I. Đọc kĩ bài:

- Đọc nhiều lần bài thơ, nhớ kĩ nhân vật chính và các hình ảnh, chi tiết nổi bật.

- Đọc diễn cảm bằng giọng chậm rãi, nhẹ nhàng, thể hiện tình cảm yêu thương con của người cha cùng những hồi tưởng và suy nghĩ về sự tiếp nối thiêng liêng giữa các thế hệ.

- Chú ý các từ ngữ khó phát âm: rực rỡ, xanh, lênh khênh, rả rích, mịn, bỗng, khẽ hỏi, sao, xa, xoa, mãi, trầm ngâm, trỏ,...

II. Tóm tắt nội dung:

Bài thơ thể hiện tâm trạng xúc động của người cha trước những câu hỏi và lời nói ngây thơ, đáng yêu của đứa con trước biển cả. Qua đó, ca ngợi ước mơ bay bổng của tuổi thơ.

III. Gợi ý trả lời câu hỏi:

1. Dựa vào những hình ảnh đã được gợi ra trong bài thơ, hãy tưởng tượng và miêu tả cảnh hai cha con dạo trên bãi biển.

Sau trận mưa đêm, bầu trời và bãi biển như được gột rửa sạch bong. Mặt trời nhuộm hồng cả không gian bằng những tia nắng rực rỡ, cát như càng mịn hơn, biển như càng trong hơn. Có hai cha con thong dong dạo chơi. Bóng họ in trên cát. Người cha cao, gầy, bóng dài lênh khênh. Cậu con trai bụ bẫm, lon ton bước bên cha, cái bóng tròn, chắc nịch.

2. Thuật lại cuộc trò chuyện giữa hai cha con.

Con: - Cha ơi!

Sao xa kia chỉ thấy nước thấy trời

Không thấy nhà, không thấy cây, không thấy người ở đó?

Cha: - Theo cánh buồm đi mãi đến nơi xa

Sẽ có cây, có cửa có nhà,

Nhưng nơi đó cha chưa hề đi đến.

Con: - Cha mượn cho con cánh buồm trắng nhé,

Để con đi...

* Chuyển lời nói trực tiếp viết dưới dạng thơ thành đoạn kể bằng văn xuôi.

* Tham khảo đoạn văn dưới đây:

Hai cha con bước đi trong ánh nắng hồng. Bỗng cậu bé lắc tay cha khẽ hỏi: “Cha ơi! Sao phía xa kia chỉ thấy nước, thấy trời chứ không thấy nhà, thấy cây, thấy người gì cả?”. Người cha mỉm cười bảo con: “Cứ theo cánh buồm kia đi mãi, ta sẽ thấy cây cối, nhà cửa. Nhưng nơi đó, cha cũng chưa từng đặt chân tới”. Người cha trầm ngâm dõi mắt tận cuối chân trời. Cậu bé lại trỏ cánh buồm và bảo: “Cha hãy mượn cho con những cánh buồm trắng kia nhé, để con đi...”. Lời nói hồn nhiên của đứa con khiến người cha bồi hồi, cảm động, vì đó cũng là mơ ước của chính ông thời còn thơ ấu, lần đầu đứng trước biển khơi vô tận. Giờ đây, người cha đã gặp lại chính mình trong ước mơ của đứa con trai.

3. Những câu hỏi ngây thơ cho thấy con có ước mơ gì?

- Đứa con ước mơ được nhìn thấy nhà cửa, cây cối, con người ở tận nơi xa xôi...

- Đứa con khao khát tìm hiểu, khám phá mọi thứ trên đời.

- Đứa con ước mơ được khám phá những điều chưa biết về biển cả và cuộc sống.

4. Ước mơ của con gợi cho cha nhớ đến điều gì?

Ước mơ của con gợi cho cha nhớ đến ước mơ thuở nhỏ của mình.

IV. Thực hành - Luyện tập:

1/ Học thuộc lòng bài thơ.

2/ Chuyển nội dung bài thơ Những cánh buồm thành một câu chuyện.

* Tham khảo bài viết dưới đây:

Một sớm mai hồng, hai cha con dắt nhau bước đi trên bờ cát. Ánh mặt trời rực rỡ lấp lánh trên mặt biển xanh. Bóng cha dài lênh khênh bên cạnh bóng con tròn chắc nịch.

Sau trận mưa đêm qua, cát càng mịn, biển càng trong. Đang dẫn con đi, bỗng đứa con lắc tay cha và hỏi: “Cha ơi! Sao phía xa kia chỉ thấy nước thấy trời mà không thấy cây cối, nhà cửa và con người ở đó?”. Người cha mỉm cười, xoa đầu con nhỏ: “Nếu chúng ta theo cánh buồm đi mãi đến nơi xa thì sẽ thấy có cây cối, nhà cửa như ở đây. Nhưng nơi đó, cha chưa hề đặt chân tới lần nào, con trai ạ!”.

Lúc hai cha con quay trở về, ánh nắng vàng rực rỡ tuôn chảy đầy vai. Người cha trầm ngâm, dõi mắt về tận phía chân trời. Đứa con chỉ cánh buồm, nói khẽ: “Cha mượn cho con cánh buồm trắng nhé! Con sẽ đi đến tận nơi xa...”.

Lời nói hồn nhiên của đứa con giống như tiếng sóng thầm thì, hay chính là tiếng lòng của người cha từ thời thơ ấu vọng về?! Lần đầu tiên trước biển khơi vô tận, người cha đã gặp lại mình trong những ước mơ, khát khao cháy bỏng của đứa con trai nhỏ bé thân yêu.

3/ Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Những cánh buồm của Hoàng Trung Thông

* Tham khảo bài viết dưới đây:

Bài thơ Những cánh buồm của Hoàng Trung Thông tả cảnh cha dắt con dạo chơi trên bãi biển đầy nắng, vừa đi vừa trò chuyện tâm tình. Qua đó, nhà thơ ca ngợi tình cha con đằm thắm, thiết tha và hạnh phúc giản dị của người lao động. Đồng thời bài thơ cũng khẳng định ước mơ của tuổi nhỏ, của con người là bất diệt.

Cảnh hai cha con dạo chơi trên bãi biển mang một vẻ đẹp mộc mạc và ấm áp tình người:

Hai cha con bước đi trên cát

Ánh mặt trời rực rỡ biển xanh

Bóng cha dài lênh khênh

Bóng con tròn chắc nịch.

Mặt trời trên cao toả nắng hồng rực rỡ. Bãi cát trắng phẳng lì, mịn màng. Biển mênh mông, xanh thẳm và chói chang ánh nắng. Khung cảnh ban mai của biển cả làm nền cho hình ảnh hai cha con hiện lên thật đẹp. Nắng in bóng họ trên cát. Bóng cha dài lênh khênh, Bóng con tròn chắc nịch quấn quýt bên nhau. Đây là bức tranh về phong cảnh và con người vùng biển. Hạnh phúc của người dân chài chẳng phải tìm đâu xa, mà nó nằm trong những sinh hoạt bình thường nhất đang diễn ra hằng ngày.

Nếu trong đoạn thơ trước, cảnh đẹp của biển cả làm nền cho hình ảnh hai cha con xuất hiện thì ở đoạn này, cảnh đẹp đã khơi dậy cảm xúc và khát vọng mãnh liệt trong lòng hai cha con:

Sau trận mưa đêm rả rích

Cát càng mịn, biển càng trong

Cha dắt con đi dưới ánh mai hồng

Nghe con bước lòng vui phơi phới

Không gian của buổi bình minh trên biển thật trong lành, tinh khiết. Người cha âu yếm bước bên con. Cha dắt con đi dưới ánh mai hồng là câu thơ hay, mang nhiều ý nghĩa, gợi lên sự che chở, đùm bọc của người cha và sự tin tưởng của con đối với cha. Cha dắt con đi trên bờ cát trắng mịn màng, giữa sắc màu rực rỡ của trời hồng nước biếc.

Mới ngày nào, bước chân con còn chập chững vụng về mà nay đã nhanh nhẹn, vững chãi. Gót chân son của con in rõ trên mặt cát, không một tiếng vang nhưng nghe con bước lòng vui phơi phới bởi trái tim của người cha đang dâng lên cảm xúc sung sướng tột cùng.

Tình cảm của con đối với cha là tình cảm yêu thương, tin cậy:

Con bỗng lắc tay cha khẽ hỏi:

Sao xa kia chỉ thấy nước, thấy trời

Không thấy nhà, không thấy cây, không thấy người ở đó?

Trước trời biển bao la, câu hỏi của cậu bé thật ngây thơ. Đó cũng là tâm lí trẻ thơ, cái gì cũng muốn biết. Trong câu hỏi hồn nhiên ấy chứa đựng sự khao khát khám phá, tìm hiểu thế giới xung quanh.

Người cha âu yếm trả lời:

Cha mỉm cười xoa đầu con nhỏ:

“Theo cánh buồm đi mãi đến nơi xa

Sẽ có cây, có cửa có nhà

Nhưng nơi đó cha chưa hề đi đến”.

Câu trả lời thành thật ẩn một thoáng buồn. Những cái mà hiện con không thấy, theo cánh buồm đi mãi thì sẽ có cây, có cửa có nhà. Cha chỉ được nghe nói tới những bến bờ, những vùng đất xa xôi nhưng chưa bao giờ được đặt chân tới. Người cha không giấu con điều ấy.

Nhà thơ lắng nghe lời thì thầm của hai cha con và bất chợt, ông đã ghi lại được hình ảnh tuyệt vời:

Cha lại dắt con đi trên cát mịn

Ánh nắng chảy đầy vai.

Điệp ngữ Cha lại dắt con như nhấn mạnh sự hướng dẫn và che chở của người cha cho những bước đi đầu đời của con hướng tới tương lai. Hình ảnh Ánh nắng chảy đầy vai vừa hiện thực vừa lãng mạn. Bầu trời lúc này chói chang ánh nắng và cảm xúc của hai cha con cũng cháy bỏng, nồng nàn.

Sau khi trả lời con, Cha trầm ngâm nhìn mãi cuối chân trời. Câu hỏi của con gợi cho cha suy nghĩ về những vùng đất lạ, nhắc nhở người cha về một thời đã từng ôm ấp biết bao ước mơ nhưng nhiều điều chưa thực hiện được.

Theo lời cha, chú bé nhìn ra khơi xa và bắt gặp cánh buồm trắng chập chờn, thấp thoáng. Hình ảnh ấy đã khơi dậy trong lòng chú bé mong muốn đến với những miền đất mới lạ mà người cha chưa hề đi tới. Mong muốn ấy mãnh liệt đến mức bật thốt thành lời:

Con lại trỏ cánh buồm xa nói khẽ:

Cha mượn cho con cánh buồm trắng nhé,

Để con đi..

Ước mơ của chú bé thật hồn nhiên nhưng cũng thật chân thành, táo bạo. Đây là ước mơ rất khó thực hiện bởi làm sao chú bé có thể một mình cưỡi thuyền vượt sóng đại dương? Điều đó chỉ có trong truyện cổ tích mà bà thường kể cho bé nghe hoặc trong những trò chơi của bé ở nhà. Nhưng ước mơ ấy xuất phát từ đáy lòng của bé. Tuổi nhỏ luôn có những ý nghĩ, tưởng tượng vượt xa thực tế của đời thường.

Biển cả mênh mông và cánh buồm trắng không dừng ở ý nghĩa cụ thể mà đã mang ý nghĩa tượng trưng. Đó là những khát vọng cao đẹp trong cuộc sống và cũng là khó khăn nguy hiểm, thử thách những chàng trai trên bước đường tôi luyện, trưởng thành.

Ước mơ có cánh buồm trắng để đi xa của đứa con khiến người cha xúc động. Cha tìm thấy nơi con hình ảnh thời thơ ấu tươi đẹp của mình:

Lời của con hay tiếng sóng thầm thì

Hay tiếng của lòng cha từ một thời xa thẳm?

Lần đầu tiên trước biển khơi vô tận

Cha gặp lại mình trong những ước mơ con.

Lúc còn nhỏ, người cha cũng theo cha mình ra biển. Trước cảnh trời biển bát ngát, bạo la, người cha cũng hỏi cha mình những điều mà đứa con hỏi hôm nay. Giờ đây, cảm xúc trào dâng, ông không phân biệt được Lời của con hay tiếng sóng thầm thì, hay chính âm vang của những kỉ niệm đang trỗi dậy trong lòng.

Hai câu thơ: Lần đầu tiên trước biển khơi vô tận, Cha lại gặp mình trong những ước mơ con thể hiện tâm trạng xúc động của người cha khi nghe con trẻ thầm thì. Đứa con có những cảm nhận và suy nghĩ giống như cha hồi nhỏ. Đó là khát vọng tìm hiểu và hành động. Cha đã tìm lại được vẻ đẹp thời thơ ấu của mình nơi con. Khác chăng ở chỗ đứa con có những mơ ước đẹp đẽ hơn, táo bạo hơn và điều đó làm cho người cha cảm thấy như được trở về với tuổi thơ của mình.

Những cánh buồm là một bài thơ lời hay, ý đẹp. Hình ảnh, từ ngữ trong bài thơ vui tươi, khỏe khoắn và ấm áp tình người. Hạnh phúc không phải tìm ở đâu xa mà nó ở ngay trong cuộc sống bình thường. Bài thơ khẳng định con người luôn khao khát khám phá, tìm tòi để hiểu biết thêm về những điều mới lạ và không ngừng hướng tới tương lai.