I. Đọc kì bài:
- Đọc nhiều lần bài thơ, nhớ kĩ các hình ảnh, chi tiết nổi bật.
- Đọc diễn cảm bằng giọng nhẹ nhàng, tha thiết, thể hiện lòng yêu mến của tác giả đối với thiên nhiên tươi đẹp và người dân miền núi Cao Bằng hiếu khách.
- Chú ý các từ ngữ khó phát âm: sau. Giàng, rõ, gió, suối, trong, sâu sắc, đã, khuất, rì rào, xa xa,...
II. Tóm tắt nội dung:
Cao Bằng là một tỉnh miền núi nằm ở phía bắc Bắc Bộ, giáp với Trung Quốc. Bài thơ ca ngợi Cao Bằng - mảnh đất có địa thế đặc biệt; có khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp và người dân Cao Bằng hiếu khách, đôn hậu, đang ngày đêm gìn giữ biên cương Tổ quốc.
Không thể đo hết được chiều cao của núi non Cao Bằng cũng như không thể đo hết lòng yêu đất nước rất sâu sắc của người Cao Bằng - những con người sống giản dị, thầm lặng mà dũng cảm, kiên cường.
III. Gợi ý trả lời câu hỏi:
1. Những từ ngữ và chi tiết nào ở khổ thơ 1 nói lên địa thế đặc biệt của Cao Bằng?
Muốn đến Cao Bằng phải vượt qua ba ngọn đèo: đèo Gió, đèo Giàng, đèo Cao Bắc. Những từ ngữ, chi tiết lặp đi lặp lại: sau khi qua... ta lại vượt..., lại vượt... nói lên địa thế xa xôi, hiểm trở của Cao Bằng.
2. Tác giả sử dụng những từ ngữ và hình ảnh nào để nói lên lòng mến khách, sự đôn hậu của người Cao Bằng?
Khách đến thăm được chủ nhà mời ăn một thứ hoa quả rất đặc trưng của Cao Bằng là mận. Hình ảnh: Đầu tiên là mận ngọt, Đón môi ta dịu dàng nói lên lòng mến khách của người Cao Bằng. Sự đôn hậu của những người dân ở đây được thể hiện qua những từ ngữ nhấn mạnh và những hình ảnh so sánh. Người trẻ thì: Rồi đến chị rất thương, Rồi đến em rất thảo. Người già thì: Ông lành như hạt gạo, Bà hiền như suối trong.
3. Tìm những hình ảnh thiên nhiên được so sánh với lòng yêu nước của người dân Cao Bằng.
Còn núi non Cao Bằng
Đo làm sao cho hết
Như lòng yêu đất nước
Sâu sắc người Cao Bằng.
→ Tình yêu đất nước sâu sắc của người Cao Bằng cao như núi, không đo hết đuợc.
Đã dâng đến tận cùng
Hết tầm cao Tổ quốc
Lại lặng thầm trong suốt
Như suối khuất rì rào...
→ Tình yêu đất nước của người Cao Bằng trong trẻo và sâu sắc như suối sâu.
4. Qua khổ thơ cuối, tác giả muốn nói lên điều gì?
- Cao Bằng có vị trí địa lí đặc biệt quan trọng đối với an ninh của Tổ quốc.
- Mảnh đất Cao Bằng xa xôi đã vì cả nước mà gìn giữ biên cương.
IV. Thực hành - Luyện tập:
1/ Học thuộc lòng bài thơ.
2/ Chuyển nội dung bài thơ Cao Bằng thành một bài văn xuôi.
* Tham khảo bài viết dưới đây:
Con đường từ miền xuôi lên Cao Bằng xa thật là xa! Sau khi qua đèo Gió lại phải vượt đèo Giàng, vượt đèo Cao Bắc chon von một bên là vách núi, một bên là thung sâu rồi mới tới Cao Bằng. Địa thế rất hiểm trở. Con đường đi lên thật cao, rồi lại dần dần thoải xuống.
Mảnh đất Cao Bằng bốn mùa hoa thơm, trái ngọt. Khách vừa đến đã được chủ nhà mời ăn một thứ đặc sản là mận hậu nổi tiếng mà hương vị thơm ngọt dịu mát đọng mãi trên môi.
Cao Bằng là tỉnh có nhiều dân tộc cùng sinh sống như Tày, Nùng, Dao, Hmông, Kinh... Người dân Cao Bằng nhân hậu, thân thiện và hiếu khách. Các cô, các chị trong những bộ quần áo dân tộc trông rất dễ thương. Đàn em nhỏ má hồng như táo chín, tươi tắn và hiền thảo. Các ông ké râu tóc trắng như mây, lành như hạt gạo. Các bà mế ngồi bên bếp lửa bập bùng, hiền như dòng suối mát trong.
Thiên nhiên Cao Bằng hùng vĩ, núi non điệp trùng vươn tới trời xanh, chẳng khác chi lòng người dân Cao Bằng yêu đất nước thiết tha, sâu sắc.
Cao Bằng là mảnh đất địa đầu Tổ quốc. Người dân Cao Bằng lặng thầm mà dũng cảm, kiên trung, ngày đêm vừa dốc sức xây dựng cuộc sống mới, vừa nắm chắc tay súng bảo vệ một dải biên cương của Tổ quốc Việt Nam yêu dấu.