I. KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. Từ có thể có một nghĩa hay nhiều nghĩa

- Từ chỉ có một nghĩa: com-pa, kiềng,...

- Từ có nhiều nghĩa: chân, đi, chạy, ... (các em tự tìm các nghĩa của những từ này).

2. Chuyển nghĩa

Là hiện tượng thay đổi nghĩa của từ, tạo ra những từ nhiều nghĩa.

3. Trong từ nhiều nghĩa có:

- Nghĩa gốc là nghĩa xuất hiện từ đầu, làm cơ sở để hình thành các nghĩa khác.

- Nghĩa chuyển là nghĩa được hình thành trên cơ sở của nghĩa gốc. Ví dụ: Từ "chân"

- Nghĩa gốc: bộ phận dưới cùng của cơ thể người hay động vật, dùng để đi, đứng: đau chân.

- Nghĩa chuyển:

+ Bộ phận dưới cùng của một số đồ vật, có tác dụng để cho các bộ phận khác: chân giường, chân bàn, chân đèn,...

+ Bộ phận dưới cùng của một số đồ vật (sự vật), tiếp giáp và bám chặt vào mặt nền: chân tường, chân núi, chân răng,...

4. Thông thường, trong câu, từ chỉ có một nghĩa nhất định.

Tuy nhiên trong một số trường hợp, từ có thể được hiểu đồng thời theo cả nghĩa gốc lẫn nghĩa chuyển.

Ví dụ: Trong bài thơ Những Cái Chân của Vũ Quần Phương, từ "chân" được dùng với nghĩa chuyển nhưng vẫn được hiểu theo nghĩa gốc nên mới có những liên tưởng thú vị như "chiếc bàn bốn chân” nhưng "chẳng bao giờ đi cả", còn cái võng không chân mà "đi khắp nước".

II. LUYỆN TẬP

1. Ba từ chỉ bộ phận người và một số ví dụ về sự chuyển nghĩa của chúng:

Mắt người - chuyển nghĩa: mắt tre, mắt xích, mắt lưới, mắt sàng,...

Ruột người - chuyển nghĩa: ruột xe, ruột bút,...

Tai người - Tai ấm, tai cối xay...

2. Trong tiếng Việt, có một số từ chỉ bộ phận của cây cối được chuyển nghĩa để cấu tạo các từ chỉ bộ phận cơ thể con người.

Ví dụ: quả thận, trái tim, lá gan, cuống phổi ...

3. Tìm thêm ví dụ về những từ:

a. Chỉ sự vật chuyển thành chỉ hành động:

cái khoan - khoan giếng

cái sàng - sàng gạo

cái quạt - quạt lúa

cái cuốc - cuốc đất

cái cày - cày ruộng

cái đục - đục gỗ

b. Chỉ hành động chuyển thành chỉ đơn vị:

gánh củi đi – hai gánh củi

bó lúa lại - ba bó lúa

4. Trong đoạn văn đã cho, tác giả nêu lên hai nghĩa của từ bụng:

Nghĩa đen: bụng là bộ phận cơ thể của người hoặc động vật chứa gan, ruột, dạ dày, lá lách, mật.

Nghĩa bóng: bụng là biểu tượng của ý nghĩ sâu kín, không bộc lộ ra, đối với người, với việc nói chung.