Câu 1. Ôn luyện tập đọc và học thuộc lòng.

+ Các em đọc lại những bài tập đọc: Phong cảnh đền Hùng, Cửa sông, Nghĩa thầy trò.

+ Yêu cầu:

- Nhớ kĩ các chi tiết và nhân vật chính trong bài.

- Trả lời các câu hỏi trong sách giáo khoa.

Câu 2. Kể tên các bài tập đọc là văn miêu tả đã học trong 9 tuần vừa qua.

Phong cảnh đền Hùng, Hội thổi cơm thi ở Đồng Vân, Tranh làng Hồ.

Câu 3. Nêu dàn ý của một bài tập đọc nói trên. Nêu một chi tiết hoặc câu văn mà em thích và cho biết vì sao em thích chi tiết hoặc câu văn đó.

1. Phong cảnh đền Hùng

a. Dàn ý (bài tập đọc là một trích đoạn, chỉ có thân bài):

+ Đoạn 1: Đền Thượng trên đỉnh Nghĩa Lĩnh (trước đền, trong đền).

+ Đoạn 2: Phong cảnh xung quanh khu đền:

- Bên phải là đỉnh Ba Vì.

- Chắn ngang bên trái là dãy Tam Đảo.

- Phía xa là Sóc Sơn.

- Trước mặt là Ngã Ba Hạc.

+ Đoạn 3: Cảnh vật trong khu đền:

- Cột đá An Dương Vương.

- Đền Trung.

- Đền Hạ, chùa Thiên Quang và đền Giếng.

b. Chi tiết hoặc câu văn em thích:

- Tuỳ theo cảm nghĩ của bản thân mà xác định câu văn mình thích. Tuy nhiên, phải giải thích được lí do.

Ví dụ:

- Em thích chi tiết: Người đi từ đền Thượng lần theo lối cũ xuống đền Hạ, sẽ gặp những cánh hoa đại, những gốc thông già hàng năm, sáu thế kỉ che mát và toả hương thơm. Những chi tiết, hình ảnh ấy gợi cảm giác về một khung cảnh thiên nhiên khoáng đạt, thần tiên.

2. Hội thổi cơm thi ở Đồng Vân

a. Dàn ý:

+ Mở bài:

- Nguồn gốc hội thổi cơm thi ở Đồng Vân. (Mở bài trực tiếp)

+ Thân bài:

- Hoạt động lấy lửa và chuẩn bị nấu cơm.

- Hoạt động nấu cơm.

+ Kết bài:

- Chấm thi. Niềm tự hào của những người đoạt giải. (Kết bài không mở rộng)

b. Chi tiết hoặc câu văn em thích:

Em thích chi tiết thành viên các đội thi lấy lửa vì đây là việc làm rất khó, đòi hỏi sự khéo léo, kiên trì. Hoạt động đó diễn ra rất vui nhộn, sôi nổi. / Em thích những câu văn tả hoạt động thổi cơm thi và cảnh các đội đan xen uốn lượn trên sân đình vì nó giúp cho người đọc hình dung rất rõ sự độc đáo và vẻ đẹp của hội thổi cơm thi.

3. Tranh làng Hồ

a. Dàn ý (bài tập đọc là một trích đoạn, chỉ có thân bài):

- Đoạn 1: Cảm nghĩ chung của tác giả về tranh làng Hồ và nghệ sĩ dân gian.

- Đoạn 2: Sự độc đáo của nội dung tranh làng Hồ.

- Đoạn 3: Sự độc đáo của kĩ thuật tranh làng Hồ.

b. Chi tiết hoặc câu văn em thích:

Em thích câu văn viết về màu trắng điệp - màu trắng với những hạt cát của điệp trắng nhấp nhánh muôn ngàn hạt phấn. Đó là sự sáng tạo trong kĩ thuật pha màu của tranh làng Hồ.