Câu 1. Đọc bài văn dưới đây và trả lời câu hỏi.

CÂY CHUỐI MẸ

Mới ngày nào nó chỉ là cây chuối con mang tàu lá nhỏ xanh lơ, dài như lưỡi mác, đâm thẳng lên trời. Hôm nay, nó đã là cây chuối to, đĩnh đạc, thân bằng cột hiên. Các tàu lá ngả ra mọi phía như những cái quạt lớn, quạt mát cả góc vườn xanh thẫm. Chưa được bao lâu, nó đã nhanh chóng thành mẹ. Sát chung quanh nó, dăm cây chuối bé xíu mọc lên từ bao giờ. Cổ cây chuối mẹ mập tròn, rụt lại. Vài chiếc lá ngắn cũn cỡn, lấp ló hiện ra đánh động cho mọi người biết rằng hoa chuối ngoi lên đến ngọn rồi đấy.

Cái hoa thập thò, hoe hoe đỏ như một mâm lửa non. Nó càng ngày càng to thêm, nặng thêm, khiến cây chuối nghiêng hẳn về một phía.

Khi cây mẹ bận đơm hoa, kết quả thì các cây con cử lớn nhanh hơn hớn.

Để làm ra buồng, ra nải, cây mẹ phải đưa hoa chúc xuôi sang một phía. Lẽ nào nó đành để mặc cái hoa to bằng cái chày giã cua hoặc buồng quả to bằng cái rọ lợn đè giập một hay hai đứa con đứng sát nách nó?

Không, cây chuối mẹ khẽ khàng ngả hoa sang cái khoảng trống không có đứa con nào.

Phạm Đình Ân

a) Cây chuối trong bài văn trên được tả theo trình tự nào? Em còn có thể tả cây cối theo trình tự nào nữa?

b) Cây chuối đã được tả theo cảm nhận của giác quan nào? Em còn có thể quan sát cây cối bằng những giác quan nào nữa?

c) Tìm các hình ảnh so sánh, nhân hóa được tác giả sử dụng để tả cây chuối.

Gợi ý:

a) Cây chuối trong bài văn trên được tả theo trình tự nào?

Từng thời kì phát triển của cây: từ lúc còn là cây chuối con đến lúc là cây chuối to, rồi thành cây chuối mẹ.

Còn có thể tả cây cối theo trình tự nào?

Tả từ bao quát đến chi tiết từng bộ phận.

b) Cây chuối đã được tả theo cảm nhận của giác quan nào?

Theo ấn tượng của thị giác: thấy hình dáng của cây, lá, hoa...

Còn có thể quan sát cây cối bằng những giác quan nào?

Còn có thể tả bằng xúc giác, thính giác, vị giác, khứu giác. Ví dụ: tả bằng xúc giác (tả độ trơn, bóng của thân), thính giác (tiếng khua của tàu lá khi gió thổi), vị giác (vị chát, vị ngọt của quả), khứu giác (mùi thơm của quả chín...)

c. Hình ảnh so sánh

Tàu lá nhỏ xanh lơ, dài như lưỡi mác... ;Các tàu lá ngả ra... như những cái quạt lớn; Cái hoa thập thò, hoe hoe đỏ như một mầm lửa non.

Hình ảnh nhân hoá

Nó đã là cây chuối to, đĩnh đạc... ;Chưa được bao lâu, nó đã nhanh chóng thành mẹ; Cổ cây chuối mẹ mập tròn, rụt lại; Vài chiếc lá... đánh động cho mọi người biết... ;Các cây con cứ lớn nhanh hơn hớn; Khi cây mẹ bận đơm hoa...; Lẽ nào nó đành để mặc... đè giập một hay hai đứa con đứng sát nách nó; Cây chuối mẹ khẽ khàng ngả hoa...

Tác giả đã nhân hoá cây chuối bằng cách gắn cho cây chuối những từ ngữ:

- Chỉ đặc điểm, phẩm chất của người: đĩnh đạc, thành mẹ, hơn hớn.

- Chỉ hành động của người: đánh động cho mọi người biết, bận, đưa, đành để mặc, khẽ khàng.

- Chỉ những bộ phận đặc trưng của người: cổ, nách.

* Lưu ý: cây chuối con, cây chuối mẹ, cây mẹ không phải là nhân hoá mà chỉ là sự chuyển nghĩa từ vựng thông thường.

Câu 3. Viết một đoạn văn ngắn tả một bộ phận của cây (lá hoặc hoa, quả, rễ, thân).

Tham khảo các đoạn văn dưới đây:

1. Đoạn văn tả hoa cúc.

Cúc mọc thành bụi, thân mềm, thanh mảnh. Lá cúc to cỡ ba ngón tay, xẻ thành những đường cong mềm mại, mọc so le trên thân. Khóm cúc chỉ cao độ năm sáu tấc, mọc loà xoà tạo nên một vẻ đẹp tự nhiên. Đầu mỗi cành là một chùm nụ với hàng chục chiếc xinh xinh giống như những cúc áo màu xanh nhạt. Dăm ba chiếc nụ hé nở với những cánh vàng e ấp.

Hoa cúc đẹp nhất là lúc vừa nở hết. Cánh hoa xoè tròn, xếp thành nhiều lớp bao quanh nhuỵ. Hoa nọ sát hoa kia tạo thành một mảng vàng rực nổi bật trên nền lá xanh, trông tuyệt đẹp! Nắng càng lên, sắc hoa càng lộng lẫy và hương thơm càng toả ngát. Mấy chú ong mê mải hút nhuỵ hoa. Trên cao, cánh bướm dập dờn đùa với những bông hoa tươi xinh như những gương mặt ngời sáng niềm vui.

2. Đoạn văn tả cây dừa.

Cây dừa thân tròn, màu nâu, cao hàng chục mét, in rõ dấu những bẹ dừa đã rụng. Trên ngọn cây, lá mọc thành vòng tròn, xoè đều. Tàu dừa rộng cả mét và dài đến ba, bốn mét. Hai hàng lá nhỏ xanh bóng mọc nối tiếp nhau dọc theo hai bên cuống. Hoa dừa mọc thành bẹ, gồm nhiều nhánh đính những hoa nhỏ như hạt lúa, màu trắng ngà, có mùi thơm nhẹ.