩa với công dân:

đồng bào, nhân dân, dân chúng, dân tộc, dân, nông dân, công chúng.

- Những từ đồng nghĩa với từ công dân: nhân dân, dân chúng, dân.

- Những từ không đồng nghĩa với công dân: đồng bào, dân tộc, nông dân, công chúng.

* Giải nghĩa từ:

- Nhân dân: Đông đảo những người dân, thuộc mọi tầng lớp, đang sống trong một khu vực địa lí như một địa phương, hoặc một đất nước.

- Dân chúng: Đông đảo những người dân thường, quần chúng nhân dân.

- Dân tộc: Cộng đồng người hình thành trong lịch sử có chung lãnh thổ, quan hệ kinh tế, ngôn ngữ, văn hoá và phong tục...

Câu 4. Có thể thay từ công dân trong câu nói dưới đây của nhân vật Thành (Người công dân số Một) bằng các từ đồng nghĩa với nó được không? Vì sao?

Làm thân nô lệ mà muốn xoá bỏ kiếp nô lệ thì sẽ thành công dân, còn yên phận nô lệ thì mãi mãi là đầy tớ cho người ta...

Các từ đồng nghĩa tìm được ở bài tập 3 không thay thế được từ công dân, vì từ công dân trong câu này có hàm ý “người dân tự do của một nước độc lập”. Hàm ý của từ công dân trái ngược với ý của từ nô lệ