I. KIẾN THỨC CƠ BẢN

Tô Hoài đã thành công khi dựng lên một thế giới loài vật ngộ nghĩnh, trong sáng, và nhân cách hoá chúng, phả vào chúng những hơi thở cuộc sống sinh động, những tình cảm của con người.

Bài học đường đời đầu tiên thể hiện rõ tài năng quan sát tinh tế, óc nhận xét sắc sảo, hóm hỉnh và tình yêu cuộc sống của Tô Hoài.

Nghệ thuật miêu tả của Tô Hoài rất sinh động, cách kể chuyện ở ngôi thứ nhất tự nhiên, hấp dẫn, ngôn ngữ giàu tính tạo hình.

Bài học đường đời đầu tiên: "Ở đời mà hung hăng bậy bạ rồi cũng mang vạ vào mình đấy".

GHI NHỚ: Bài văn miêu tả Dế Mèn với vẻ đẹp cường tráng của tuổi trẻ, nhưng tính nết còn kiêu căng, xốc nổi, nghịch ngợm, hiếu thắng, nên đã gây ra cái chết thảm thương cho Dế Choắt, Dế Mèn đã hối hận và rút ra cho mình bài học đường đời đầu tiên.

II. TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. Kể tóm tắt văn bản đoạn trích:

- Ngoại hình: Dế Mèn vốn là một thanh niên cường tráng, với đôi càng mẫm bóng, đôi cánh dài kín xuống tận chấm đuôi, mỗi khi vỗ cánh nghe thấy tiếng phành phạch giòn giã.

- Tính cách: Mèn thành một chàng dế cường tráng tỏ ra hống hách hung hăng cà khịa với bà con hàng xóm. Ai cũng nhịn khi Mèn to tiếng. Vì vậy Mèn tưởng mình giỏi sắp đứng đầu thiên hạ rồi.

- Quan hệ với hàng xóm láng giềng: Cạnh nhà Dế Mèn có một chú Dế Choắt.

Một lần Dế Mèn sang chơi, thấy Dế Choắt sống cẩu thả, nhà cửa tuềnh toàng, Dế Mèn tỏ ý coi thường, lên mặt dạy đời.

Một hôm trời mưa rất to. Bỗng chị Cốc từ dưới đầm bay lên đậu gần hang Dế Mèn, Mèn nói lời trêu ghẹo chị Cốc, chị Cốc tức lắm nhưng nhìn quanh không thấy ai, chị phát hiện ra Dế Choắt đang loay hoay trong cửa hang thế là chị Cốc cứ liên tục giáng mỏ xuống người của Dế Choắt. Sau đó khi đã hả cơn tức giận, chị Cốc bay đi.

Biết chị Cốc đã đi rồi, Dế Mèn mới mon men bò ra khỏi hang và đến bên Dế Choắt. Trước khi chết, Dế Choắt nói với Dế Mèn: "Ở đời mà hung hăng bậy bạ rồi cũng mang vạ vào mình đấy". Thế rồi Dế Choắt tắt thở.

Đau đớn trước cái chết của bạn và ăn năn với hành động của mình, Dế Mèn đứng lặng trước mộ Dế Choắt nghĩ về bài học đường đời đầu tiên.
a. Truyện được kể theo lời của nhân vật Dế Mèn. Vai kể chuyện như vậy tạo sự thân mật gần gũi giữa người kể và người đọc, dễ biểu hiện tâm trạng, thái độ của nhân vật.

b. Bài văn chia thành 2 đoạn.

Đoạn một: từ đầu đến "sắp đứng đầu thiên hạ rồi", miêu tả vẻ đẹp cường tráng của Dế Mèn.

Đoạn hai: phần còn lại là về bài học đường đời đầu tiên đối với Dế Mèn.

2. Đọc kĩ đoạn văn từ đầu bài đến ... "sắp đứng đầu thiên hạ rồi" ta có:

a. Các chi tiết miêu tả ngoại hình và hành động của Dế Mèn:

- Ngoại hình: Đôi càng mẫm bóng, những cái vuốt nhọn hoắt, đôi cánh dài xuống tận chấm đuôi. Đầu to nổi từng tảng. Hai cái răng đen nhánh. Sợi râu dài và uốn cong.

- Hành động: Vẻ đẹp cường tráng còn được thể hiện ở sức mạnh, trong điệu bộ động tác của Dế Mèn:

"Co cẳng đạp phanh phách vào các ngọn cỏ. Đôi cánh vỗ lên nghe tiếng phành phạch giòn giã. Lúc đi bộ cả người rung rinh một màu nâu bóng mỡ; nhai ngoàm ngoạm như hai lưỡi liềm, chốc chốc lại trịnh trọng và khoan thai đưa cả hai chân lên vuốt râu."

- Trình tự và cách miêu tả trong đoạn văn làm nổi bật các đặc điểm quan trọng của đối tượng, vừa diễn tả ngoại hình vừa thể hiện hành động để bộc lộ sự cường tráng bề ngoài và tính nết bên trong của Dế Mèn.

b. Tìm những động từ và tính từ miêu tả hình dáng và tính cách Dế Mèn trong đoạn văn. Hãy thử thay thế một số từ ấy bằng những từ đồng nghĩa hoặc gần nghĩa rồi rút ra nhận xét về cách dùng từ miêu tả của tác giả:

- Những động từ và tính từ miêu tả hình dạng và tính cách Dế Mèn trong đoạn văn: cường tráng, mẫm bóng, cứng nhọn hoắt, hủn hoẳn, dài, giòn giã, nâu bóng, to, bướng, đen nhánh, ngoàm ngoạp, cong, hùng dũng, trịnh trọng, khoan thai, co cẳng lên, đạp phanh phách, rung rinh...

- Thay thế bằng những từ đồng nghĩa hay gần nghĩa: Ví dụ:

- cường tráng thay bằng từ khoẻ mạnh

- mẫm bóng thay bằng từ mập mạp

- đen nhánh thay bằng từ đen tuyền...

Không thể dùng những từ đồng nghĩa, gần nghĩa thay thế được.

Việc dùng các tính từ và động từ đã bộc lộ khả năng quan sát và miêu tả đặc sắc của nhà văn Tô Hoài. Nếu thay bằng những từ đồng nghĩa hoặc gần nghĩa sẽ không làm nổi bật được các chi tiết quan trọng của đối tượng.

c. Nhận xét về tính cách của Dế Mèn trong đoạn văn này.

"Dế Mèn là một thanh niên mạnh mẽ, có tính cách, chứa đầy sức sống của tuổi trẻ. Nhưng bên cạnh đó Dế Mèn là một người hiếu thắng, thích gây gổ, ngông cuồng, hung hăng, xốc nổi."

3. Nhận xét về thái độ của Dế Mèn đối với Dế Choắt biểu hiện qua lời lẽ, cách xưng hô, giọng điệu trong những đoạn đối thoại giữa hai nhân vật:

- Cách đặt tên cho Dế Choắt: thể hiện thái độ coi thường.

- Cách xưng hô "chú mày": tỏ ý trịch thượng.

- Khi Dế Choắt yêu cầu giúp đỡ, chưa nghe nói hết câu đã hếch răng lên xì một hơi rõ dài. Thái độ thiếu lịch sự.

4. Diễn biến tâm lí và thái độ của Dế Mèn trong việc trêu mụ Cốc dẫn đến cái chết của Dế Choắt:

Đầu tiên chỉ vì tinh nghịch và thích trêu chọc, cà khịa với người khác và muốn ra oai với Dế Choắt, tỏ rõ mình không sợ bất cứ một ai. Nhưng sau khi mụ Cốc lên tiếng thì lại chui tọt vào hang nằm im thin thít. Sau khi mụ Cốc bay đi mới dám mon men bò ra khỏi hang. Trước cái chết của bạn thì ân hận, nhận lỗi về mình và thấm thía về bài học đường đời đầu tiên.

5. Hình ảnh những con vật được miêu tả trong truyện rất giống trong thực tế. Có điểm là tính chất của con người được gán cho chúng. Em biết một số tác phẩm viết về loài vật có cách viết tương tự như truyện này như truyện. Lục súc tranh công, Trê và Cóc, Đám cưới chuột...

III. LUYỆN TẬP:

1. Ở đoạn cuối truyện sau khi chôn cất Dế Choắt Dế Mèn đứng lặng hồi lâu trước nấm mồ của người bạn xấu số. Em thử hình dung tâm trạng của Dế Mèn và viết một đoạn văn diễn tả lại tâm trạng ấy theo lời của Dế Mèn.

... Sau khi đưa Dế Choắt đến nơi an nghỉ cuối cùng, tôi ân hận về hành động rồ dại của mình. Chỉ vì thói hiếu thắng, thích gây gổ, trêu chọc mà gây nên cái chết bi thảm cho người bạn hàng xóm của tôi. Tôi không thể tha thứ cho hành động ngông cuồng ấy. Tôi càng thấm thía những lời trăng trối của Dế Choắt: "Ở đời mà có thói hung hăng bậy bạ, có óc mà không biết nghĩ, sớm muộn rồi cũng mang họa vào mình đấy", và tôi nghĩ đây là bài học đường đời đầu tiên đối với tôi.