I. Nhận xét:

1. Tìm câu ghép trong đoạn trích sau:

Trong hiệu cắt tóc, anh công nhân I-va-nốp đang chờ tới lượt mình thì cửa phòng lại mở, một người nữa tiến vào... Một lát sau, I-va-nốp đứng dậy nói: “Đồng chí Lê-nin, giờ đã đến lượt tôi. Tuy đồng chí không muốn làm mất trật tự, nhưng tôi có quyền nhường chỗ và đổi chỗ cho đồng chí. Đó là quyền của tôi".

Mọi người đều cho là I-va-nốp nói rất đúng. Lê-nin không tiện từ chối, đồng chí cảm ơn I-va-nốp và ngồi vào ghế cắt tóc.

Theo Hồ Lãng

Đoạn văn có 3 câu ghép:

- Câu 1: Trong hiệu cắt tóc, anh công nhân I-va-nốp đang chờ tới lượt mình thì cửa phòng lại mở, một người nữa tiến vào...

- Câu 2: Tuy đồng chí không muốn làm mất trật tự, nhưng tôi có quyền nhường chỗ và đổi chỗ cho đồng chí.

- Câu 3: Lê-nin không tiện từ chối, đồng chí cảm ơn I-va-nốp và ngồi vào ghế cắt tóc.

2. Xác định các vế câu trong từng câu ghép.

- Câu 1 có 3 vế câu:..., anh công nhân I-va-nốp đang chờ tới lượt mình (vế 1) / thì cửa phòng lại mở, (vế 2) / một người nữa tiến vào (vế 3).

- Câu 2 có 2 vế câu: Tuy đồng chí không muốn làm mất trật tự, (vế 1) / nhưng tôi có quyền nhường chỗ và đổi chỗ cho đồng chí (vế 2).

- Câu 3 có 2 vế câu: Lê-nin không tiện từ chối, (vế 1)/ đồng chí cảm ơn I-va nốp và ngồi vào ghế cắt tóc (vế 2).

3. Cách nối các vế câu trong những câu ghép nói trên có gì khác nhau?

- Câu 1: giữa vế 1 và vế 2 nối với nhau bằng quan hệ từ thì; vế 2 và vế 3 nối với nhau trực tiếp (giữa 2 vế có dấu phẩy).

- Câu 2: 2 vế nối với nhau bằng các quan hệ từ tuy... nhưng...

- Câu 3: 2 vế nối trực tiếp, giữa 2 vế có dấu phẩy.

4. Có mấy cách nối các vế câu ghép bằng quan hệ từ?

Có hai cách:

+ Các vế câu trong câu ghép có thể được nối với nhau bằng một quan hệ từ hoặc một cặp quan hệ từ.

+ Những quan hệ từ thường được dùng là: và, rồi, thì, nhưng, hay, hoặc,...

+ Những cặp quan hệ từ thường được dùng là :

- vì... nên...; do... nên...; nhờ... mà...

- nếu... thì...; giá... thì...; hễ... thì...

- tuy... nhưng...; mặc dù... nhưng...

- chẳng những... mà còn...; không chỉ... mà còn...

II. Luyện tập:

Câu 1. Tìm câu ghép trong đoạn văn dưới đây. Xác định các vế câu và các cặp quan hệ từ trong câu:

Nếu trong công tác, các cô, các chú được nhân dân ủng hộ, làm cho dân tin, dân phục, dân yêu thì nhất định các cô, các chú thành công. Muốn được như vậy, phải trau dồi đạo đức cách mạng.

Hồ Chí Minh

Đoạn văn trên có 1 câu ghép gồm 2 vế câu:

- Nếu trong công tác, các cô, các chú được nhân dân ủng hộ, làm cho dân tin, dân phục, dân yêu / thì nhất định các cô, các chú thành công.

- Cặp quan hệ từ: Nếu... thì...

Câu 2. Trong hai câu ghép ở cuối đoạn văn dưới đây, tác giả đã lược bớt quan hệ từ. Hãy khôi phục lại những từ bị lược và giải thích vì sao tác giả lược các từ đó:

Thái hậu ngạc nhiên nói:

- Vũ Tán Đường hết lòng vì ông, sao không tiến cử?

Tô Hiến Thành tâu:

- (...) Thái hậu hỏi người hầu hạ giỏi thì thần xin cử Vũ Tán Đường. Còn Thái hậu hỏi người tài ba giúp nước (...) thần xin cử Trần Trung Tá.

Theo Quỳnh Cư - Đỗ Đức Hùng

- (Nếu) Thái hậu hỏi người hầu hạ giỏi thì thần xin cử Vũ Tán Đường. Còn Thái hậu hỏi người tài ba giúp nước (thì) thần xin cử Trần Trung Tá.

- Tác giả lược các từ trên để câu văn gọn, tránh lặp. Lược bớt nhưng người đọc vẫn hiểu đầy đủ, hiểu đúng nội dung câu văn.

Câu 3. Tìm quan hệ từ thích hợp với mỗi chỗ trống:

a) Tấm chăm chỉ, hiền lành ... Cám thì lười biếng, độc ác.

b) Ông đã nhiều lần can gián ... vua không nghe.

c) Mình đến nhà bạn ... bạn đến nhà mình?

* Thứ tự các quan hệ từ tìm được như sau:

- Tấm chăm chỉ, hiền lành còn Cám thì lười biếng, độc ác.

- Ông đã nhiều lần can gián nhưng (mà) vua không nghe.

- Mình đến nhà bạn hay bạn đến nhà mình?