I. KIẾN THỨC CƠ BẢN:

Tác giả đã nhân hoá loài hổ dữ như người làm việc trả ơn rất chân thành. Trong cuộc sống phải biết ơn người đã giúp đỡ mình

Truyện kể về hai con hổ có nghĩa tìm cách đền ơn người cứu giúp. Con hổ thứ nhất tìm bà đỡ cho hổ cái, con hổ thứ hai được người tiều phu cứu chữa khi nó bị hóc xương. Mỗi con trả nghĩa theo một kiểu.

Tác giả đã vận dụng một cách sinh động biện pháp nghệ thuật nhân cách hoá làm cho hình tượng con hổ như một con người sống có đạo lý. Mặt khác tác giả còn vận dụng biện pháp ẩn dụ tạo ra sự lôi cuốn liên tục đối với người đọc.

II. TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. Văn bản thuộc thể văn gì? Có mấy đoạn? Mỗi đoạn nói gì?

- Bài văn thuộc thể văn xuôi, nguyên bản viết bằng chữ Hán được dịch ra tiếng Việt. Đây gọi là truyện Trung đại Việt Nam.

- Bài văn chia làm hai đoạn:

Đoạn 1: Kể về con hổ đi tìm bà đỡ cho hổ cái đẻ.

Đoạn 2: Kể về con hổ bị hóc xương nhờ người tiều phu lấy ra.

- Cả hai truyện đều nói đến việc đền ơn đáp nghĩa người giúp chúng giải quyết khó khăn, nhưng mỗi con đáp nghĩa theo một cách khác nhau:

+ Con thứ nhất lấy bạc trả nghĩa (bà đỡ Trần).

+ Con thứ hai biếu dê, lợn và nhớ lúc chết, ngày giỗ (bác tiều phu Lạng Giang).

2. Biện pháp nghệ thuật cơ bản là gì?

- Biện pháp nghệ thuật cơ bản, bao trùm là phép nhân hoá, là hình thức làm cho các sự vật, loài vật được mô tả có hành động, ngôn ngữ và tư tưởng, tình cảm như con người.

- Phép ẩn dụ là ví ngầm, nói về đối tượng này mà chính là để ngầm nói về đối tượng khác.

- Dựng lên chuyện “Con hổ có nghĩa”, tác giả dùng biện pháp nghệ thuật "nhân cách hoá" để biến loài thú dữ thành như con người, biết đền ơn, đáp nghĩa.

3. Chuyện xảy ra giữa bà đỡ Trần với con hổ thứ nhất, giữa bác tiều với con hổ thứ hai? Chi tiết thú vị? So sánh ý nghĩa của hai chuyện?

- Con hổ thứ nhất với bà đỡ Trần là chuyện hổ xông tới cõng bà Trần đi đỡ đẻ cho hổ cái. Sau đó tặng bà cục bạc để đền ơn, giúp bà qua cơn đói kém.

- Con hổ thứ hai nhờ người kiếm củi móc xương hóc ra. Hổ nhớ ơn khi bác Tiều phu qua đời đến bên quan tài tỏ lòng thương xót và sau đó mỗi dịp giỗ lại đem dê hoặc lợn đến tế.

* Trong mỗi chuyện đều có những chi tiết thú vị:

+ Con hổ thứ nhất còn mang cái đáng quý của tính người là hết lòng với hổ cái trong lúc sinh đẻ, vui mừng khi có con, lễ phép và lưu luyến trong lúc chia tay với ân nhân.

+ Con hổ thứ hai thì có nghĩa tình sâu nặng thuỷ chung đối với ân nhân.

* So sánh sự đền ơn đáp nghĩa của hai con hổ ta thấy:

+ Con hổ thứ hai có sự đáng chú ý hơn, không chỉ đền ơn một lần như con hổ trước, mà đền ơn mãi mãi, từ lúc ân nhân còn sống đến lúc đã chết. Như thế là nghệ thuật kể chuyện không trùng lắp mà còn nâng lên tư tưởng của tác phẩm.

4. Truyện khuyến khích điều gì cần cho cuộc sống?

+ Truyện Con Hổ Có Nghĩa đề cao và khuyến khích lòng biết ơn người cứu giúp mình.

+ Con vật còn có nghĩa huống chi là con người, hoặc sống ở đời phải có nhân có nghĩa!

+ Viết về con hổ có nghĩa cũng là một cách trực tiếp thể hiện ý đồ văn chương, có khả năng chứa đựng một vấn đề đặt ra trong cuộc sống.

+ Từ việc trả lời câu hỏi trên, ta có thể rút ra ý sau: trong nghệ thuật kể chuyện văn chương có thể sáng tạo ra nhiều tình tiết, hình tượng văn học mà trong thực tế không có, nhưng lại phù hợp với đạo lý sống.

Ghi nhớ: Một trong những điều cao quý về đạo làm người là sống sao cho có ân nghĩa. Tác giả đã lấy truyện con hổ để đề cao ân nghĩa đó.

Đọc truyện người ta liên tưởng đến như con hổ còn có nghĩa huống chi con người. Tác giả Vũ Trinh đã thành công trong việc xây dựng con hổ biết sống có đạo lí: ân nghĩa thuỷ chung.

Mượn con vật để nói chuyện con người là thủ pháp nghệ thuật thường thấy trong các truyện ngụ ngôn và truyện truyền kì trung đại.