I. KIẾN THỨC CƠ BẢN
Bài thơ viết theo thể thơ 5 chữ, đây là thể thơ ngũ ngôn trong thơ Trung đại mang theo lối hát dặm Nghệ Tĩnh. Thể thơ này rất phù hợp với cách kể chuyện vì nó vừa có yếu tố tự sự và trữ tình. Các từ láy làm tăng giá trị biểu cảm, diễn tả cụ thể các trạng thái tình cảm và cảm xúc.
"Đêm nay Bác không ngủ" của tác giả Minh Huệ, là bài thơ ca ngợi vẻ đẹp và tấm lòng yêu thương ấm áp, mênh mông của Bác đối với các chiến sĩ. Bài thơ đã khéo kết hợp được yếu tố tự sự với trữ tình, làm nổi bật được tình cảm yêu quý và kính trọng của người chiến sĩ đối với Bác.
Bài thơ "Đêm nay Bác không ngủ" có cái không khí cổ tích thần kì tạo nên vẻ đẹp độc đáo viết về lãnh tụ. Hai nhân vật với hai tâm hồn của cha - con, Bác – cháu hoà hợp trong một tình yêu lớn "yêu nước, thương người".
"Đêm nay Bác không ngủ" mãi mãi là bài ca làm rung động triệu triệu con tim.
GHI NHỚ:
Bằng sự kết hợp miêu tả với kể chuyện, bài thơ biểu hiện cảm xúc, tâm trạng của người chiến sĩ. Qua những chi tiết, giản dị, tự nhiên, mà giàu tình cảm, nhà thơ đã sáng tạo nên một hình tượng Bác Hồ vừa cao đẹp rực rỡ, vừa gần gũi, ấm áp, thân thương.
Bài thơ "Đêm nay Bác không ngủ" của nhà thơ Minh Huệ thể hiện một cách trung thực tính cách của Bác Hồ, toát lên một tấm lòng yêu thương mênh mông của Bác đối với chiến sĩ, đồng bào, đồng thời cũng nói lên tình cảm yêu quý kính trọng của người chiến sĩ đối với Bác.
II. TRẢ LỜI CÂU HỎI
1. Bài thơ Đêm nay Bác không ngủ kể về một đêm không ngủ của Bác Hồ trên đường đi chiến dịch Biên giới năm 1950 trong thời kì kháng chiến chống Pháp.
Tóm tắt câu chuyện: Trên đường đi chiến dịch, Bác Hồ phải ngủ lại trong rừng với các chiến sĩ.
Tại khu rừng có một mái lều tranh, nơi tạm trú của bộ đội. Một anh đội viên được ở cùng Bác, đang ngủ bỗng thức dậy thấy Bác vẫn ngồi với vẻ mặt trầm ngâm lo lắng.
Rồi anh lại thiếp đi, trong mơ màng anh thấy Bác đi nhẹ nhàng, dém chăn cho từng người một...
Ngoài trời mưa lâm thâm...
Anh vẫn thấy Bác ngồi đó, anh lo lắng cho Bác bị lạnh, bị ốm, không có sức mà đi chiến dịch.
Lần thứ ba thức dậy, anh vẫn thấy Bác ngồi đó,
Anh nằng nặc đòi Bác đi ngủ. Nhưng Bác bảo: "Cháu cứ việc ngủ đi, ngày mai đi đánh giặc”. Anh đội viên hiểu rằng Bác không ngủ được vì không an lòng, lo lắng cho đoàn dân công, đêm nay ngủ ngoài rừng bị ướt và lạnh.
Thấy Bác không ngủ, anh đội viên thức cùng Bác luôn cho đến sáng.
2. Hình tượng Bác Hồ trong bài thơ được miêu tả qua con mắt và cảm nghĩ của ai? Tác dụng của cách miêu tả?
- Hình tượng Bác Hồ trong bài thơ được miêu tả qua con mắt và cảm nghĩ của anh đội viên.
- Cách miêu tả này có tác dụng: làm cho hình tượng Bác Hồ hiện ra một cách tự nhiên vừa mang tầm vóc vĩ đại lại vừa mang dáng vẻ khiêm nhu trong một mối quan hệ gần gũi, ấm áp giữa người chiến sĩ và lãnh tụ.
- Cách miêu tả trên đây cho thấy mọi hành động và tâm tư của Bác đều hướng về chiến sĩ, đồng bào.
3. Bài thơ kể lại hai lần anh đội viên thức dậy nhìn thấy Bác không ngủ. Em hãy so sánh cảm nghĩ của anh đội viên đối với Bác Hồ trong hai lần đó.
- Bài thơ không kể lần thứ hai anh đội viên thức dậy mà từ lần thứ nhất chuyển sang lần thứ ba. Điều này cho thấy trong đêm đó anh đội viên nhiều lần thức tỉnh và lần nào cũng chứng kiến Bác Hồ không ngủ. Qua từng lần anh đều thể hiện tâm trạng và cảm nghĩ của mình.
+ Lần thứ nhất thức giấc, anh đội viên ngạc nhiên vì trời đã khuya lắm rồi mà Bác vẫn ngồi bên bếp lửa với vẻ mặt trầm ngâm; Bác ngồi đốt lửa sưởi ấm cho các chiến sĩ.
+ Trong trạng thái mơ màng, anh thấy Bác đi nhẹ nhàng dém chăn cho từng người một. Anh đội viên cảm nhận được sự chăm lo, gần gũi của vị lãnh tụ đối với các chiến sĩ. Anh nằm với nỗi lòng thổn thức yêu thương, lo lắng cho Bác.
+ Lần thứ ba thức dậy, trời sắp sáng anh vẫn thấy Bác ngồi đó. Sự lo lắng của anh đã thành "hốt hoảng"; nếu như ở lần trước anh chỉ "thầm thì hỏi nhỏ" thì giờ đây anh đã vội nằng nặc đòi Bác đi ngủ: "Mời Bác ngủ đi Bác ơi!" và "Bác ơi! Mời Bác ngủ".
Đến đây thì có câu trả lời của Bác: "Bác ngủ không an lòng... thương đoàn dân công" đã làm cho anh đội viên cảm nhận một lần nữa tấm lòng mênh mông của Bác đối với nhân dân. Bác thương đoàn dân công đêm nay ngủ ngoài rừng...
4. Hãy cho biết vì sao trong đoạn kết nhà thơ lại viết:
... Đêm nay Bác không ngủ
Vì một lẽ thường tình
Bác là Hồ Chí Minh.
Đoạn kết, nhà thơ đã nâng ý nghĩa của câu chuyện lên một tầm khái quát lớn:
- Bác là Hồ Chí Minh lãnh tụ của một dân tộc, cuộc đời của Bác đã dành trọn vẹn cho nhân dân, Tổ quốc.
- Bác không ngủ vì lo việc nước, thương bộ đội, thương đoàn dân công, việc không ngủ của Bác chỉ là một "lẽ thường tình" vì cái đêm không ngủ trong bài thơ chỉ là một trong vô vàn những đêm không ngủ của Bác.
5. Bài thơ viết theo thể thơ 5 chữ, đây là thể thơ ngũ ngôn trong thơ trung đại mang theo lối hát dặm Nghệ Tĩnh.
- Thể thơ này rất phù hợp với cách kể chuyện vì nó vừa có yếu tố tự sự và trữ tình, mang lối hát dặm.
Ví dụ:
* Có khổ gieo vần liền: vần liền là vần được gieo liên tiếp ở các dòng thơ.
Ví dụ khổ mười sáu hiệp vần: đó-ngủ-tình-minh.
* Có khổ gieo vần cách: vần gieo cách ra một dòng thơ. Câu 1 bắt vần câu 3, câu 2 bắt vần câu 4.
Ví dụ: Bác – thương - bạc – nằm.
* Có khổ gieo vần ôm: câu 1 bắt vần câu 4, câu 2 bắt vần câu 3.
Ví dụ khổ bảy: ngon - giặc – mắt – chồn.
* Có khổ gieo vần theo lối thơ luật, cuối các câu 1, 2, 4, còn câu 3 không gieo vần.
Ví dụ khổ mười ba.
* Các khổ liền nhau cũng bắt đầu: câu cuối của khổ trước bắt vần câu đầu khổ sau.
6. Tìm những từ láy trong bài và cho biết giá trị biểu cảm của một số từ láy đó.
Một số từ láy được biểu hiện qua các câu thơ:
- Ngoài trời mưa lâm thâm
- Mái lều tranh xơ xác
- Bác nhón chân nhẹ nhàng
- Bóng Bác cao lồng lộng
- Anh đội viên mơ màng.
- Anh vội vàng nằng nặc
- Lòng vui sướng mênh mông.
Các từ láy ở đây làm tăng giá trị biểu cảm, diễn tả cụ thể các trạng thái tình cảm và cảm xúc.
II. LUYỆN TẬP:
1. Đọc diễn cảm bài thơ: (học sinh tự đọc)
2. Bài văn tham khảo ngắn của người chiến sĩ kể về kỉ niệm sâu sắc một đêm ở bên Bác Hồ khi đi chiến dịch.
Trong một đêm trời mưa lâm thâm và lạnh, Bác Hồ đi chiến dịch Biên giới. Tại một mái lều tranh xơ xác nơi tạm trú của bộ đội, các chiến sĩ đội viên được ngủ quây quần bên Bác. Tôi chợt thức dậy thấy Bác lặng yên ngồi bên bếp lửa với vẻ mặt trầm ngâm. Qua ánh lửa bập bùng tôi theo dõi từng cử chỉ của Bác. Bác dường như già đi nhiều, mái tóc đã bạc trắng. Trong lòng tôi trào lên một tình cảm yêu thương và biết ơn Bác.
Trong mơ màng, tôi thấy Bác nhẹ nhàng đi dém chăn cho từng người một. Nằm trong chăn ấm áp, lòng tôi càng bồn chồn lo lắng cho Bác, thầm thì tôi hỏi nhỏ: "Khuya rồi sao Bác chưa đi ngủ? Bác có lạnh lắm không?
Bác nhỏ nhẹ nói với tôi: "Cháu cứ ngủ ngon, lấy sức để ngày mai đi đánh giặc". Nghe lời Bác, tôi nhắm mắt lại, nhưng trong lòng tôi vẫn không yên bởi chiến dịch hãy còn dài, rừng núi thì lại lắm dốc, lắm ụ, Bác không ngủ lấy sức đâu mà đi.
Đến lần thứ ba thức giấc, tôi hốt hoảng giật mình vì thấy Bác vẫn ngồi đó, im lặng. Tôi bật dậy nằng nặc đòi Bác đi nghỉ nhưng Bác nói: "Bác không ngủ được vì lo lắng cho đoàn dân công đêm nay ngủ ngoài rừng chắc lạnh lắm, và mưa thế này thì làm sao tránh cho khỏi ướt". Ôi! Tấm lòng của Bác thật to lớn mênh mông và sâu nặng, đúng như nhà thơ Tố Hữu nói:
"... nâng niu tất cả, chỉ quên mình".
Ngồi cạnh Bác tôi có cảm tưởng như được Bác truyền cho hơi ấm và sức mạnh, thế là tôi thức luôn cùng Bác cho đến sáng.